Sữa chua là một loại thực phẩm phổ biến được nhiều cha mẹ lựa chọn sử dụng cho trẻ mỗi ngày. Sữa chua được cho là rất tốt đối với sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là hệ tiêu hóa của trẻ, tuy nhiên trẻ ăn nhiều sữa chua có tốt không và có gây ra những rối loạn bất thường nào không vẫn là vấn đề cần được quan tâm.
1. Lợi ích của sữa chua
Sữa chua là thực phẩm ngon miệng và bổ dưỡng với hầu hết mọi người, đặc biệt là trẻ em. Sữa chua tốt cho đường tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ, cụ thể hơn như sau:
- Cung cấp calci cho trẻ: Thành phần của sữa chua chứa rất nhiều canxi, giúp hệ xương của trẻ phát triển từ đó đẩy mạnh quá trình tăng trưởng của trẻ em. Bên cạnh đó, một vài khoáng chất và vitamin khác có trong sữa chua đó là kali, photpho, vitamin D rất cần thiết cho cơ thể.
- Cung cấp lợi khuẩn: Sữa chua chứa vô số vi khuẩn có lợi đối với hệ tiêu hóa của trẻ em, nhờ ăn sữa chua mà hệ tiêu hóa sẽ được bổ sung thêm lợi khuẩn, giúp ngăn chặn được rối loạn đường ruột.
- Cung cấp lượng lớn protein: Protein là chất cực kỳ quan trọng cần được cung cấp cho cơ thể mỗi ngày, nhờ ăn sữa chua mỗi ngày, cơ thể sẽ được nạp một lượng lớn protein, cung cấp năng lượng cho những hoạt động hằng ngày của bé.
- Kiểm soát cân nặng của bé: Tình trạng béo phì ở trẻ em đang càng ngày càng gia tăng vì chế độ dinh dưỡng và luyện tập không hợp lý, vì vậy việc bổ sung sữa chua vào thực đơn ăn uống của trẻ được xem như là một cách giúp trẻ vẫn cảm thấy no, đủ năng lượng hoạt động mà không cần những bữa ăn vặt quá nhiều chất béo cũng như những chất khiến trẻ dễ bị thừa cân.
2. Bé ăn nhiều sữa chua có tốt không?
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng sữa chua cần được cho trẻ ăn vào đúng độ tuổi phù hợp, và số lượng cũng thay đổi theo từng độ tuổi. Cha mẹ nên cho trẻ làm quen với sữa chua ngay khi trẻ được 6 tháng tuổi, sữa chua nguyên kem nên là lựa chọn hàng đầu vì trong đó có chứa những chất béo tốt cho cơ thể của trẻ. Với trẻ 6 – 10 tháng tuổi thì nên cho ăn 50g sữa chua mỗi ngày, khi trẻ trong độ tuổi nhũ nhi thì tăng lên 80g sữa chua một ngày, và trẻ lớn trên 2 tuổi thì cần cho trẻ ăn khoảng 100g/ngày.
Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn sữa chua với lượng phù hợp, không nên cho ăn quá nhiều so với hàm lượng nói trên vì nếu sữa chua được nạp vào cơ thể trẻ em quá nhiều thì sẽ gây axit hóa niêm mạc dạ dày, kích thích sản sinh chất xúc tác tiêu hóa, dần dần sẽ khiến trẻ mất đi cảm giác ngon miệng và thèm ăn.
Vì trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa chua nên việc lựa chọn sữa chua an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh là điều nên được ưu tiên. Hơn nữa, sữa chua nên cho trẻ dùng sau bữa ăn vì những vi khuẩn có lợi trong sữa chua chỉ có thể tồn tại ở môi trường có pH khoảng 5,4 trở lên nên sau khi ăn no thì dạ dày lúc đó mới trở thành môi trường thích hợp để vi khuẩn có lợi phát huy tác dụng của chúng. Sau khi trẻ dùng sữa chua xong thì cha mẹ nên cho trẻ súc miệng ngay vì những lợi khuẩn trong sữa chua mặc dù tốt đối với đường ruột của trẻ, nhưng có khả năng phá hủy men răng của trẻ nên cần súc miệng để loại bỏ. Sữa chua nên được dùng ở nhiệt độ lạnh vì nếu để nóng hay không được giữ lạnh thì vi khuẩn sẽ mất tác dụng vốn có của nó. Nếu trẻ đang điều trị với thuốc kháng sinh, thuốc chứa amin lưu huỳnh thì không nên cho trẻ ăn sữa chua trong thời gian này vì thuốc sẽ tiêu diệt vi khuẩn, khiến nó không thể hoạt động được.
Sữa chua là một trong những loại thức ăn bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho trẻ, về hệ xương và hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, cha mẹ cũng chỉ nên cho trẻ em ăn ở một mức độ phù hợp để tránh dư thừa, gây ra một số phản ứng bên trong cơ thể.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Công dụng của thuốc Duphalac
- Lợi ích và tác hại của vi khuẩn
- Kháng sinh và vi khuẩn: Những điều cần biết