Theo Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mới được Bộ Y tế ban hành ngày 10/8/2021, có 3 nhóm cần trì hoãn tiêm vắc-xin COVID-19.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Dũng - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Các nhóm cần trì hoãn gồm:
- Người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng qua;
- Người đang mắc bệnh cấp tính;
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần;
Nhóm cần thận trọng khi tiêm vắc-xin COVID-19 gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính;
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi;
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu;
- Phụ nữ mang thai trên 13 tuần;
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống gồm nhiệt độ dưới 35,5 độ C và trên 37,5 độ C, mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút, nhịp thở trên 25 lần/phút...
Ngày 9/8/2021, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi các cơ sở tiêm chủng về việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người thuộc nhóm trì hoãn tiêm hoặc cần thận trọng tiêm chủng. Theo đó:
Đối với nhóm trì hoãn tiêm vắc-xin COVID-19:
- Cần khám sàng lọc phải xác định đúng nhóm phải trì hoãn tiêm, giải thích rõ cho người đi tiêm về nguyên nhân trì hoãn tiêm.
- Đối với những lý do trì hoãn ngắn ngày (đang dùng thuốc, đang mắc bệnh cấp tính...), đội tiêm hướng dẫn cho người dân có thể trở lại điểm tiêm để đánh giá, nếu tình trạng sức khỏe ổn định hoặc không còn lý do trì hoãn thì thực hiện tiêm vắc-xin.
Với nhóm thận trọng khi tiêm vắc-xin COVID-19:
- Người dân có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị. Do đó, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường đánh giá kỹ tình trạng sức khỏe của người đến tiêm, xử trí chuyên môn để tạo điều kiện cho người dân được tiêm ngay tại chỗ. Tuy nhiên, cần chuyển tiếp đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ cho những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào.
- Đối với người có bất thường về mạch, huyết áp, tùy theo năng lực và phạm vi chuyên môn của bác sĩ khám sàng lọc, điều kiện thực tế của điểm tiêm, có thể xử trí theo phác đồ điều trị, nếu ổn định được các chỉ số trong giới hạn cho phép thì thực hiện tiêm vắc-xin.
- Đối với những trường hợp tiêm tại điểm tiêm ngoài bệnh viện, nếu đội tiêm đánh giá bắt buộc chuyển tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện thì thực hiện chuyển tuyến cho người cần tiêm đến bệnh viện phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Đồng thời phải giải thích rõ cho người dân lý do chuyển tuyến tiêm chủng và thông tin về bệnh viện sẽ được chuyển; cung cấp cho người dân một bản phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin COVID-19, lưu ý ghi rõ tên bệnh viện chuyển đến và lý do chuyển tiêm chủng để làm căn cứ cho người dân đến tiêm tại bệnh viện.
- Phụ nữ mang thai ≥13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
Hiện TP.HCM là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất cả nước với hơn 130 nghìn ca mắc. Đến nay TP.HCM đã tiêm hơn 3,4 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho người dân.
- Thế nào là bệnh mãn tính?
- Nước ép cần tây nguyên chất có tác dụng gì và công thức thế nào?
- Đang uống hormone tuyến giáp có tiêm vaccine COVID-19 được không?