Mục lục
7 tháng tuổi là độ tuổi trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên, đánh dấu cột mốc quan trọng trong đời và từ đó nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng sẽ thay đổi. Vì vậy đối với sự phát triển của bé 7 tháng tuổi, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc bữa ăn của con và một trong những vấn đề rất được quan tâm đó là trẻ 7 tháng tuổi ăn được những quả gì?
1. Sự phát triển của trẻ ở độ tuổi 7 tháng tuổi
Giai đoạn 7 tháng tuổi bé đã có thể tự ngồi vững và cảm thấy thích thú với việc ngồi ghế tập đi. Ngoài ra, bé bắt đầu cố gắng trò chuyện với cha mẹ, phản ứng cơ thể linh hoạt hơn, phát triển cứng cáp hệ cơ xương, thính giác và trí não đã dần hoàn thiện đầy đủ, vì vậy bé đã bắt đầu cảm nhận được âm nhạc, âm thanh nhiều hơn trước đó.
Khi bước vào độ tuổi từ 7 tháng trở lên, sự tăng trưởng về chiều cao và cân nặng diễn ra rõ ràng hơn. Từ đó nhiều cha mẹ thắc mắc trẻ 7 tháng tuổi nặng bao nhiêu kí, cao bao nhiêu và cảm thấy lo lắng không biết con mình có suy dinh dưỡng không.
Giai đoạn này, đối với bé trai 7 tháng, cân nặng trung bình khoảng 7.4-9.2kg và chiều cao từ 67-71cm. Còn đối với bé gái thì nặng từ 6.8-8.6kg và cao 65-69cm. Tuy nhiên so với giai đoạn trước đó, tốc độ tăng trưởng thể chất của bé 7 tháng tuổi diễn ra chậm hơn, trung bình khoảng 0.4-0.7kg mỗi tháng.
Về mặt trí não, những cử chỉ thể hiện tình cảm, cảm xúc của trẻ 7 tháng trở nên rõ ràng hơn. Nhiều bé đã biết bày tỏ không thích bị “kiểm soát” về nhiều mặt như việc ăn uống, vui đùa, ngủ nghỉ... Bên cạnh đo, trẻ không ngại biểu lộ những cảm xúc khác như vui mừng, cáu kỉnh hay khó chịu đối với một việc nào đó mà bé thích hoặc không thích.
Đa số trẻ 7 tháng tuổi sẽ bước vào giai đoạn mọc răng và tình trạng này có thể khiến bé khó chịu, thậm chí sốt nhẹ. Việc mọc răng sẽ làm phần lợi của bé đau và dẫn đến dấu hiệu lười ăn, mệt mỏi, quấy khóc hay cáu gắt. Một số trường hợp đang mọc răng có thể bị sụt cân hoặc tiêu chảy kéo dài.
Do đó cha mẹ phải có biện pháp chăm sóc con kỹ hơn, gần gũi con nhiều hơn và cần quan tâm lưu ý đến chế độ dinh dưỡng để vừa giúp bé duy trì tăng trưởng vừa giúp bé vượt qua những khó chịu khi mọc răng.
2. Trẻ 7 tháng tuổi ăn được những hoa quả gì?
Trước khi tìm hiểu trẻ em 7 tháng ăn được trái cây gì, các bậc phụ huynh hãy trang bị cho mình những kiến thức về một số vi dưỡng chất quan trọng và cần thiết giúp con phát triển toàn diện:
- Kẽm: kém là dưỡng chất giúp hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh hơn, làm lành các vết thương và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào, kẽm có mặt trong các loại thực phẩm như thịt bò, tôm, hạt vừng, bí ngô...
- Sắt: sắt giúp nuôi dưỡng các tế bào máu và não bộ của trẻ phát triển toàn diện, sắt có trong các loại thịt đỏ, rau có màu xanh đậm và các loại hạt...
- Vitamin D: vitamin D thường được bổ sung quá các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, sữa bò, sữa chua... ngoài ra cho trẻ tắm nắng đúng cách cũng giúp trẻ thuận lợi hấp thu canxi một cách nhanh chóng và hiệu quả.
- Canxi: em bé 7 tháng tuổi có thể bổ sung canxi thông qua các thực phẩm như trứng, rau xanh, các loại đậu và sữa giúp hỗ trợ quá trình mọc răng và xương được phát triển tốt.
- Vitamin C: vitamin C giúp cơ thể trẻ ngăn ngừa các vi khuẩn có hại, hạn chế mắc phải các bệnh do vi rút gây ra.
Giai đoạn từ 6 tháng tuổi trở đi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhưng lúc này sữa mẹ sẽ không đáp ứng đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển cơ thể trẻ. Do đó, trẻ 7 tháng tuổi phải có chế độ ăn dặm thích hợp để bổ sung thêm các lượng dinh dưỡng cần thiết. Trong đó, hoa quả hay trái cây tươi nên là một phần cần có trong chế độ ăn dặm của trẻ 7 tháng tuổi. Vậy trẻ 7 tháng tuổi ăn được những hoa quả gì khi mới bắt đầu ăn dặm?
Ngay khi mới bắt đầu tập cho bé ăn dặm, cha mẹ có thể cho con ăn thử những loại trái cây, hoa quả cả nhà hay sử dụng với một số lượng nhỏ. Bên cạnh đó, có nhiều cách giới thiệu hoa quả tươi cho trẻ đang ăn dặm, trong đó có 2 cách phổ biến là ăn dặm tự chỉ huy (ăn dặm theo kiểu trẻ dẫn dắt) và ăn dặm truyền thống.
Vậy thắc mắc của cha mẹ là trẻ 7 tháng ăn hoa quả gì, sau đây là một số hoa quả tươi và lợi ích của chúng với sức khỏe của bé:
- Cà rốt: Cà rốt rất giàu beta-carotene, một tiền chất của vitamin A. Khi trẻ được cung cấp số lượng cà rốt cần thiết trong bữa ăn sẽ giúp bổ sung đủ dưỡng chất cần cho sự phát triển thị lực.
- Khoai lang: Đây là loại thực phẩm chứa nhiều loại carbohydrate, chất xơ, beta-carotene và vitamin B.
- Bông cải: Là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C, canxi, acid folic và sắt.
- Táo: Trẻ 7 tháng tuổi ăn được những quả gì thì một trong số đó không thể thiếu quả táo. Táo cung cấp cho bé nhiều carbohydrate để tạo ra năng lượng và giàu chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
- Chuối: Một trong những câu trả lời cho thắc mắc trẻ 7 tháng ăn quả gì. Chuối bổ sung nguồn năng lượng dồi dào và cung cấp kali cho trẻ. Ngoài ra, lượng chất xơ trong chuối giúp hạn chế tình trạng táo bón cho trẻ giai đoạn này.
- Đu đủ: Đây là loại quả rất quen thuộc với ưu điểm giàu Vitamin C, folate, beta carotene và nhiều loại khoáng chất khác.
- Bơ: Loại hoa quả này mang lại cho trẻ nhiều loại vitamin như B, C, E, cung cấp kali và một số chất béo chưa bão hòa. Do đó, cung cấp bơ vào bữa ăn dặm giúp ích rất nhiều cho sự phát triển não bộ.
- Một số loại hoa quả khác như dâu tây, dưa hấu, quả họ cam quýt, kiwi, xoài... được xem là nguồn cấp vitamin C rất dồi dào cho trẻ 7 tháng tuổi.
Để chế biến các loại trái cây, hoa quả tươi, cha mẹ có thể xay nhuyễn hoặc nạo (đặc biệt là xoài, bơ, chuối, đu đủ, táo, nho....). Ngoài ra, nếu bé có thể nhai tốt cha mẹ nên đút ăn trực tiếp hoặc có thể trộn vào sữa chua. Số lượng trái cây tươi mỗi ngày cha mẹ cung cấp cho bé là khoảng 60 -120ml nước trái cây hoặc số lượng tương đương 5 muỗng canh và hoàn toàn có thể ăn nhiều hơn nếu bé tỏ ra thích thú.
3. Một số lưu ý khi cho trẻ 7 tháng ăn trái cây
Bên cạnh vấn đề trẻ 7 tháng ăn hoa quả gì thì còn một số điều cha mẹ cần lưu ý khi cho trẻ ăn dặm thêm trái cây, hoa quả như sau:
- Trong giai đoạn trẻ được 7 tháng tuổi, trẻ chỉ mới bắt đầu tập động tác nhai, tập đưa đồ ăn vào miệng và nuốt, vì vậy những loại trái cây, hoa quả mà cha mẹ chuẩn bị cho con cần phải mềm, dễ nhai, dễ nuốt, không được ép trẻ ăn nếu như trẻ không thích và có thể thử lại vào lần sau.
- Cho dù trẻ 7 tháng ăn quả gì thì cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn 1 loại quả vào 1 thời điểm để xác định chính xác việc trẻ có thích loại trái cây/hoa quả này không hay có bất kỳ gây dị ứng nào xảy ra cho trẻ hay không.
- Khi tập ăn hoa quả, trái cây cho trẻ 7 tháng tuổi, cha mẹ luôn luôn phải quan sát và theo dõi trẻ, giữ cho trẻ ngồi thẳng, luôn tương tác và khen ngợi khi trẻ chịu khó ăn đồng thời hạn chế các tác nhân gây xao lãng bữa ăn như tivi hay điện thoại. Việc giữ cho trẻ tập trung vào bữa ăn sẽ tạo cảm giác vui thích, cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con nhỏ, giúp tăng tỉ lệ thành công khi thay đổi những loại thức ăn mới vào lần sau.
- Lưu ý thời điểm 7 tháng tuổi trẻ đã bắt đầu ăn dặm nhưng sữa mẹ vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ, vì vậy mẹ vẫn phải chú trọng việc bổ sung đầy đủ lượng sữa cần thiết cho trẻ mỗi ngày.
Khi đã biết được những loại hoa quả phù hợp với trẻ 7 tháng tuổi, cha mẹ có thể lên thực đơn và cho trẻ làm quen với những loại hoa quả trên để nhằm đảm bảo tốt nhu cầu dinh dưỡng và sự phát triển hàng ngày cho trẻ.
Trẻ 7 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Tuổi mọc răng sữa, răng vĩnh viễn và thay răng ở trẻ em
- Trẻ đi ngoài phân xanh do nguyên nhân nào? Có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không?
- Bé 7 tháng ăn bao nhiêu ml cháo là đủ?