Mục lục
- 1. 1. Dấu hiệu nhận biết trẻ 3 tuổi không tăng cân
- 2. 2. Nguyên nhân nào khiến trẻ 3 tuổi không tăng cân?
- 3. 3. Chế độ ăn uống cho trẻ 3 tuổi giúp tăng cân
- 4. 4. Các loại thực phẩm cần cẩn thận khi đưa vào chế độ ăn uống của trẻ
- 5. 5. Cân nhắc sử dụng vitamin bổ sung cho trẻ em như thế nào?
- 6. 6. Làm thế nào để tăng lượng calo trong bữa ăn cho trẻ không tăng cân?
- 7. Đánh giá
Trẻ 2 - 5 tuổi có thể vẫn còn nhỏ nhưng tốc độ phát triển đang diễn ra không ngừng. Vì vậy, trẻ luôn cần được cung cấp chất dinh dưỡng từ một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng. Trường hợp trẻ 3 tuổi không tăng cân có nhiều lý do, vì vậy tìm hiểu các nguyên nhân khiến trẻ không tăng cân sẽ giúp cha mẹ điều chỉnh thực đơn hằng ngày cho con phù hợp hơn.
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ 3 tuổi không tăng cân
Ngay từ lúc trẻ chào đời cho đến khi được 5 tuổi, các chỉ số cân nặng và chiều cao theo tuổi của trẻ được trình bày trong biểu đồ tăng trưởng. Trong trường hợp trẻ có các chỉ số không nằm trong phạm vi bình thường, trẻ có thể bị thiếu cân hay suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc một số bệnh lý bẩm sinh, vừa mới mắc bệnh cấp tính hay trẻ có tiền sử sinh non, sinh nhẹ cân, thể trạng của trẻ có thể được chấp nhận ở mức thấp hơn so với các trẻ cùng trang lứa nếu đường cong tăng trưởng vẫn giữ tốc độ hướng lên.
Ngược lại, nếu đường cong tăng trưởng của trẻ đi ngang hay trẻ ăn uống bình thường nhưng không tăng cân, nhất là kéo dài trong vài tháng liên tục thì đây có thể trở thành vấn đề cần quan tâm.
Ngoài ra, nếu không có sẵn biểu đồ cân nặng chiều cao của trẻ em nhưng cha mẹ tự đo được các thông số của con mình, để biết liệu chúng có cân nặng phù hợp với tuổi, chiều cao và giới tính hay không, cha mẹ có thể tự kiểm tra bằng cách sử dụng công cụ tính cân nặng hợp lý BMI.
2. Nguyên nhân nào khiến trẻ 3 tuổi không tăng cân?
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, bao gồm:
- Không cung cấp đủ calo: Đôi khi cha mẹ hoặc người chăm sóc pha sữa công thức hay bột dinh dưỡng cho trẻ không đúng cách, do đó trẻ không nhận đủ calo. Những khó khăn khi cho trẻ ăn cũng có thể khiến trẻ không được cung cấp đủ năng lượng để phát triển được. Và đôi khi cha mẹ bỏ lỡ những dấu hiệu đói ăn của con mình.
- Trẻ ăn quá ít: Trẻ ăn ít là một trong những nguyên nhân khiến trẻ không tăng cân. Điều này có thể là do trẻ chậm phát triển, kén ăn, tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến việc nuốt như dị tật bẩm sinh hoặc tự kỷ, trong đó trẻ không thích ăn thức ăn có một số kết cấu hoặc mùi vị nhất định.
- Mắc các bệnh thuộc hệ tiêu hóa: Tổn thương về chức năng hay cấu trúc trên hệ tiêu hóa có thể khiến trẻ 3 tuổi không tăng cân. Các tình trạng như trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy mãn tính, xơ nang, bệnh gan mãn tính và bệnh celiac có thể khiến trẻ khó hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cũng như lượng calo cần thiết để tăng cân.
- Không dung nạp thực phẩm: Tình trạng này có nghĩa là cơ thể nhạy cảm với một số loại thực phẩm cụ thể. Ví dụ, không dung nạp protein từ sữa có nghĩa là cơ thể không thể hấp thụ các loại thực phẩm như sữa chua và pho mát, điều này có thể dẫn đến cơ thể trẻ không phát triển toàn diện được.
- Nhiễm trùng: Cơ thể sử dụng nhiều calo hơn để tạo sức đề kháng chống lại nhiễm trùng. Trong khi đó, trẻ lại cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn và có thể ăn ít hơn bình thường.
Ngoài các nguyên nhân thường gặp khiến trẻ không tăng cân trên đây, có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác đòi hỏi sự thăm khám của bác sĩ và các xét nghiệm chuyên biệt để xác định.
3. Chế độ ăn uống cho trẻ 3 tuổi giúp tăng cân
Tất cả trẻ em đều cần năng lượng và chất dinh dưỡng từ một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng. Theo đó, một chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ nhỏ không giống như người lớn. Nhiều "lựa chọn thay thế lành mạnh hơn" mà người lớn được khuyến cáo nên ăn là không thích hợp cho trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ 3 tuổi.
Vì trẻ em có dạ dày nhỏ hơn người lớn và cần ăn lượng nhỏ hơn thường xuyên hơn, trẻ nên được cho ăn 3 bữa một ngày cộng với 3 bữa ăn nhẹ vào các thời điểm xen kẽ. Đối với trẻ 3 tuổi không tăng cân, trẻ có thể được tăng thêm số cữ ăn với những thức ăn có hàm lượng calo cao hơn. Cụ thể là trẻ 3 tuổi có thể bắt đầu ăn một chế độ ăn giống như những người khác trong gia đình, bao gồm:
- Bữa ăn chính dựa trên các thực phẩm giàu carbohydrate, giàu tinh bột như khoai tây, bánh mì, gạo và mì ống.
- Có các loại trái cây và rau quả khác nhau mỗi ngày.
- Bổ sung cho trẻ các sản phẩm thay thế từ sữa hoặc sữa (chẳng hạn như đồ uống từ đậu nành và sữa chua), nên chọn các loại nguyên kem nhưng ít đường cho trẻ chậm tăng cân.
- Lựa chọn một số loại đậu, cá, trứng, thịt, hoặc các loại protein khác; tập cho trẻ ăn hai phần cá mỗi tuần, với 1 phần là cá nhiều dầu, chẳng hạn như cá hồi hoặc cá thu.
- Nên dùng dầu không bão hòa chế biến thức ăn cho trẻ hay phết ăn sống với lượng nhỏ.
- Nhắc nhở trẻ uống nhiều nước trong ngày.
4. Các loại thực phẩm cần cẩn thận khi đưa vào chế độ ăn uống của trẻ
Đồ uống và thức ăn có đường là các loại thực phẩm cần tránh cho trẻ tiêu thụ quá nhiều. Khi đường tiếp xúc với răng của trẻ thường xuyên và trong thời gian dài, hàm răng sữa của trẻ sẽ dễ bị sâu. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ khiến trẻ mau no và kém tiêu thụ các bữa chính, vốn chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết hơn.
Chất béo bão hòa là những chất béo không lành mạnh, chẳng hạn như loại trong bánh mì kẹp thịt, xúc xích, bánh nướng, bánh quy, bánh ngọt và pho mát. Cố gắng không cho trẻ ăn những thức ăn này thường xuyên để tránh cảm giác chướng hơi, đầy bụng, giúp trẻ ăn các bữa chính ngon miệng hơn.
Thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt - bao gồm các loại thực phẩm như mì ống nguyên cám, bánh mì và gạo lứt – vốn có nhiều chất xơ và có thể khiến trẻ cảm thấy no trước khi hấp thụ đủ calo và chất dinh dưỡng thiết yếu.
5. Cân nhắc sử dụng vitamin bổ sung cho trẻ em như thế nào?
Các tổ chức y tế luôn khuyến cáo tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi được uống vitamin A, C và D giọt định kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhẹ cân, trẻ không ăn đủ một chế độ ăn uống đa dạng để cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết.
Bên cạnh đó, trên thị trường có nhiều loại vitamin tổng hợp được giới thiệu là cung cấp các chất thiết yếu để nuôi trẻ suy dinh dưỡng, kén ăn. Thật sự, vai trò của các vi chất giúp kích thích sự chuyển hóa năng lượng của tế bào, qua đó gián tiếp giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Tuy nhiên, việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Hơn nữa, trước khi dùng cho trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuyệt đối lạm dụng hay lệ thuộc vào các sản phẩm này, vừa ẩn chứa rủi ro ngộ độc do dư thừa các chất vi lượng, vừa làm mất cơ hội thưởng thức vị giác của trẻ.
6. Làm thế nào để tăng lượng calo trong bữa ăn cho trẻ không tăng cân?
Có một số cách cha mẹ có thể thực hiện để tăng lượng calo cho trẻ cho đến khi trẻ đạt được cân nặng hợp lý, trong khi vẫn cung cấp một chế độ ăn uống lành mạnh:
- Cho trẻ ăn khoai tây nghiền thêm sữa hoặc pho mát
- Phết pho mát bào trên bánh mì nướng
- Cho trẻ ăn tráng miệng bánh pudding sữa
- Uống súp hay sữa thay cho nước
- Sẵn sàng các bánh ăn dặm giàu năng lượng khi trẻ đói
- Xây dựng cho bản thân mình một thái độ lành mạnh với thực phẩm để trẻ quan sát học hỏi
- Giới thiệu sớm nhiều loại thức ăn và khẩu vị đa dạng
- Khen ngợi nhiều khi trẻ ăn một loại thức ăn mới và phớt lờ những phản ứng tiêu cực đối với thức ăn đó. Hãy kiên nhẫn - một số trẻ cần được cho ăn thức ăn mới nhiều lần trước khi ăn thực sự.
- Đừng nài nỉ trẻ ăn hết mọi thứ trong đĩa hoặc chỉ trích chúng khi trẻ không ăn nhiều như mong muốn. Điều này biến giờ ăn thành một trải nghiệm tiêu cực cho trẻ.
- Ngay cả khi trẻ không tăng cân hay nhẹ cân, trẻ luôn cần được khuyến khích hoạt động thể chất để tăng cường hấp thu năng lượng mới.
Tóm lại, nếu cha mẹ kiên trì cung cấp một chế độ ăn uống lành mạnh theo các hướng dẫn trên đây và lời khuyên từ bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng, cân nặng và sự tăng trưởng của trẻ 3 tuổi không tăng cân sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Trường hợp trẻ kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
- Nguyên nhân trẻ sơ sinh không tăng cân
- Trẻ nào có nguy cơ thiếu kẽm?
- Bà bầu ăn phải rau chứa thuốc trừ sâu có ảnh hưởng gì?