Mục lục
- 1. 1. Trẻ 5 tuổi cần tiêm vắc-xin phòng cúm
- 2. 2. Vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván
- 3. 3. Vắc-xin phòng viêm gan A là một trong các mũi tiêm phòng cho bé 5 tuổi
- 4. 4. Vắc-xin phòng viêm não mô cầu
- 5. 5. Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản
- 6. 6. Vắc-xin phòng bệnh Sởi - Quai bị - Rubella
- 7. 7. Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu
- 8. 8. Vắc-xin phòng thương hàn
- 9. Đánh giá
Vắc-xin là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh một cách chủ động, giúp cơ thể trẻ tránh mắc bệnh hoặc giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Mỗi lứa tuổi đều có lịch tiêm không giống nhau và các mũi tiêm phòng cho bé 5 tuổi thường ít hơn giai đoạn trước.
1. Trẻ 5 tuổi cần tiêm vắc-xin phòng cúm
Trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm virus cúm và có nguy cơ gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong khi bị bệnh. Tiêm phòng vắc-xin cúm được chỉ định cho trẻ từ trên 6 tháng tuổi và được tiêm các mũi nhắc lại mỗi năm. Do sự đáp ứng miễn dịch của vắc-xin thường kéo dài trong 1 năm và hàng năm virus cúm có sự biến đổi nên vắc-xin cũng làm mới để phù hợp với sự biến đổi đó.
Do vậy, trẻ 5 tuổi cũng cần tiêm nhắc lại vắc-xin cúm trước mùa dịch để phòng bệnh cúm hoặc giảm nhẹ triệu chứng bệnh.
2. Vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván
Bé cần tiêm vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván là câu trả lời cho thắc mắc “bé 5 tuổi cần tiêm vacxin gì”. Vắc-xin phòng bạch hầu ho gà uốn ván là loại vắc-xin có tác dụng giúp cơ thể phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ, giảm nguy cơ tình trạng nặng nếu chẳng may mắc bệnh.
Thời gian tiêm vắc-xin được chỉ định mũi đầu tiên cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 48 tháng tuổi. Sau đó được tiêm nhắc lại vào các thời điểm trẻ 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 15-18 tháng tuổi, 4-6 tuổi.
3. Vắc-xin phòng viêm gan A là một trong các mũi tiêm phòng cho bé 5 tuổi
Bệnh viêm gan A do virus viêm gan A gây ra có thể lây qua đường tiêu hoá. Trẻ nhỏ thường dễ bị lây nhiễm và tấn công của loại virus này.
Thông thường, lịch tiêm chủng viêm gan A cho trẻ mũi đầu tiên khi trên 12 tháng và mũi nhắc lại cách mũi đầu tiên từ 6 đến 18 tháng.
Nếu như trẻ chưa được tiêm vắc-xin viêm gan A hoặc được tiêm muộn thì khoảng 5 tuổi sẽ là thời gian trẻ bắt đầu tiêm hay tiêm mũi nhắc lại.
4. Vắc-xin phòng viêm não mô cầu
Não mô cầu là loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh lý tại đường hô hấp, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết... rất nguy hiểm. Nguy cơ biến chứng và tỷ lệ tử vong rất cao nếu nhiễm bệnh.
Có nhiều chủng não mô cầu có thể gây bệnh cho người, tuy nhiên ở nước ta nhận thấy có các chủng hay gây bệnh cho người bao gồm type A, B, C, Y và W-135. Do đó trẻ cần được tiêm đủ vắc-xin ngừa viêm não mô cầu BC và vắc-xin Menactra ngừa chủng A, C, Y, W-135.
Đối với những trẻ 5 tuổi chưa được tiêm phòng viêm não mô cầu thì đây là một trong các mũi tiêm phòng cho bé 5 tuổi:
- Tiêm vắc-xin viêm não mô cầu BC ( VA-Mengoc-BC): Cần tiêm đủ 2 mũi mỗi mũi cách nhau từ 6 đến 8 tuần.
- Vắc-xin ngừa chủng A, C, Y và W-135 (Menactra): Khuyến cáo với trẻ từ trên 2 tuổi đến người lớn 55 tuổi tiêm 1 mũi duy nhất.
5. Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus viêm não Nhật Bản gây ra, lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Loại virus này có khả năng làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, từ đó gây ra tình trạng tổn thương não nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ và thậm chí gây tử vong. Đây là bệnh có thể gây ra cho mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt nhóm nguy cơ cao là trẻ từ 2-6 tuổi.
Với những trẻ 5 tuổi cũng được khuyến cáo tiêm vắc-xin hoặc nhắc lại để củng cố miễn dịch. Hiện nay trên thị trường có 2 loại vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản, bao gồm:
- Vắc-xin JEVAX: Lịch tiêm mũi đầu cho trẻ từ trên 1 tuổi, mũi 2 sau 1 đến 2 tuần, mũi 3 sau mũi đầu tiên 1 năm. Sau đó thì cứ khoảng 3 năm nên tiêm nhắc lại 1 lần.
Vắc-xin IMOJEV: Mũi đầu tiên được tiên cho trẻ trên 1 tuổi. Có thể bắt đầu ở bất kỳ thời điểm nào và mũi 2 cách mũi đầu 1 năm. Như vậy nếu trẻ 5 tuổi chưa được tiêm vắc-xin này thì có thể bắt đầu tiêm mũi 1 khi 5 tuổi và nhắc lại khi 6 tuổi.
6. Vắc-xin phòng bệnh Sởi - Quai bị - Rubella
Vắc-xin phối hợp phòng bệnh sởi quai bị và rubella giúp trẻ phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella. Virus sởi khi mắc ở trẻ nhỏ có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng trên phổi, não... Virus Quai bị gây ra bệnh quai bị có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng nghe và nguy cơ tổn thương tinh hoàn ở bé trai. Còn Rubella là nguyên nhân gây ra tình trạng sốt phát ban ở trẻ, nó thường nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Theo lịch tiêm chủng thì trẻ cần tiêm mũi đầu khi 12 đến 15 tháng và tiêm nhắc lại khi được 4 đến 6 tuổi.
7. Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu
Vắc-xin phòng thủy đậu là một trong các mũi tiêm phòng cho bé 5 tuổi. Bệnh thủy đậu có thể lây lan qua đường hô hấp, với người lớn thì thủy đậu khá lành tính, nhưng với trẻ nhỏ nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, tổn thương thần kinh trung ương, viêm cầu thận cấp...
Để phòng bệnh thì cần tiến hành tiêm phòng vắc-xin liều đầu khi trẻ được 1 tuổi và nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.
8. Vắc-xin phòng thương hàn
Thương hàn là tình trạng nhiễm khuẩn gây ra bởi trực khuẩn Salmonella typhi, vi khuẩn này có thể lây truyền qua đường tiêu hoá, gây nhiễm trùng đường tiêu hoá, sốt, nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân...
Vắc-xin phòng thương hàn được chỉ định để dự phòng bệnh sốt thương hàn cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi. Lịch tiêm chủng được khuyến cáo là mũi 1 khi trẻ được 2 tuổi trở lên và tiêm nhắc sau mỗi 3 năm.
Tóm lại, tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động quan trọng giúp trẻ hạn chế được nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, giảm biến chứng nặng và nguy cơ nhập viện do bệnh. Với trẻ 5 tuổi thường không cần tiêm quá nhiều loại vắc-xin nếu trong giai đoạn trước đó trẻ đã tiêm đầy đủ. Đa số những mũi tiêm khi trẻ 5 tuổi là những mũi tiêm nhắc lại giúp củng cố hệ miễn dịch của trẻ.
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ là việc làm hết sức cần thiết của các bậc cha mẹ có con nhỏ. Tuy nhiên hầu hết phụ huynh đều cảm thấy ám ảnh trước tình trạng quá tải, chen nhau, chờ đợi quá lâu tại các trung tâm tiêm phòng và chần chừ không đưa con em đi tiêm trở lại theo đúng lịch, càng khiến trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhất là vào các mùa cao điểm của dịch bệnh.
- Điều trị bệnh thủy đậu như nào?
- Các tình huống đặc biệt khi tiêm vacxin Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà
- Mẹo trị cúm mùa tại nhà nhanh khỏi