Mục lục
Trong 12 tháng đầu đời, một em bé sẽ trải qua những giai đoạn phát triển nhanh chóng. Mặc dù các em bé có cùng độ tuổi và giới tính có thể khác nhau về kích thước, nhưng cân nặng của chúng là một trong những dấu hiệu cho thấy dinh dưỡng tốt và sự phát triển thể chất phù hợp. Trẻ 12 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?
1. Trẻ 12 tháng nặng bao nhiêu kg?
Trẻ sơ sinh khỏe mạnh khi sinh ra có thể có nhiều kích thước khác nhau, tuy nhiên quá trình phát triển của trẻ có xu hướng khá dễ đoán. Khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ nhi khoa sẽ xem xét cân nặng, chiều cao và độ tuổi của con bạn để xem trẻ có phát triển như mong đợi hay không. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã thiết lập các tiêu chuẩn về sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay còn được gọi là biểu đồ cân nặng. Cân nặng trung bình của một trẻ sơ sinh trong khoảng từ 3,2 kg đến 3,4 kg. Hầu hết trẻ sơ sinh khỏe mạnh đủ tháng đều có cân nặng trong khoảng từ 2,6 đến 3,8 kg. Trẻ sơ sinh nặng hơn 4 kg khi đủ tháng là trẻ lớn hơn mức trung bình và trẻ sơ sinh nhẹ cân là khi trẻ đủ tháng đạt cân nặng dưới 2,5 kg.
Trong những ngày đầu tiên của cuộc đời, cả trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn và bú bình đều sẽ giảm cân, điều này là hoàn toàn bình thường. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn có thể giảm tới 10% trọng lượng cơ thể và trẻ bú bình có thể giảm tới 5%. Tuy nhiên, trong thời gian hai tuần, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ lấy lại tất cả số cân nặng đã mất và trở về với cân nặng lúc mới sinh. Hầu hết trẻ sơ sinh mỗi tháng sẽ tăng khoảng 0,45 kg trong vòng sáu tháng đầu tiên. Đối với bé gái cân nặng trung bình lúc sáu tháng là 7,3 kg và 7,9 kg đối với bé trai.
Trẻ 12 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg? Từ 6 tháng tuổi đến khi trẻ 12 tháng tuổi, sự tăng cân sẽ diễn biến chậm lại một chút. Hầu hết các trẻ sơ sinh khi trẻ được 5 đến 6 tháng tuổi đều tăng gấp đôi trọng lượng sơ sinh và trẻ 12 tháng tuổi sẽ tăng cân gấp lên 3 lần. Đến khi trẻ 12 tháng tuổi, cân nặng trung bình của một bé gái là khoảng 8,9kg, với các bé trai nặng khoảng 9,6 kg.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ
Mặc dù trong những ngày đầu đời trẻ sơ sinh giảm cân là điều hoàn toàn bình thường, nhưng sau giai đoạn đó, trẻ bị sụt cân hoặc tăng cân kém lại là dấu hiệu của một số vấn đề. Đối với trẻ bú sữa mẹ, điều đó có thể có nghĩa là trẻ không bú đủ sữa mẹ hoặc sữa mẹ thiếu chất dinh dưỡng. Về tăng cân, trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn ít có khả năng tăng cân quá nhanh so với những trẻ được bú sữa công thức. Cho con bú sữa mẹ thậm chí có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tăng cân quá mức và béo phì. Tuy nhiên, trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn có thể tăng quá nhiều nếu người mẹ có nguồn sữa mẹ dồi dào, trẻ dành quá nhiều thời gian để bú hoặc cha mẹ cho trẻ ăn dặm sớm. Ngoài ra, một số yếu tố khác ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ ví dụ như:
- Giới tính: những trẻ nam thường sẽ lớn hơn trẻ nữ và đa số chúng tăng cân nhanh hơn một chút trong giai đoạn sơ sinh.
- Dinh dưỡng: tốc độ tăng cân và tăng trưởng của trẻ cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào việc trẻ tiêu thụ sữa mẹ hay sữa công thức. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ em bú sữa mẹ hoàn toàn tăng cân và lớn nhanh hơn so với những trẻ bú sữa công thức trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng cân đó có thể thay đổi trong 6 tháng sau đó. Trẻ bú sữa mẹ có thể tăng cân và chậm lớn hơn so với những trẻ bú sữa công thức từ 6 tháng đến khi trẻ 12 tháng tuổi.
- Bệnh tật: các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và khiến cho trẻ tăng cân chậm hơn. Ví dụ như mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ, trẻ bị dị tật tim bẩm sinh có thể tốc độ tăng cân sẽ chậm hơn so với trẻ không mắc phải tình trạng này. Các tình trạng khác có ảnh hưởng đến sự hấp thụ hoặc tiêu hóa dinh dưỡng, chẳng hạn như bệnh celiac (hay còn được gọi là không dung nạp gluten) cũng có thể dẫn đến tình trạng tăng cân chậm.
- Sinh non: trong năm đầu tiên trẻ sinh non có thể phát triển và tăng cân chậm hơn so với những trẻ được sinh đủ tháng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ sinh non tăng cân nhanh chóng trong những tháng đầu tiên và có thể bắt kịp cân nặng trong khoảng năm đầu tiên.
Tóm lại, cân nặng trung bình của trẻ theo tháng có thể giúp bạn đánh giá xem trẻ có phát triển tốt hay không, nhưng những phép đo này không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy sự phát triển và tình trạng sức khỏe tốt. Nếu cha mẹ muốn biết trẻ 12 tháng nặng bao nhiêu kg có thể dựa theo biểu đồ cân nặng để xác định. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của sụt cân hoặc tăng cân quá mức hãy đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh để được đánh giá và tư vấn biện pháp can thiệp kịp thời.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng hàng đầu của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
- Dị ứng thức ăn ở trẻ: Những điều cần biết
- Dị ứng thức ăn ở trẻ sơ sinh
- Sự phát triển của trẻ ở tháng thứ 12 sau sinh