Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Biết cách sử dụng biện pháp tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong kế hoạch sinh con và giúp người mẹ tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
1. Thuốc viên tránh thai
Thuốc tránh thai đường uống chứa hormone ức chế giai đoạn rụng trứng. Nếu sử dụng hoàn toàn đúng cách, nó sẽ mang lại hiệu quả tránh thai tuyệt vời, tỉ lệ thành công lên tới 99,7%. Nhưng trên thực tế, rất nhiều phụ nữ lại quên uống thuốc hằng ngày, nên tỉ lệ thành công trên thực tế chỉ đạt 91%. Một số lí do khác dẫn tới tránh thai thất bại khi sử dụng thuốc tránh thai bao gồm:
- Nôn hay tiêu chảy kéo dài trên 48 giờ.
- Đang sử dụng thuốc kháng sinh rifampin, thuốc kháng nấm griseofulvin, một số thuốc chống động kinh nhất định, hoặc là sản phẩm thảo dược bổ sung có chứa chiết xuất từ cây St. John’s wort.
- Thuốc tránh thai qua một số nghiên cứu cho thấy hoạt động không thật hiệu quả trên phụ nữ quá thừa cân hoặc béo phì.
Nếu gặp phải bất kì lí do nào trong số những lí do trên, hãy sử dụng thêm bao cao su như một phương án dự phòng, hoặc trao đổi với bác sĩ để thay đổi sang biện pháp tránh thai khác.
Nếu lỡ quên uống thuốc một lần, khi nhớ ra hãy uống ngay lập tức. Nếu lỡ quên uống hơn hai lần, hãy uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra, sau đó tiếp tục uống thuốc hàng ngày và đừng quên sử dụng thêm biện pháp tránh thai dự phòng (như bao cao su) trong tuần kế tiếp.
Nếu đang sử dụng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin, hãy nhớ uống thuốc vào một giờ cố định hàng ngày (không nên sai lệch quá 3 giờ so với thường ngày), ví dụ giờ uống thuốc hàng ngày vào lúc 7 giờ sáng, nhưng hôm nay lại uống thuốc lúc hơn 10 giờ sáng, vậy là nguy cơ mang thai ngoài ý muốn đã xuất hiện.
2. Miếng dán tránh thai và vòng âm đạo
Những biện pháp tránh thai này có cơ chế hoạt động tương tự như viên uống tránh thai. Cách sử dụng của chúng là nhét một chiếc vòng vào trong âm đạo (sản phẩm NuvaRing) hoặc dán miếng tránh thai lên bụng, lên cánh tay, lên mông hoặc lên lưng (sản phẩm Ortho Evra). Giống như thuốc uống tránh thai, nếu thực hiện hoàn toàn đúng theo hướng dẫn sử dụng sẽ có hiệu quả tránh thai đạt 99%, tuy nhiên tỉ lệ thành công trên thực tế chỉ đạt 91%, bởi những lí do sau:
- Vòng âm đạo mới không được thay thế vào đúng thời gian cần thay mỗi tháng, hoặc nó bị tụt ra khỏi âm đạo hơn hai ngày vào tuần lễ cần sử dụng nó. Miếng dán sẽ không có tác dụng nếu nó bị rơi mất hoặc không được thay thế vào đúng thời điểm cần thay thế hàng tuần.
- Đang trong quá trình điều trị một số thuốc nhất định, những thuốc làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc viên tránh thai cũng sẽ gây ảnh hưởng tương tự với miếng dán tránh thai và vòng âm đạo.
- Đang bị quá thừa cân hoặc béo phì. Các nghiên cứu cho thấy miếng dán tránh thai không thực sự hiệu quả đối với phụ nữ có cân nặng trên 200 pounds (~ 90,72 kg).
Nếu đang sử dụng miếng dán tránh thai hoặc vòng âm đạo mà đến thời điểm cần thay thế cái mới lại quên thay, hoặc bị rơi mất, thì hãy sử dụng cái mới ngay trong vòng 48 giờ, còn nếu khoảng thời gian đã quá hai ngày thì trong 7 ngày kế tiếp cần sử dụng thêm biện pháp tránh thai dự phòng.
3. Thuốc tiêm tránh thai
Thuốc tiêm Depo-Provera có tác dụng tránh thai với mỗi mũi tiêm cho 3 tháng. Thành phần thuốc chứa hormone progestin có tác dụng ức chế giai đoạn rụng trứng. Nếu sử dụng hoàn toàn đúng cách thì tỉ lệ tránh thai đạt 99,8%, tuy nhiên đôi khi người sử dụng phương pháp này lại quên mất lịch tiêm định kỳ mỗi 3 tháng.
Đối với thuốc tiêm tránh thai, quan trọng nhất là phải nhớ đi tiêm mũi tiếp theo trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 tuần tính từ thời điểm mũi tiêm cuối cùng. Nếu để lâu hơn không tiêm, thì cần sử dụng thêm biện pháp tránh thai dự phòng trong một tuần.
4. Que cấy tránh thai
Que cấy tránh thai là một que mảnh, có kích cỡ như que diêm, được cấy dưới cánh tay. Hormone trong que sẽ được giải phóng vào cơ thể, mang lại hiệu quả tránh thai lên tới 3 năm. Hiển nhiên là với phương pháp này, sẽ không có cách sử dụng nào cần phải tuân thủ, do đó hiệu quả trên lý thuyết và trên thực tế đều đạt 99%.
Tuy nhiên có một điều vẫn phải nhớ, đó là sau 3 năm mà vẫn chưa có kế hoạch mang thai thì cần tới gặp bác sĩ để thay thế que mới, nếu không thì mang thai ngoài ý muốn sẽ xảy ra.
5. Dụng cụ tử cung
Dụng cụ tử cung là một biện pháp tránh thai cần được bác sĩ thực hiện thủ thuật, do đó không cần phải tuân thủ bất kỳ hướng dẫn sử dụng nào, và tỉ lệ tránh thai của phương pháp này đạt trên 99,2%. Một khi đã sử dụng dụng cụ tử cung, hiệu quả tránh thai sẽ duy trì từ 3 tới 10 năm. Hiện có hai loại dụng cụ tử cung: loại chứa đồng (ParaGard) và loại chứa hormone (Kyleena, Liletta, Mirena, và Skyla).
Nếu có thai ngoài ý muốn, thường là do dụng cụ tử cung đã bị rơi một phần hoặc rơi hoàn toàn ra khỏi tử cung.
Nếu gặp phải tình huống này, cần tới gặp bác sĩ ngay lập tức, bởi nó có thể xảy ra những biến chứng đe dọa tính mạng, như chửa ngoài tử cung. Do đó cần phải đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Thậm chí dù thai nằm trong tử cung, bác sĩ vẫn cần phải lấy dụng cụ tử cung ra, bởi nếu để lại dụng cụ tử cung sẽ gây nên nguy cơ sảy thai.
6. Phương pháp sử dụng vật ngăn cơ học
Biện pháp tránh thai sử dụng vật ngăn cơ học như màng chắn, mũ cổ tử cung, bao cao su dùng cho nam hoặc nữ có cơ chế hoạt động như một vật cản vật lý, ngăn không cho tinh trùng xâm nhập vào tử cung.
Tuy nhiên, phương pháp này kém tin cậy hơn so với phương pháp sử dụng hormone để tránh thai. Đơn cử như bao cao su dành cho nam, tỉ lệ thành công có thể đạt tới 98% nhưng trên thực tế chỉ đạt 82%, nghĩa là trong một năm cứ 100 phụ nữ thường xuyên quan hệ tình dục với bạn tình có sử dụng bao cao su thì sẽ có 18 phụ mang thai ngoài ý muốn. Lý do thường gặp là bởi bao cao su bị rách hoặc không được đeo đúng cách.
Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp với chất diệt tinh trùng - cũng là một biện pháp tránh thai khác.
7. Tính chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai
Đây là một phương pháp cổ điển, là một biện pháp tránh thai tự nhiên, dựa vào việc tính chu kỳ kinh nguyệt nhằm biết thời điểm rụng trứng. Để thực hiện phương pháp này cần tiến hành đo nhiệt độ hàng ngày, kiểm tra chất nhầy cổ tử cung, hoặc là đánh dấu vòng kinh trên một cuốn lịch để bàn. Nếu thực hiện hoàn toàn đúng cách, thì tỉ lệ thất bại chỉ dưới 5%. Tuy nhiên đây là một phương pháp khó thực hiện với đa số mọi người, do đó trên thực tế tỉ lệ thành công chỉ vào khoảng 76%.
Tuy vẫn là một phương pháp tránh thai khả thi, nhưng nó vừa khó thực hiện lại vừa không phải là phương án nên chọn lựa đối với những người có kinh nguyệt không đều.
8. Những dấu hiệu sớm khi mang thai
Nếu thấy mất kinh, hãy sử dụng que thử xem bản thân có mang thai hay không. Các dấu hiệu mang thai khác bao gồm mệt mỏi, phù, tiểu nhiều, ủ rũ, nôn, ngực to và mềm. Đa số trường hợp mất kinh khi kiểm tra sẽ cho kết quả mang thai, tuy nhiên nếu không phải mất kinh do mang thai, hãy tới gặp bác sĩ nếu trễ kinh từ 1 tới 2 tuần để chắc chắn rằng không mang thai cũng như tìm ra căn nguyên bệnh lý.
Để chọn được biện pháp phù hợp, bạn cần có kiến thức đầy đủ về từng phương pháp tránh thai, đi khám sức khỏe sinh sản và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
- Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trước hay sau quan hệ?
- Rách bao cao su khi quan hệ có sao không?
- Công dụng thuốc Belara