Mục lục
Cuộc sống của bé sẽ trở nên thú vị hơn khi bắt đầu khám phá thế giới đồ ăn như người lớn. Khi thực đơn của bé bắt đầu đa dạng, cha mẹ có thể có một số câu hỏi về những loại thực phẩm nào là an toàn cũng như cách thức và thời điểm cho bé ăn một số loại thực phẩm nhất định. Gạo là một trong những thực phẩm phổ biến và thắc mắc khi nào cho bé ăn cơm rất thường gặp.
1. Trẻ bắt đầu ăn cơm khi nào?
Theo các tổ chức dinh dưỡng nhi khoa, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu ăn tất cả các thức ăn đặc tương tự như người lớn trong bữa chính. Chuẩn bị bữa ăn cho bé có thể bằng cách nghiền, cắt nhỏ, xay nhuyễn hoặc cắt lát với đa dạng hương vị, kết cấu và nhiều loại khác nhau, cho phép trẻ được tận hưởng chế độ ăn uống không giới hạn.
Chính vì thế, cha mẹ hoàn toàn có thể cho bé ăn cơm khi được 6 tháng tuổi miễn là loại thực phẩm này được chế biến và phục vụ theo cách an toàn cho bé ăn mà không gây nguy cơ mắc nghẹn.
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thử ăn cơm, từ lúc trẻ 4-6 tháng tuổi, cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn dạng đặc mềm như ngũ cốc, bột yến mạch, lúa mạch và thức ăn xay nhuyễn chuyên dùng cho trẻ ăn dặm. Những loại ngũ cốc này được trộn với sữa công thức dành cho trẻ em hoặc sữa mẹ để tạo ra độ sệt hoàn hảo. Nhà sản xuất thường bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ khi chế độ dinh dưỡng với sữa mẹ hay sữa công thức hoàn toàn không còn đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu của trẻ. Hơn nữa, những món ăn khởi đầu này sẽ giúp bé học cách ăn và giúp bé thích nghi với hương vị, kết cấu mới cũng như giúp hệ tiêu hóa của bé chuẩn bị cho một chế độ ăn uống đa dạng hơn.
Ngoài ra, thời điểm khi nào cho bé ăn cơm nát còn tùy thuộc vào từng trẻ. Đối với trẻ sinh non, sinh nhẹ cân hay mắc các bệnh lý bẩm sinh, khi nào cho trẻ ăn cơm nên được trì hoãn. Theo đó, cha mẹ có thể chọn lúc thích hợp thử thức ăn đặc khi:
- Bé có thể ngẩng cao đầu với khả năng kiểm soát đầu tốt
- Bé có vẻ háo hức muốn được cho ăn hoặc thích ăn thức ăn (chúng mở miệng khi thìa hướng về phía mình hoặc với lấy bất cứ thứ gì thấy người lớn đang ăn)
- Bé có thể dùng lưỡi để di chuyển thức ăn từ thìa vào trong miệng
- Trọng lượng đã tăng gấp đôi so với khi chào đời
2. Lần đầu tiên cho bé ăn cơm như thế nào?
Khi chuẩn bị gạo nguyên hạt để chế biến thành bữa ăn cho em bé, hãy nấu cơm theo hướng dẫn trên bao bì.
Đồng thời, cha mẹ cần đảm bảo cơm được nấu chín kỹ để dễ nghiền bằng nĩa và đủ mềm để bé dễ dàng “nhai”. Các bác sĩ nhi khoa cũng khuyến nghị rằng gạo và lúa mì, lúa mạch cùng các loại ngũ cốc khác nên được nghiền hoặc xay trước khi cho trẻ ăn. Dùng mặt sau của nĩa hoặc thìa để nghiền nhẹ cơm trước khi cho bé ăn. Tuyệt đối không cho trẻ ăn cơm chưa nấu chín hoàn toàn.
Tuy nhiên, khi tập ăn cơm cho trẻ nhỏ, bữa ăn đầu tiên này không cần thiết phải nhạt nhẽo mà hãy sử dụng gia vị để tăng sự thơm ngon nhưng sử dụng muối một cách tiết chế tối đa. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho bé ăn bất kỳ loại gạo nào, chẳng hạn như gạo trắng và các loại phổ biến khác như gạo basmati, gạo lứt hoặc gạo jasmine miễn là chúng được chế biến phù hợp. Giống như các loại thực phẩm khác, khi cho bé ăn lần đầu tiên, hãy thận trọng và đợi vài ngày để xem phản ứng của bé với nó như thế nào.
3. Cơm có nguy cơ gây nghẹn cho trẻ ăn dặm hay không?
Các tổ chức nhi khoa đã liệt kê gạo là một nguy cơ gây nghẹt thở tiềm ẩn cho trẻ sơ sinh cho đến 24 tháng tuổi cũng như các vấn đề khi ăn dặm khác. Tuy nhiên, khi nấu chín đúng cách và nghiền nát, gạo có thể giúp giảm thiểu rủi ro để bé có thể thưởng thức món ăn này.
Đồng thời, điều quan trọng để tránh trẻ bị nghẹn khi ăn là phải đảm bảo rằng em bé được giám sát cẩn thận trong tất cả các giờ ăn. Hơn nữa, cha mẹ cũng hãy đảm bảo tuân theo các nguyên tắc an toàn sau:
- Ngồi đúng vị trí khi ăn, không vừa nằm hoặc vừa bế khi ăn
- Ngồi trên ghế cao vừa tầm với bàn ăn dành cho người lớn hay ngồi ghế cho ăn chuyên dùng của trẻ
- Không cho em bé ăn trong xe hơi hoặc trong xe đẩy
Hơn nữa, tương tự như các loại thức ăn khác, cơm cũng khuyến khích cho trẻ làm quen trong chế độ ăn dặm tự chỉ huy. Đây là một phong cách giới thiệu thức ăn đặc, trong đó trẻ có thể tự thiết lập tốc độ cho giờ ăn, nghĩa là khi trẻ được đưa một đĩa thức ăn bằng tay, trẻ có thể chọn lượng và loại thức ăn nào mà trẻ muốn ăn hơn, vừa đem lại trải nghiệm thú vị và vừa an toàn cho trẻ hơn so với cách ăn truyền thống bằng thìa.
4. Loại gạo nào tốt cho trẻ?
Giống như tất cả các loại thực phẩm, một số loại gạo có nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn những loại khác. Điều quan trọng là phải cân nhắc lợi ích của chế độ ăn uống với loại gạo nào tốt để chế biến cho trẻ với các thông tin sau đây:
- Gạo lứt: gạo nguyên hạt đã loại bỏ lớp vỏ ngoài nhưng vẫn còn cám và mầm chứa các chất dinh dưỡng quan trọng. Gạo lứt có nhiều chất xơ và protein hơn gạo trắng.
- Gạo hoang dã: như một loại ngũ cốc nguyên hạt có chất xơ và protein nhiều hơn gần ba lần so với gạo trắng.
- Gạo trắng: gạo đã loại bỏ lớp cám và mầm, không may là loại này gạo đã loại bỏ vitamin và chất xơ. Gạo trắng khi nấu thành cơm, dung nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa như một loại đường đơn và có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Nếu cha mẹ lo lắng về loại gạo tốt cho trẻ thì bất kỳ loại gạo nào cũng có thể được chế biến cho trẻ sơ sinh đang tập ăn dặm miễn là được chế biến phù hợp và trẻ được theo dõi cẩn thận trong giờ ăn để giảm nguy cơ mắc nghẹn cũng như biết cách xử trí khi trẻ bị hóc dị vật.
Tóm lại, để trả lời cho câu hỏi khi nào nên cho trẻ ăn cơm, cha mẹ nên đợi cho đến khi trẻ được ít nhất 4-6 tháng tuổi. Lúc này, trẻ có thể trải nghiệm những thức ăn đặc đầu tiên, không chỉ như cơm nát mà cả ngũ cốc, trái cây và rau xay nhuyễn. Mặc dù tất cả trẻ em đều khác nhau, nhìn chung vào khoảng 6-8 tháng tuổi, hầu hết trẻ đã sẵn sàng để bắt đầu thưởng thức thức ăn dặm đầy thú vị một cách an toàn, đảm bảo cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho trẻ trong giai đoạn này.
Cũng trong độ tuổi này, ngoài việc cho trẻ ăn đa dạng các thực phẩm trong đó có cơm mẹ cũng nên bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, giúp bé ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo; bellybelly.com.au - srnutrition.co.uk - naturalbabylife.com
- Có nên dùng cháo, súp, sữa ngô cho bé ăn dặm?
- Các phương pháp cho trẻ ăn dặm và ưu nhược điểm
- Có thể cho trẻ 6 tháng tuổi tập ăn dặm tự chỉ huy không?