Mục lục
Suy dinh dưỡng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ đặc biệt trẻ ở giai đoạn 5 tuổi. Chẳng hạn như trẻ sẽ gặp tình trạng biếng ăn, nhẹ cân, khả năng vận động và tư duy hạn chế hơn nhiều so với bạn bè cùng lứa tuổi. Vậy trường hợp trẻ 5 tuổi nặng 16kg, có phải bị suy dinh dưỡng?
1. Suy dinh dưỡng ở trẻ 5 tuổi
Suy dinh dưỡng - tình trạng có thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng đặc biệt sự thiếu hụt protein- năng lượng và vi chất dinh dưỡng gây ra do giảm tiêu thụ thực phẩm hoặc có thể do trẻ mắc bệnh tật. Chính vì vậy, suy dinh dưỡng ở trẻ thường được phân ra thành suy dinh dưỡng protein năng lượng và suy dinh dưỡng do thiếu vi chất dinh dưỡng.
Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ 5 tuổi có thể bao gồm một hoặc đồng thời các nguy cơ: Bữa ăn của trẻ quá nghèo nàn cả về số lượng và chất lượng hàm lượng dinh dưỡng, khả năng trẻ hấp thu các chất dinh dưỡng kém. Hoặc trẻ cai sữa sớm, và cha mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm không phù hợp với quá trình phát triển hệ tiêu hóa, khiến cho trẻ không có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Thậm chí khi cho trẻ ăn dặm quá sớm có thể khiến cho hệ tiêu hoá của trẻ bị rối loạn gây ra các ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ.
Một số trẻ có tình trạng biếng ăn khiến cho cha mẹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc trẻ. Từ đó tạo nên bức tranh trẻ thì sợ ăn hoặc sợ bị ép ăn còn cha mẹ thì stress vì lo lắng cho tình trạng sức khỏe của trẻ.
Trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng có thể được gây ra bởi bệnh lý mà trẻ mắc phải. Trong quá trình trẻ bị nhiễm trùng như nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hoá, biến chứng của sởi, lỵ, tiêu chảy...
Suy dinh dưỡng và còi xương thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Còi xương thuộc nhóm bệnh loạn dưỡng cương cho thiếu và rối loạn chuyển hóa vitamin D. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy còi xương không chỉ gặp ở trẻ suy dinh dưỡng mà còi xương còn có thể xuất hiện ở cả những trẻ bình thường, nhưng do những trẻ này không đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về canxi và phospho nên dẫn đến tình trạng này.
2. Một vài dấu hiệu nhận biết trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng
Theo dõi sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ 5 tuổi cần được thực hiện liên tục, nếu trẻ xuất hiện một trong những dấu hiệu sau có thể giúp cha mẹ cảnh báo tình trạng trẻ có thể bị suy dinh dưỡng
- Trẻ 5 tuổi có thể có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, quấy khóc hoặc các hoạt động của trẻ không được hoạt bát như bình thường.
- Trẻ 5 tuổi liên tục không tăng cân trong vòng 2 đến 3 tháng liên tiếp. Vì vậy, cha mẹ có thể sử dụng biểu đồ tăng trưởng để theo dõi các chỉ số về cân nặng và chiều cao của trẻ giúp nhận định được tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
- Giấc ngủ của trẻ không đảm bảo chất lượng, trẻ thường trằn trọc khó ngủ hoặc khóc thét khi ngủ.
- Ngoài ra, trẻ còn có thể có dấu hiệu xanh xao, hoặc thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng...
Mức độ suy dinh dưỡng ở trẻ được nhận định thông qua tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Vậy bé 5 tuổi nặng bao nhiêu ký thì sẽ thuộc nhóm báo động nguy cơ suy dinh dưỡng.Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới chỉ tiêu cân nặng và chiều cao của trẻ 5 tuổi bao gồm:
- Trẻ trai có cân nặng ở mức bình thường 18.3 kg và chiều cao bình thường 105.2 cm
- Trẻ gái có cân nặng ở mức bình thường 18.2 kg và chiều cao bình thường 109.4cm
Dựa vào số liệu này thì trẻ 5 tuổi nặng 14 kg thì bị suy dinh dưỡng còn trẻ nặng 16 kg có nguy cơ suy dinh dưỡng. Trong trường hợp trẻ 5 tuổi nặng 18 kg và bé trai 5 tuổi nặng 17kg thì nằm ở giới hạn bình thường so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Và với số cân nặng này cha mẹ cần theo dõi để đánh giá đúng được tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
3. Một số biện pháp giúp khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ 5 tuổi
Suy dinh dưỡng để lại cho trẻ nhiều ảnh hưởng tới cả phát triển về thể chất và trí não. Vì vậy, việc phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời giúp trẻ có thể tăng cân trở lại và đảm bảo phát triển tốt hơn.
- Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ: Khi trẻ ở ngưỡng 5 tuổi thì lúc này tốc độ phát triển của trẻ không còn nhanh như 3 năm đầu, nhưng mỗi năm trẻ cũng có thể tăng cân khoảng 2kg, và chiều cao tăng trung bình khoảng 7cm. Vì vậy, để đáp ứng được những thông số này, cha mẹ cần quan tâm rất nhiều đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Hơn nữa, ở thời kỳ này hệ tiêu hoá của trẻ bắt đầu hoàn thiện, nên thực đơn của trẻ cần được thực hiện đa dạng các loại thực phẩm nhằm giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ đồng thời kích thích trẻ thích ăn hơn và làm quen với nhiều loại thực phẩm hơn.
Nhu cầu năng lượng của trẻ 5 tuổi trung bình khoảng 1600 calo trong một ngày. Và sử dụng đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường và vitamin & chất khoáng. Số lượng bữa ăn trong ngày của trẻ có thể chia thành 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Trong đó, hàm lượng protein cung cấp cho một ngày khoảng 36 gam khoảng từ 2 đến 2.5 gam protein/ kg/này và lượng protein có nguồn gốc động vật nên đạt 50% tổng số protein, và trẻ vẫn nên duy trì thêm 500ml sữa mỗi ngày.
- Cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm an toàn sử dụng chế biến thức ăn cho trẻ: Nhiễm trùng hay rối loạn tiêu hoá cũng có thể thuộc nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ đặc biệt trẻ 5 tuổi. Vì vậy việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bữa ăn của trẻ khá quan trọng. Cha mẹ cần lưu ý lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất độc hoặc bị nhiễm độc. Thêm vào đó, nên thường xuyên vệ sinh môi trường sống, đồ chơi hoặc đồ dùng thường xuyên của trẻ, đồng thời hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi sử dụng ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Cha mẹ không nên gây áp lực cho trẻ trong quá trình ăn uống: Thường trẻ suy dinh dưỡng sẽ có dấu hiệu biếng ăn và không có hứng thú với thức ăn. Một phần có thể do cha mẹ ép ăn hoặc gây áp lực buộc trẻ phải ăn. Vì vậy cha mẹ nên tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, kích thích trẻ ăn ngon và thích thú với món ăn hơn giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ phát triển. Ngoài ra, cha mẹ có thể tạo điều kiện cho trẻ có thể cùng tham gia vào công việc nấu nướng bữa ăn cùng người lớn như lựa chọn thực phẩm hay sơ chế thực phẩm nhằm giúp trẻ gắn kết với mọi người hơn cũng như giúp trẻ hiểu biết nhiều hơn về chức năng và công dụng của các loại thực phẩm. Từ đó, trẻ sẽ có hứng thú với việc làm quen thực phẩm và kích thích trẻ thèm ăn hơn.
- Ngoài ra cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thêm một số thực phẩm có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao đặc biệt vi chất dinh dưỡng. Trong một số trường hợp trẻ thiếu vi chất sẽ khiến cho trẻ kém ăn, hệ miễn dịch kém, hoặc có thể mắc các bệnh nhiễm trùng. Chẳng hạn như: vitamin C giúp trẻ tránh được tình trạng xuất huyết, hay kẽm giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa mắc các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn...
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- U máu ở trẻ em có nguy hiểm?
- Sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước: Chú ý triệu chứng, phòng bệnh
- Đái dầm nhiều có nguy hiểm không?