17-01-2024 11:34

Trẻ ăn vào hay nôn sẽ kéo dài đến tuổi nào?

Trẻ ăn vào hay nôn sẽ kéo dài đến tuổi nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Trẻ ăn vào hay nôn ra bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để có thể xử lý tình trạng này và đảm bảo an toàn cho bé, bạn cần trang bị những kiến thức xử lý khoa học, kịp thời. Nhưng tình trạng trẻ ăn vào hay nôn sẽ kéo dài đến tuổi nào?

1. Vì sao trẻ ăn vào hay nôn?

Nôn trớ là những triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ, có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Nôn là hiện tượng thức ăn ở trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, rồi trào ra khỏi miệng do sự co bóp của cơ trơn dạ dày kèm theo sự co thắt của các cơ trơn thành bụng.

Trớ là tình trạng luồng thức ăn trào ngược đơn thuần sau ăn (thức ăn chưa xuống đến dạ dày), nguyên nhân thường do thực quản không có sự co bóp nhịp nhàng của các cơ vân.

Nôn trớ có thể là biểu hiện của những bệnh lý đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp hoặc là bệnh lý toàn thân,... Do đó bạn cần chú ý xem trẻ có những biểu hiện nào khác kèm theo không, ví dụ như: sốt hay đi ngoài phân lỏng, ho, hay sổ mũi, phát ban...

Nôn do bệnh lý: Triệu chứng nôn hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não... hoặc trong một số bệnh ngoại khoa như tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột non hoại tử... Trong các trường hợp này, trẻ thường nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh. Khi đó bạn cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế để xử trí kịp thời.

Nôn trớ đơn thuần, không phải do bệnh lý, thường liên quan đến vấn đề ăn uống:

  • Do ép trẻ ăn quá nhiều
  • Do trẻ bú quá no
  • Do trẻ nằm liền sau khi bú
  • Do trẻ không dung nạp thức ăn hoặc khi trẻ bắt đầu ăn dặm với thức ăn mới lạ, hoặc ăn quá nhiều một loại thức ăn nào đó.

Trong trường hợp này, triệu chứng nôn thường xuất hiện sớm, với số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường sau khi nôn, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Vì vậy, bạn chỉ cần điều chỉnh cách cho trẻ ăn trong trường hợp này.

trẻ bị nôn sau ăn
Trẻ bị nôn sau ăn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau

2. Trẻ bị nôn sau ăn phải làm sao?

Khi trẻ bị nôn trớ sau khi ăn, điều đầu tiên mà bạn cần làm ngay đó là dùng khăn sạch để lau miệng cho trẻ. Sau đó để đề phòng việc trẻ nôn trớ tiếp, bạn nên quàng khăn vào cổ cho bé. Để tránh tình trạng dịch nôn trớ trào ngược vào phổi thì khi bé đang nôn trớ bạn tuyệt đối không được bế xốc bé lên.

Khi trẻ bị nôn trớ thường có cảm giác sợ hãi nên bạn cần giữ thái độ nhẹ nhàng, không được quát mắng khiến trẻ quấy khóc, mất bình tĩnh và trớ nhiều hơn. Ngay lúc đó, bạn nên vuốt ngực và vuốt lưng của bé theo chiều từ trên xuống dưới đồng thời trò chuyện với bé để bé quên đi việc nôn trớ.

Nếu như trẻ đang nằm, cần giữ cho trẻ nằm đúng tư thế, kê cao đầu và phần thân trên để không dẫn đến hiện tượng trào ngược. Trường hợp trẻ bị trớ nhiều sữa cần đặt trẻ nằm quay nghiêng sang một bên để cho chất nôn không bị hít vào phổi.

Khi trẻ ăn vào và bị nôn ra ngay bạn không nên cho trẻ uống sữa tiếp ngay sau đó mà cần nhanh chóng vệ sinh mũi miệng và thay quần áo cho trẻ.

Trường hợp trẻ bị sặc do nôn trớ, bạn không được dùng tay móc thức ăn hay chất nôn ra, mà nên làm nghiệm pháp Heimlich đối với trẻ lớn, bằng cách đứng sau lưng trẻ, đưa 2 tay ra trước ôm lấy bụng trẻ và ép mạnh vào, áp lực mạnh sẽ làm cho trẻ nôn ói ra dị vật đường thở. Đối với trẻ nhỏ, bạn nên đặt trẻ nằm sấp trên đùi và vỗ mạnh vào lưng trẻ, khi đó dị vật, chất nôn sẽ được tống ra. Nếu sau đó bé còn mệt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

Khi bé nôn nhiều cũng giống như tiêu chảy, trẻ sẽ mất một lượng nước khá lớn. Do đó điều quan trọng là bạn phải bổ sung lượng nước đã mất để cơ thể trẻ không mất chất điện giải. Tại nhà, bạn có thể dùng dung dịch Oresol, nước đun sôi hay nước trái cây loãng.

Khi trẻ bị nôn trớ nhiều, bạn đừng cố gắng cho bé tiếp tục uống mà cần lưu ý:

  • Tư thế khi trẻ nôn nên để trẻ nằm nghiêng hoặc đỡ trẻ ngồi dậy, đề phòng khi trẻ nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản, vào phổi gây ngừng thở.
  • Chờ cho trẻ bớt nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước đun sôi hoặc dung dịch Oresol. Trẻ bị mất nước nhiều nên sẽ khát, khi được cho uống nước trẻ sẽ có khuynh hướng uống nhiều, sau đó trẻ sẽ bị nôn thốc tháo, do đó bạn nên cho trẻ uống bằng thìa nhỏ hoặc từng ngụm một.

Nếu bé tiếp tục nôn nhiều, bạn nên đưa bé đi khám. Nếu trẻ bớt nôn trớ, bạn cần phải cho trẻ uống luân phiên 50ml dung dịch Oresol và 50ml nước đun sôi sau mỗi nửa giờ. Sau khi cho bé uống như vậy mà bé không nôn trớ nữa thì bạn có thể cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình, tăng dần số lượng sữa từ 80 đến 100ml sau mỗi 3 – 4 giờ.

Nếu trẻ không nôn trớ trong vòng từ 12 – 24 giờ thì có thể cho bé ăn uống như bình thường, nhưng vẫn nên cho bé uống nhiều nước. Bắt đầu cho trẻ ăn với những thực phẩm dễ tiêu hoá như ngũ cốc hay sữa chua.

Nên nhớ khi trẻ bị nôn nhiều tức là hệ tiêu hóa của bé đang có vấn đề cần được nghỉ ngơi cho nên bạn chỉ cho trẻ uống nước để không bị mất nước, không nên cố gắng ép trẻ ăn, ép trẻ ăn không giúp được bé mà còn làm cho tình trạng nôn trớ nặng thêm và bé càng quấy khóc nhiều hơn.

Giúp trẻ ngủ sẽ làm cho trẻ nhanh hồi phục hơn, vì dạ dày trống trong suốt thời gian ngủ sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Tuyệt đối không cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc chống nôn nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.

Nếu trẻ bị nôn trớ kéo dài hoặc nôn trớ do bệnh lý và có các triệu chứng khác như: Sốt, đau bụng, co giật, lơ mơ, hay nôn ói liên tục, có dấu hiệu mất nước như miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít,... thì bạn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.

trẻ ăn vào hay bị nôn
Cần đưa bé đi kiểm tra kịp thời nếu thấy trẻ ăn vào hay nôn và tình trạng nôn trớ kéo dài

3. Cải thiện tình trạng trẻ ăn vào hay nôn bằng cách nào?

Để hạn chế tình trạng trẻ ăn vào hay nôn, bạn nên trang bị một số kiến thức cơ bản cụ thể như sau:

3.1 Đối với trẻ đang bú sữa mẹ

Cho trẻ bú từ từ và tránh để cho trẻ bú quá no. Sau khi trẻ bú xong, cần bế trẻ trong tối thiểu 15 phút mới được cho trẻ nằm xuống. Tư thế khi cho trẻ bú cũng rất quan trọng để hạn chế tình trạng nôn trớ: Bạn cần bế trẻ sao cho mặt quay vào vú, mũi trẻ đối diện với núm vú đồng thời để cho người và đầu trẻ phải nằm trên một đường thẳng. Sau đó, bạn dùng một tay đỡ mông và bé sát vào người cho đến khi môi trên của bé chạm vú. Khi thấy bé dần hé miệng thì chỉnh sao cho môi dưới của bé ở dưới núm vú.

Không nên cho trẻ nằm nghiêng bên phải khi no, do đó bạn nên cho trẻ bú bên trái trước sau đó mới chuyển sang bú bên phải. Điều này sẽ giúp sữa trong dạ dày trẻ dễ dàng tuần hoàn hơn và hạn chế được tình trạng trào ngược dạ dày.

3.2 Đối với trẻ đang bú bình

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị nôn sau ăn đó là do có một lượng lớn không khí đi vào dạ dày trong khi trẻ bú, đặc biệt là đối với trẻ bú bình. Do đó, trong suốt quá trình cho trẻ bú bình, bạn nên giữ cho sữa luôn ngập miệng bình.

3.3 Đối với trẻ đang ăn dặm

Bạn không nên bắt ép trẻ ăn quá nhiều dẫn đến tâm lý sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn. Cần chia khẩu phần ăn trong ngày của trẻ thành nhiều bữa nhỏ nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ số lượng và chất lượng dinh dưỡng cần thiết.

Nên tập cho trẻ thói quen tập trung khi ăn uống, thời gian ăn tối đa của mỗi bữa chỉ nên trong khoảng 30 phút trở lại. Bởi việc ăn lâu có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ.

Hiện tượng không dung nạp được sữa tươi có thể gặp ở một số trẻ nhỏ. Đối với những trường hợp này, bạn có thể cho trẻ uống sữa bò dạng sữa chua hoặc sữa đậu nành để thay thế.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung chế phẩm men vi sinh có chứa các bào tử lợi khuẩn cho trẻ để giúp hỗ trợ cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, từ đó giúp hạn chế tình trạng trẻ ăn vào là bị nôn.

Mặc dù nôn trớ là một hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng nếu bạn không biết cách xử lý đúng thì rất dễ gây nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt là khi chất nôn tràn vào trong khí quản làm tắc nghẽn đường hô hấp. Do đó, bạn cần phải bình tĩnh và xử lý đúng cách.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

XEM THÊM:
  • Lượng sữa cho bé 4 tháng tuổi mỗi ngày là bao nhiêu?
  • Tuần thứ 5 sau khi bé chào đời
  • Dấu hiệu trẻ sơ sinh muốn nôn

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan