Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Thành Long - Chuyên gia tư vấn Tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Trầm cảm là một rối loạn tâm lý trầm trọng, có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là những người có cuộc sống khó khăn, sống cô đơn hay vừa trải qua các cú sốc tinh thần quá lớn. Năm 1950, các nhà y khoa trên thế giới đã khám phá ra những loại thuốc chống trầm cảm đầu tiên, mở ra hướng điều trị căn bệnh tâm lý này.
1. Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là trạng thái rối loạn tâm lý, tâm thần. Người bị bệnh trầm cảm luôn có cảm giác buồn rầu, chán nản, mệt mỏi, mất ngủ, ăn không ngon, không còn hứng thú trong cuộc sống, mất khả năng tập trung... Việc ủ rũ, chán chường lâu ngày khiến bệnh trầm cảm nặng hơn, người bệnh có thể thường xuyên nghĩ đến cái chết.
Bệnh trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ người trẻ đến người già. Trong đó, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 2 lần so với nam giới. Tỷ lệ người già mắc bệnh trầm cảm cũng cao hơn thanh thiếu niên. Mỗi lứa tuổi sẽ có những biểu hiện trầm cảm khác nhau.
Bệnh trầm cảm không những gây tổn hại cho chính người bệnh mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội vì trạng thái rối loạn tâm lý này có thể gây ra những đau khổ nghiêm trọng, phá hoại cuộc sống của chính họ và những người xung quanh. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh trầm cảm được thể hiện qua 3 triệu chứng chủ yếu là:
- Khí sắc trầm.
- Mất hứng thú.
- Mệt mỏi, không còn năng lượng.
Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn tâm thần vận động và giấc ngủ, luôn có cảm giác tội lỗi, xuất hiện ý nghĩ và thực hiện các hành vi tự tử.
Bệnh trầm cảm là rối loạn tâm lý phức tạp, biểu hiện dưới nhiều dạng lâm sàng và hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có khuynh hướng tiến triển mãn tính, lặp lại theo chu kỳ, các triệu chứng của bệnh biểu hiện từ nặng đến nhẹ, có thể xuất hiện những triệu chứng loạn thần hay tương tác với những rối loạn cơ thể, rối loạn tâm thần khác.
2. Biểu hiện của bệnh trầm cảm
Biểu hiện của bệnh trầm cảm rất đa dạng, tùy theo nguyên nhân gây bệnh, mức độ trầm cảm nặng hay nhẹ mà người bệnh có thể có những biểu hiện khác nhau như:
- Nét mặt ủ rũ, buồn bã, chán nản.
- Tự cô lập bản thân với những người xung quanh.
- Mất hứng thú với cuộc sống.
- Thái độ chán chường, đi đứng chậm chạp, nặng nề.
- Luôn mệt mỏi, tỏ ra không còn sức lực.
- Không quan tâm với mọi thứ xung quanh.
- Ăn không ngon miệng, ăn ít đi.
- Khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên bị tỉnh giấc, thèm ngủ mà không ngủ được.
- Không thể tập trung vào bất cứ thứ gì.
- Đầu óc lơ đãng, hay quên.
- Đau đầu, nhức mỏi cổ và vai gáy, hồi hộp ép ngực.
- Thường xuyên lo lắng vô cớ, bị ám ảnh, sợ sệt.
- Dễ bị kích động, dễ nổi giận, cáu gắt.
- Cảm giác tự ti, tự đổ lỗi cho bản thân, cảm thấy bản thân vô dụng, không còn ý nghĩa gì trong cuộc sống.
- Thường xuyên nghĩ tới cái chết.
- Có các hành động tự tử.
3. Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm
- Người bị sang chấn tâm lý mạnh do gặp phải cú sốc tinh thần quá lớn như: mất người thân, chia tay người yêu, áp lực trong cuộc sống và công việc, sự nghiệp đổ vỡ...
- Người lớn tuổi thường xuyên cô đơn, phiền muộn...
- Học sinh, sinh viên gặp nhiều áp lực trong học tập.
- Người đã trải qua một thời gian hưng cảm.
- Người bệnh tâm thần phân liệt.
- Phụ nữ trầm cảm sau sinh...
4. Trầm cảm nặng có chữa được không?
Bệnh trầm cảm có thể điều trị được thông qua việc sử dụng thuốc, điều trị nguyên nhân và sự quan tâm chăm sóc của gia đình và bạn bè xung quanh.
Trầm cảm nặng có thể dẫn đến tử vong, do đó không nên xem thường căn bệnh này. Khi thấy bạn bè, người thân có những dấu hiệu trầm cảm cần đưa đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi người bệnh có ý định tìm đến cái chết.
Y học hiện đại đã tìm ra nhiều loại thuốc chống trầm cảm, sử dụng đúng liều lượng, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, tỷ lệ chữa khỏi bệnh trầm cảm là rất cao.
Một số nhóm thuốc chống trầm cảm như:
- Nhóm SSRI: Citalopram, Escitalopram, Fluoxetine, Fluvoxamine, Paroxetine, Sertraline.
- Nhóm SNRI: Venlafaxine.
- Nhóm TCA (chống trầm cảm 3 vòng): Amitripityline. Lưu ý: nhóm thuốc này có thể ảnh hưởng đến dẫn truyền nhĩ thất. Nhóm thuốc này cũng có thể tương tác với các thuốc điều trị bệnh lý nội khoa nên thường ít dùng cho người lớn tuổi.
- Nhóm NDRI: ít gặp.
- Nhóm SRA: Trazodone, Mirtazapine.
5. Những lưu ý khi điều trị bệnh trầm cảm
- Sử dụng thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ.
- Không tự ý mua thuốc kể cả khi có những biểu hiện trầm cảm giống với người bệnh khác. Việc kê đơn thuốc còn dựa trên nguyên nhân gây bệnh, đặc điểm bệnh lý đi kèm của mỗi người.
- Các loại thuốc an thần không có hiệu quả điều trị bệnh.
- Sử dụng thuốc đúng và đủ liều. Không tự ý ngừng uống thuốc khi thấy bệnh có chiều hướng thuyên giảm. Không tự ý ngừng thuốc đột ngột.
6. Chữa bệnh trầm cảm ở đâu?
Trầm cảm là bệnh tâm lý, ngoài việc sử dụng đúng loại thuốc phù hợp thì hiệu quả điều trị bệnh còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng của bác sĩ tâm lý. Do đó, người bị bệnh trầm cảm cần khám và điều trị bệnh ở những địa chỉ uy tín, bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm.
Một trong những địa chỉ điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả, được nhiều bệnh nhân và giới chuyên môn đánh giá cao là phòng khám Tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Là trung tâm điều trị ngoại trú, phòng khám được đầu tư hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, nhằm tạo cho bệnh nhân không gian khám và tư vấn thoải mái, dễ dàng mở lòng, chia sẻ những áp lực tâm lý, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình điều trị bệnh.
Phòng khám sở hữu đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia tâm lý đến từ các bệnh viện, trung tâm lớn hàng đầu cả nước. Trong đó có nhiều giảng viên, giáo sư giảng dạy môn tâm thần học của trường Đại học Y Hà Nội. Với kinh nghiệm và khả năng chuyên môn cao:
- ThS. Bác sĩ Nguyễn Văn Phi
- ThS. Bác sĩ Phạm Thành Luân
- ThS. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiến
- Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết
- Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long
- Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa
Phòng khám có khả năng triển khai các trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
- Công dụng của thuốc Mirzaten
- Thuốc Ambien: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Các thuốc làm bệnh trầm cảm thêm nghiêm trọng