Mục lục
Việc bổ sung vitamin cần tùy thuộc vào nhu cầu theo từng độ tuổi của bé. Do vậy, để biết được trẻ 1 tuổi, 2 tuổi hay trẻ 3 tuổi cần bổ sung vitamin gì, cha mẹ phải hiểu được nhu cầu của trẻ để đáp ứng đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu.
1. Vì sao cần bổ sung đủ vitamin cho trẻ?
Vitamin là dưỡng chất thiết yếu được khuyến cáo nên bổ sung cho trẻ. Đây là một chất thiết yếu tham gia vào nhiều hoạt động trong cơ thể như cấu tạo nên tế bào, chuyển hóa cung cấp năng lượng, tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Trẻ có thể bị thiếu vitamin do chế độ ăn nghèo dinh dưỡng, biếng ăn, mắc một số bệnh lý làm ảnh hưởng tới việc hấp thu và chuyển hóa vitamin... Khi trẻ bị thiếu vitamin sẽ dẫn tới tình trạng chậm lớn, chậm phát triển thể chất và mắc một số bệnh lý như:
- Khô mắt, quáng gà nếu trẻ thiếu vitamin A gây;
- Trẻ thiếu vitamin C dễ chảy máu, dễ mắc bệnh lý nhiễm khuẩn;
- Thiếu vitamin B1 gây bệnh beriberi, viêm dây thần kinh;
- Thiếu vitamin K có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết;
- Thiếu vitamin D làm giảm hấp thu canxi gây bệnh lý về xương, giảm sức đề kháng...
Do vậy, mỗi trẻ đều được khuyến cáo bổ sung đầy đủ các vitamin để tránh nguy cơ mắc một số bệnh lý và giúp cơ thể phát triển một cách toàn diện. Nhưng đối với mỗi giai đoạn phát triển thì trẻ cần một mức nhu cầu nhất định, cha mẹ cần biết để có thể cung cấp sao cho đủ chứ không thiếu hay thừa cũng sẽ gây hệ lụy không tốt với sức khỏe của bé.
2. Trẻ 1 tuổi, 2 tuổi và trẻ 3 tuổi cần bổ sung vitamin gì?
Độ tuổi từ 1 - 3 là giai đoạn trẻ cần đầy đủ các loại vitamin như A, B, C, D, E, K. Việc bổ sung vitamin cần tùy thuộc vào nhu cầu theo từng độ tuổi của bé. Do vậy, để biết được trẻ 1 tuổi, 2 tuổi và trẻ 3 tuổi cần bổ sung vitamin gì, cha mẹ cần hiểu được nhu cầu của trẻ để đáp ứng đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Dưới đây là các loại vitamin mà trẻ từ 1-3 tuổi cần bổ sung:
- Vitamin A
Vitamin A là thành phần thiết yếu để phát triển tế bào tại võng mạc mắt cho trẻ, giúp phát triển thị lực và ngăn ngừa tình trạng khô mắt. Ngoài ra cũng bảo vệ sự lớp tế bào biểu bì bao phủ bề mặt da, giảm khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm cho trẻ.
Nhu cầu vitamin A của trẻ giai đoạn này là 400 microgam mỗi ngày. Trẻ có thể bổ sung nguồn vitamin A thông qua các loại thực phẩm có màu vàng đỏ như gấc, carot, rau màu xanh đậm, lòng đỏ trứng, gan động vật....
- Vitamin B
Nếu thắc mắc trẻ 1 tuổi cần bổ sung vitamin gì thì không thể bỏ qua nhóm vitamin B. Đây là nhóm vitamin rất quan trọng với trẻ, gồm vitamin B1, B2, B6, B9, B12. Mỗi loại có những chức năng đặc biệt nhưng nói chung vitamin B rất cần thiết trong việc chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể, ngoài ra còn giúp bảo vệ hệ tim mạch, bảo vệ hệ thống thần kinh và hỗ trợ tăng cường miễn dịch hiệu quả.
- Nhu cầu vitamin B1 (Thiamin) là 0,5 mg mỗi ngày. Nguồn cung cấp có trong các thực phẩm như: Bột mì, bánh mì, các loại hạt họ đậu, ngũ cốc, thịt nạc...
- Nhu cầu vitamin B2 (Riboflavin) khoảng 0,5 mg mỗi ngày, có thể bổ sung thông qua sản phẩm như thịt, trứng, pho mát, rau có màu xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt...
- B3 (Niacin) cần khoảng 6mg mỗi ngày. Các thực phẩm có chứa B3 gồm: Trái bơ, ngũ cốc, cá ngừ, trứng, thịt gia cầm, cây họ đậu, khoai tây,...
- Vitamin B6 (Pyridoxine) nhu cầu mỗi ngày khoảng 0,5mg. Nó có nhiều trong quả bơ, chuối, đậu, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt...
- Vitamin B9 (Acid folic) nhu cầu cho trẻ 1 đến 3 tuổi là 160mcg mỗi ngày. Những thực phẩm có chứa nhiều B9 như măng tây, bông cải xanh, củ cải, các loại đậu, các loại ngũ cốc, rau có màu đậm...
- Vitamin B12 (Cyanocobalamin) cần khoảng 0,9 mcg mỗi ngày. Bổ sung thông qua thịt, trứng, sữa, sữa đậu nành, các loại thịt gia cầm, động vật có vỏ...
- Vitamin C
Vitamin C tham gia vào sự hình thành một số loại enzym nên nó quan trọng trong việc giúp cơ thể phòng tránh nhiễm trùng, tăng sức đề kháng, ngoài ra hỗ trợ hấp thụ một số dinh dưỡng như sắt và tăng vững bền thành mạch.
Với trẻ ở giai đoạn này thì cần bổ sung 30mg vitamin C mỗi ngày. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C như bắp cải, bông cải xanh, súp lơ, trái cây họ cam quýt, ổi, rau chân vịt, dâu tây, cà chua.....
- Vitamin D
Vitamin D giúp điều hòa sự chuyển hóa canxi và photpho trong cơ thể, tăng sức đề kháng cho trẻ. Nếu trẻ thiếu vitamin D dễ bị kích thích, chuột rút, còi cọc, ...
Nhu cầu vitamin D trẻ giai đoạn này là 600UI mỗi ngày. Vitamin D được cung cấp chủ yếu thông qua tiếp xúc với tia UVB trong ánh nắng mặt trời, còn nguồn thức ăn cung cấp khá ít như cá hồi, cá thu, cá trích, gan cá, sữa, sữa chua, bơ, kem...
- Vitamin E
Tham gia vào quá trình chuyển hóa trong các tế bào, ngăn ngừa oxy hóa. Hạn chế nguy cơ xơ vữa mạch, ngừa oxy hóa, tăng miễn dịch...
Nhu cầu vitamin E khoảng 5mg mỗi ngày. Nguồn cung cấp có trong quả bơ, rau màu xanh đậm, dầu thực vật như ngô, hướng dương; đu đủ; các loại hạt; quả hạch; lúa mì...
- Vitamin K
Vitamin K tham gia vào quá trình chuyển hoá chất cho xương, hình thành máu đông, ngăn ngừa nguy cơ xuất huyết.
Nhu cầu vitamin K của trẻ 1 đến 3 tuổi là 13 mcg mỗi ngày. Nguồn cung cấp bao gồm các thực phẩm như bắp cải, súp lơ, ngũ cốc, rau xanh đậm, gan động vật, thịt, trứng, cá...
3. Lưu ý khi bổ sung vitamin cho trẻ
Khi bổ sung vitamin cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:
- Vitamin đa số đều có trong các loại rau củ quả, do đó bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau củ và thường xuyên tắm nắng cho trẻ đúng cách.
- Bổ sung vitamin thông qua ăn uống là tốt, tuy nhiên không phải trẻ nào cũng chịu phối hợp ăn uống theo bố mẹ. Bố mẹ cần chia nhỏ bữa ăn, uống đủ nước, chế biến đa dạng và tạo không khí vui vẻ để trẻ được ăn tốt.
Tóm lại, trẻ 1 - 3 tuổi cần bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa. Trường hợp trẻ lười ăn và có những biểu của việc thiếu vitamin thì bố mẹ cần cho trẻ đi khám để được bác sĩ chỉ định dùng vitamin bổ sung.
- Tắm nắng buổi chiều lúc nào thì tốt?
- Nên bổ sung vitamin D cho trẻ đến khi nào thì dừng lại?
- Xuất huyết não, màng não ở trẻ em: Những điều cần biết