Trẻ 15 tháng ăn được cơm chưa? Rất nhiều bậc phụ huynh đã và đang thắc mắc về điều này. Bởi giai đoạn này trẻ đã mọc được khoảng 10 cái răng và có thể thích cắn đồ ăn. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, bởi để ăn được cơm, đòi hỏi trẻ phải có khả năng nhai cơm và thức ăn.
1. Trẻ 15 tháng tuổi ăn cơm được chưa?
Khi nào trẻ có răng hàm để nghiền nát thức ăn thì mới nên cho trẻ ăn cơm. Răng cửa chỉ có chức năng cắn và xé thức ăn, nó không thể nghiền nát thức ăn được nên nếu cho trẻ ăn cơm khi mới chỉ có răng cửa, bé sẽ nuốt trọn cơm. Điều này khiến cho hệ tiêu hóa phải làm việc vất vả hơn, tiêu hao nhiều năng lượng, khiến trẻ chậm tăng cân.
Thực phẩm cung cấp năng lượng chủ yếu cho một đứa trẻ 15 tháng tuổi vẫn là sữa bao gồm sữa mẹ và sữa công thức. Các bữa ăn dặm chủ yếu nhằm mục đích cung cấp các chất trong sữa chưa đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ như sắt, kẽm, chất xơ, chất béo và để bé dần dần làm quen với các dạng thức ăn đặc hơn. Vì vậy không nhất thiết phải cho bé ăn cơm mà cho trẻ ăn cháo sẽ giúp bé dễ tiêu hơn.
Trẻ 15 tháng tuổi đã có được khoảng 10 chiếc răng, vì vậy đôi khi cũng có thể ăn cơm với điều kiện cơm và thức ăn phải thật mềm. Lượng thực phẩm trong một bữa ăn và cách lựa chọn thực phẩm cho bé ăn cơm ở giai đoạn này:
- Cơm: Nửa chén cơm được nấu mềm hoặc thêm một ít nước vào cơm rồi đem chưng cách thủy để cơm mềm hơn.
- Thực phẩm giàu protein: Sử dụng 30g thịt có nhiều mỡ (thịt ba rọi nhiều mỡ) hay cá có nạc mềm (như cá lóc, cá trê, cá basa...) hoặc lươn, tép, trứng...
- Canh rau mềm với hương vị ngon như canh khoai mỡ, canh rau đay, canh rau mồng tơi (bạn cần phải bỏ sống lá mồng tơi), canh bí đỏ, bí xanh, canh bầu, canh cà chua nấu với trứng.
- Lượng dầu mỡ trong bữa ăn từ 5 đến 10ml, dùng để chế biến món ăn cho bé.
Tốt nhất là cả gia đình ăn cùng các món ăn với bé để cho việc chuẩn bị bữa ăn đỡ vất vả. Đến bữa ăn, bạn để cơm và thức ăn lên khay nhiều ngăn và cho bé ăn trong 20 – 30 phút, nếu bé không thích ăn nữa thì bạn có thể cho bé ăn vặt (bánh, sữa, sữa chua, váng sữa...) ngay sau bữa ăn để cung cấp đủ năng lượng cho bé.
Ngoài 3 bữa ăn chính, bạn cần cho bé uống thêm 550 đến 650 ml sữa mỗi ngày. Nếu mỗi tháng trẻ tăng ≥ 300g cân nặng và ≥ 1cm chiều cao là bạn đang làm rất tốt. Nếu trẻ không tăng cân thì bạn cần cho bé đi khám để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn.
Sau 19 tháng tuổi, khi đó bé đã có ít nhất 16 răng sữa, trẻ có thể làm quen với cơm nhão tán nhuyễn. Sau 24 tháng, trẻ đã có khoảng 20 răng thì có thể tập ăn cơm mềm. Từ 18 đến 24 tháng tuổi, bạn có thể cho bé ăn 3 bữa chính mỗi ngày với cơm nát và cháo đặc.
Sai lầm mà nhiều bậc phụ huynh hay mắc phải là thường tán cơm thật nhuyễn rồi chan nước canh vào. Cách này sẽ khiến cho trẻ rất dễ chán và không khuyến khích được cử động nhai ở bé.
Phần cơm của bé phải mềm hơn cơm người lớn. Khi nấu cơm bình thường cho cả nhà, bạn có thể chọn ra một phần cơm dùng muỗng đánh nhẹ làm cho vỡ hạt cơm ra rồi đem chưng trong nồi cơm một lần nữa. Một cách khác đó là bạn có thể để nghiêng nồi cơm về một phía trong khi nấu, như vậy bạn sẽ có được phần cơm hơi nhão hơn dành cho trẻ.
Bữa cơm cho trẻ luôn cần có đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, và bạn nên lựa chọn những món mà bé thích và chế biến phù hợp. Thực phẩm nhóm chất đạm cần được nấu mềm và thái miếng nhỏ. Thực phẩm nhóm rau cần được nấu mềm, màu sắc đẹp, giàu chất xơ và giàu vitamin. Thực phẩm giàu chất béo nên chọn lựa theo sở thích của bé và tùy theo điều kiện kinh tế gia đình.
Khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, bạn cần linh hoạt, uyển chuyển trong việc sử dụng đầy đủ chất béo trong quá trình chế biến các món ăn, nhằm đáp ứng được nhu cầu của trẻ trong những năm đầu đời.
Một tình trạng mà các bậc phụ huynh thường mắc phải khi cho trẻ ăn cơm đó là tỏ ra căng thẳng khi bé không thích ăn cơm, chỉ thích ăn mì gói, bún... Nếu bé không thích ăn cơm, bạn có thể cho bé ăn các món khác cơm nhưng vẫn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Ví dụ trẻ thích ăn mì thì bạn có thể cho thêm trứng, chả, xúc xích vào mì để đảm bảo chất đạm, sau đó cho trẻ ăn thêm rau, trái cây.
Khi tập cho trẻ ăn cơm, bạn cần kiên nhẫn dỗ trẻ ăn một ít cơm trước rồi mới cho trẻ ăn những món trẻ thích sau đó để duy trì thói quen ăn cơm. Ngoài ra, khi bữa ăn chính của trẻ không phải là cơm, thì bạn cần bổ sung sữa, các chế phẩm từ sữa, các món ăn vặt... để trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng.
2. Trẻ 15 tháng tuổi nên ăn gì?
“Trẻ 15 tháng tuổi nên ăn gì?” là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh. Trẻ 15 tháng tuổi vẫn đang phát triển nhanh cả về thể chất lẫn tinh thần, vì thế chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng để trẻ tăng cân và đủ các chất dinh dưỡng để bé khỏe mạnh.Về số bữa ăn, trẻ cần ăn 5 bữa mỗi ngày bao gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ, trẻ vẫn cần tiếp tục bú sữa mẹ. Nếu trẻ đã thôi bú mẹ, bạn nên cho trẻ uống thêm sữa công thức, hoặc sữa tươi. Các bữa phụ nên cho trẻ ăn hoa quả như là chuối, đu đủ, hồng xiêm, xoài, cam... và sữa chua, pho mai... Lượng thực phẩm trong ngày để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bé 15 tháng tuổi cần có:
- Gạo (nấu cháo): 120 - 150 g.
- Thịt (hay cá, tôm...): 100 - 120g, một tuần nên cho trẻ ăn 3- 4 quả trứng gà (cả lòng trắng và lòng đỏ).
- Sữa 500ml (nếu trẻ đã thôi bú mẹ).
- Dầu (mỡ): 20 - 30g (tương đương 4 - 6 thìa cà phê loại 5 ml).
- Rau xanh: 50 - 80g.
- Hoa quả chín: 100 - 120g.
Để giúp cho bé ăn ngon miệng đồng thời cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, bạn nên chế biến theo cách sau: Nấu một nồi cháo trắng nhừ, sau đó mỗi bữa múc một bát cho vào xoong con, rồi cho thêm thịt (như thịt bò, gà, lợn) hoặc là cá, tôm, trứng cùng với rau xanh, dầu ăn hoặc mỡ.
Để trẻ tăng chiều cao, bạn nên cho bé ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi (như cua, tôm, phô mai, sữa chua) và chất sắt, bổ sung kẽm hợp lý (như thịt, lươn, tim, sữa chua). Chú ý cùng với chế độ ăn uống, bạn cần tăng cường cho bé vui chơi ngoài trời để tiếp xúc với ánh nắng giúp chuyển hóa vitamin D, hấp thụ canxi tốt hơn, qua đó phòng ngừa còi xương.
Ngoài ra vẫn cần cho trẻ uống đủ nước vì trẻ nhỏ có nhu cầu cao hơn người lớn (trung bình 100 ml/kg trọng lượng cơ thể/ngày), đặc biệt là vào mùa nắng nóng, bạn nên cho bé uống nhiều nước hơn.
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
- Trẻ biếng ăn chậm tăng cân phải làm sao?
- Sự phát triển thần kinh, vận động bình thường ở trẻ em 13 - 48 tháng tuổi
- Hậu quả của trẻ suy dinh dưỡng