Mục lục
Trầm cảm có triệu chứng loạn thần là một thể trầm cảm nặng. Cùng với những triệu chứng điển hình của trầm cảm như buồn bã, mất niềm tin, lo ngại mình mắc nhiều loại bệnh,... bệnh nhân trầm cảm nặng còn bị hoang tưởng và ảo giác, tự buộc tội chính bản thân.
1. Biểu hiện trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần
Khoảng 10 - 15% người trưởng thành sẽ trải qua ít nhất một cơn trầm cảm nặng trong một giai đoạn nào đó của cuộc sống. Rối loạn trầm cảm nặng có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, phổ biến nhất là từ 20 - 50 tuổi và trung bình là khoảng 40 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh đang ngày càng gia tăng ở nhóm người dưới 20 tuổi mà các chuyên gia cho rằng có thể liên quan đến sử dụng rượu hoặc ma tuý. Trầm cảm thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt trầm cảm nặng cao đáng kể ở những người có mối quan hệ xã hội kém hoặc đã ly hôn, góa phụ.
Khi bị trầm cảm nặng, người bệnh có biểu hiện sút cân, giảm hoặc mất chức năng tình dục, mất ngủ, nhiều biểu hiện rối loạn thần kinh và các rối loạn về cơ thể. Trong đó, loạn thần là các triệu chứng ảo giác và hoang tưởng ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Ví dụ, người bệnh có những thay đổi đáng kể về khí sắc và mất hứng thú với mọi chuyện, trở nên quan tâm và lo ngại quá mức về bệnh tật, cảm thấy mình vô dụng và tội lỗi, ám ảnh về ý tưởng tự tử, hoặc chậm chạp về cả vận động lẫn suy nghĩ, loạn cảm giác... Các triệu chứng trên không phải gây ra do một chất kích thích gây nghiện, một bệnh lý cụ thể hay một sự kiện đau buồn mất mát nào đó.
2. Chẩn đoán và điều trị trầm cảm nặng có loạn thần
2.1. Chẩn đoán
Rất khó để chẩn đoán phân biệt trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần với tâm thần phân liệt:
- Tâm thần phân liệt: Triệu chứng trầm cảm thường sau biểu hiện loạn thần. Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường trải qua các giai đoạn trầm cảm thứ phát, đặc biệt sau khi xuất hiện loạn thần cấp.
- Trầm cảm có biểu hiện loạn thần: Các rối loạn khí sắc thường theo sau hoặc xảy ra đồng thời với triệu chứng loạn thần. Người bệnh có những giai đoạn hoạt động bình thường xen giữa các cơn loạn thần, kết hợp với rối loạn khí sắc.
Còn đối với tình trạng loạn cảm xúc phân liệt, bệnh nhân sẽ trải qua các giai đoạn loạn thần mà không biểu hiện rối loạn khí sắc, nhưng việc chẩn đoán cũng khá khó khăn.
2.2. Điều trị
Dùng thuốc và điện trị liệu sẽ đặc biệt hữu ích trong điều trị rối loạn trầm cảm, bao gồm triệu chứng loạn thần lẫn triệu chứng cơ thể:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc: Bệnh nhân có các triệu chứng cơ thể (ví dụ: chán ăn, mất ngủ, chậm chạp) sẽ đáp ứng với thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc tốt hơn người có nhiều triệu chứng loạn thần kinh.
- Thuốc chống loạn thần: Ở bệnh nhân trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần hoặc lo âu, thuốc chống loạn thần có hiệu quả khá tốt, nhất là khi dùng kết hợp với những loại thuốc khác hoặc biện pháp choáng điện do dạng bệnh này thường ít đáp ứng với thuốc chống trầm cảm đơn lẻ. Các triệu chứng có thể cải thiện rõ rệt sau dùng thuốc bao gồm hoang tưởng, ảo giác, lú lẫn hay lo âu quá mức.
- Điện trị liệu: Tạo ra cơn co giật bằng cách cho dòng điện chạy qua não một cách an toàn và hiệu quả. Thông thường, một đợt điều trị sẽ bao gồm 6 - 10 lần choáng điện với tần suất 3 - 4 lần/ tuần. Ưu điểm của phương pháp này là đáp ứng nhanh trong vòng vài ngày, thích hợp với các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng.
Nhìn chung bệnh nhân trầm cảm nặng đến mức có biểu hiện loạn thần thường khó đáp ứng với điều trị và cũng rất dễ tái phát. Hơn nữa, triệu chứng loạn thần cũng là một trong những yếu tố tiên lượng xấu của bệnh trầm cảm. Vì vậy, cần phải phát hiện sớm trầm cảm có kèm theo loạn thần không, bệnh nhân có tư tưởng hoặc hành vi tự sát hay không để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
- Sợ ma (phasmophobia): Nguyên nhân, triệu chứng và cách ứng phó
- Công dụng của thuốc Bidilucil
- Trầm cảm sau sinh được chẩn đoán và điều trị như thế nào?