Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Liên Anh - Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh sau khi sinh 2-3 ngày khá phổ biến. Đa phần ở trẻ sinh non tháng, tỉ lệ khoảng 30% ở những trẻ đủ 40 tuần thai. Vàng da sinh lý trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi trong khoảng 2 tuần, còn vàng da bệnh lý trẻ sơ sinh cần được chữa trị bởi bác sĩ.
Nếu trẻ bị vàng da hơn mức bình thường, không được điều trị, kèm theo các biểu hiện: Bú kém, ngủ li bì, hay có những cơn ngừng thở...giai đoạn này cần phải có biện pháp điều trị cụ thể để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm ở trẻ bị vàng da.
Biểu hiện đầu tiên của trẻ bị vàng da là màu vàng ở da và mắt trẻ. Màu vàng có thể bắt đầu trong vòng 2 đến 4 ngày sau khi sinh và có thể bắt đầu ở mặt trước khi lan xuống khắp cơ thể. Mức độ bilirubin thường đạt đỉnh trong khoảng từ 3 đến 7 ngày sau khi sinh. Khi dùng một ngón tay ấn nhẹ vào da trẻ, khiến vùng da đó có màu vàng, thì có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da.
Hầu hết các trường hợp trẻ bị vàng da là bình thường, nhưng đôi khi vàng da có thể chỉ ra những bệnh khác. Trẻ bị vàng da nặng cũng làm tăng nguy cơ bilirubin đi vào não, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.
Khác với các biểu hiện của vàng da sinh lý trẻ sơ sinh như: Xuất hiện ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn khoảng 24 giờ sau sinh, hết trong vòng 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh sớm hơn. Ở mức độ này trẻ vẫn phát triển tốt và lên cân đều. Vàng da bệnh lý trẻ sơ sinh khi có các biểu hiện bất thường sau: Vàng da đậm xuất hiện sớm; Không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng; Mức độ vàng toàn thân và cả mắt; Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, sốt, khóc nhiều; Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.
Muốn xác định trẻ bị vàng da hay không thì phải quan sát dưới ánh sáng ban ngày, mẹ có thể khám vàng da cho trẻ bằng cách dùng một ngón tay ấn nhẹ vào da trẻ, khiến vùng da đó có màu vàng, thì có thể là dấu hiệu trẻ bị vàng da.
Vàng da sinh lý trẻ sơ sinh chuyển sang vàng da bệnh lý trẻ sơ sinh rất mong manh và thường khó nhận diện do nhiều trẻ không có các dấu hiệu chỉ điểm như: Kích thích, vật vã hoặc li bì, bỏ bú mà đôi khi trẻ vẫn bú, vận động và ngủ bình thường. Khi xuất hiện những dấu hiệu lâm sàng, điển hình như tăng trương lực cơ, rối loạn hô hấp, co giật, li bì hoặc khóc thét thì đã rất nặng. Khi đó dù có điều trị được thì trẻ bị vàng da cũng vẫn sẽ để lại những di chứng rất nặng nề.
Nên quan sát da trẻ theo thứ tự từ trên xuống dưới: Bắt đầu từ trán – ngực – bụng – đùi – cẳng chân. Nếu chỉ thấy trẻ bị vàng da từ trán xuống ngực thì không cần cho trẻ đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà. Nếu thấy trẻ bị vàng da đến bụng hoặc đến đùi, cẳng chân thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở khoa Nhi có khoa Sơ sinh để khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
- Hướng dẫn chiếu đèn điều trị vàng da sơ sinh
- Vàng da ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý
- Trẻ bị vàng da chiếu đèn như nào mới hiệu quả?