Táo bón là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em với biểu hiện rất dễ nhận biết đó là thông qua số lần đại tiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng táo bón ở trẻ như chế độ dinh dưỡng, tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa, sử dụng thuốc,... Nếu tình trạng táo bón kéo dài sẽ làm cho trẻ biếng ăn, còi cọc và chậm lớn.
1. Vì sao trẻ 1 tuổi bị táo bón?
Táo bón không phải là một bệnh lý mà là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em và nhận biết thông qua số lần đại tiện của trẻ. Trẻ 1 tuổi bị táo bón là tình trạng giảm tần suất đi đại tiện, phân khô và cứng hơn dẫn tới đi đại tiện khó và đau rát. Trẻ 1 tuổi bị táo bón nếu đại tiện ít hơn 3 lần/tuần hoặc trên 2 ngày/lần. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng táo bón ở trẻ bao gồm:
- Cho trẻ ăn dặm không đúng cách: Nếu cha mẹ cho trẻ ăn dặm không đúng cách ví dụ như ăn quá nhiều thực phẩm có giàu đạm, ăn ít chất xơ, chế biến thức ăn đặc,... sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao bị táo bón. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không phù hợp cũng sẽ tạo áp lực lên dạ dày và đường ruột của trẻ dẫn tới hội chứng kém hấp thu.
- Sữa công thức không phù hợp: đối với trẻ 1 tuổi, đa phần cha mẹ sẽ bổ sung thêm các loại sữa công thức. Tuy nhiên, nếu không biết cách lựa chọn đúng loại sữa phù hợp cho trẻ hay sử dụng sữa có công thức giàu đạm, vi chất dinh dưỡng có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ không chuyển hóa hoàn toàn, gây ra đầy bụng và dẫn đến tình trạng trẻ 1 tuổi bị táo bón.
- Uống ít nước: Thiếu nước sẽ khiến cho phân bị khô, cứng và gây ra tình trạng táo bón ở trẻ. Vì thế, khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
Ngoài ra, một số bệnh lý như mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, rối loạn tiêu hóa, hoặc mắc bệnh lý bẩm sinh ví dụ như vấn đề về tuyến giáp hoặc phình đại tràng,... cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ 1 tuổi bị táo bón.
Xem ngay: Điều trị táo bón cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ của bạn bằng nước ép mận
2. Trẻ 1 tuổi bị táo bón phải làm sao?
Tình trạng táo bón kéo dài sẽ để lại nhiều hậu quả như trẻ biếng ăn, còi cọc, chậm lớn, suy dinh dưỡng, đầy hơi, chướng bụng, hay nôn trớ và ăn khó tiêu. Những chất độc trong phân cần được thải ra hàng ngày, nếu bị tích lại trong ruột có thể sẽ bị hấp thu trở lại máu và ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Trẻ 1 tuổi bị táo bón nặng có thể dẫn tới tình trạng bị sa trực tràng do ngồi chờ lâu, rặn mạnh và thậm chí chảy máu trực tràng do phân quá rắn.
Để khắc phục tình trạng táo bón, cha mẹ cần phải biết được nguyên nhân gây ra. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý thực hiện một số biện pháp sau:
- Bổ sung đủ nước cho trẻ theo nhu cầu của trẻ. Thông thường, nhu cầu uống nước ở trẻ 1 tuổi trong khoảng từ 500 – 700ml nước/ngày. Có thể cho trẻ uống thêm nước ép bằng các loại rau xanh, trái cây nhằm tăng cường chất lỏng trong đường ruột.
- Chế biến món ăn dặm cho trẻ nhỏ ở dạng lỏng, mềm cho dễ tiêu hóa. Có thể bổ sung thêm các loại rau xanh, củ, cá, trứng, thịt,... Lưu ý, cần đảm bảo cân bằng những thành phần dinh dưỡng, tránh tình trạng bổ sung quá nhiều đạm sẽ gây khó tiêu và dẫn tới táo bón.
- Cần chia nhỏ bữa ăn trong một ngày để tránh tình trạng gây áp lực lên hệ tiêu hóa của trẻ.
- Duy trì cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ trong thời gian dài nhất có thể. Bởi vì ngoài vi chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn cung cấp enzyme giúp hỗ trợ hoạt động của các cơ quan tiêu hóa.
- Bổ sung vào chế độ ăn của trẻ bằng những loại thực phẩm như sữa chua, men tiêu hóa để giúp bổ sung, tăng số lượng lợi khuẩn, duy trì cũng như điều hòa hoạt động của đường ruột.
- Lựa chọn sữa công thức phù hợp với nhu cầu của trẻ, hàm lượng từng thành phần. Không nên pha sữa quá đặc hoặc thay đổi nhiều loại sữa khác nhau cho trẻ.
- Tập cho trẻ thói quen đi đại tiện đúng giờ, tốt nhất nên đi vào buổi sáng.
- Khuyến khích trẻ vận động nhằm thúc đẩy nhu động ruột và cải thiện tình trạng táo bón.
- Massage: Dùng ngón tay cái xoa nhẹ xung quanh vùng rốn của trẻ theo chiều kim đồng hồ trong khoảng thời gian từ 5 - 10 phút. Việc này sẽ thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường nhu động ruột và tăng khả năng tiêu hóa của dạ dày, giảm tình trạng đau bụng, đầy hơi và táo bón ở trẻ. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ tập bài tập kích thích nhu động ruột bằng cách nắm 2 cổ chân của trẻ rồi di chuyển lên xuống như động tác đạp xe trong 10 phút nhằm kích thích ruột già và cơ vòng hậu môn, cải thiện được tình trạng táo bón hiệu quả.
- Ngâm hậu môn với nước muối ấm: Việc ngâm hậu môn bằng nước muối ấm sẽ giúp làm mềm niêm mạc và thư giãn cơ vòng hậu môn, từ đó giúp cho trẻ dễ dàng đi đại tiện hơn và tránh hiện tượng đau rát.
- Mật ong và nước ấm: Mật ong giúp bôi trơn và kích thích nhu động ruột, duy trì được tỷ lệ nước trong phân, làm khối phân mềm hơn và dễ dàng được tống ra ngoài. Đây là một trong những lý do mà từ lâu mật ong được biết đến là một mẹo chữa táo bón dân gian cho trẻ nhỏ. Cha mẹ chỉ cần pha mật ong với nước ấm sau đó cho trẻ uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1 thìa cà phê.
Tóm lại, táo bón là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em với biểu hiện rất dễ nhận biết đó là thông qua số lần đại tiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng táo bón ở trẻ như chế độ dinh dưỡng, tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa, sử dụng thuốc,... Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ làm cho trẻ biếng ăn, còi cọc và chậm lớn. Do vậy, cha mẹ cần cho con tới cơ sở khám chữa bệnh để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa như táo bón.
- Hãy đi khám ngay nếu đi ngoài ra máu
- Tìm hiểu phẫu thuật Crossen điều trị sa sinh dục ở phụ nữ
- Đại tiện không kiểm soát sau khi sinh con