17-01-2024 14:46

Tổng quan về bệnh á vảy nến và vảy phấn dạng lichen

Tổng quan về bệnh á vảy nến và vảy phấn dạng lichen

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh á vảy nến là loại bệnh phát ban dát sần tróc vảy tiến triển chậm, mãn tính, kháng trị và không có triệu chứng rõ rệt. Mặc dù phát ban là dạng vẩy nến và vảy phấn dạng lichen, bệnh không đáp ứng với phương pháp điều trị của vảy nến, lichen và các bệnh khác.

1. Phân loại bệnh á vảy nến và vảy phấn dạng lichen

Á vảy nến thể mảng:

  • Á vảy nến dạng mảng nhỏ hay còn gọi là á vảy nến thể mảng dạng ngón tay.
  • Á vảy nến thể mảng lớn có các tên gọi khác là: á vảy nến teo, á vảy nến lốm đốm hình mạng lưới hay là á vảy nến dạng lichen.

Vảy phấn dạng lichen (trước đây gọi là á vảy nến thể giọt):

  • Vảy phấn dạng lichen mãn tính.
  • Vảy phấn dạng lichen và dạng đậu mùa cấp tính.
Vảy phấn dạng lichen
Vảy phấn dạng lichen hay còn gọi là á vảy nến thể giọt

2. Á vảy nến thể mảng

  • Gặp chủ yếu ở tuổi trung niên và người già, nhất là độ tuổi 50.
  • Tỷ lệ nam/nữ = 3/1.
  • Chia thành 2 dạng: mảng lớn và mảng nhỏ.

2.1. Á vảy nến thể mảng nhỏ

  • Lâm sàng: chủ yếu gặp ở nam giới trưởng thành, thương tổn là những đám màu hồng nâu hoặc đỏ, hình oval, số lượng nhiều, giới hạn rõ, phẳng với mặt da lành, kích thước 2-5cm, trên có vảy da mỏng, đôi khi trông giống như các ngón tay, sắp xếp theo cùng một hướng ở mạng sườn, ngực hoặc mặt trong các chi.
  • Cơ năng: có thể ngứa hoặc không.
  • Tiến triển: bệnh lành tính, tiến triển mạn tính kéo dài không xác định, một số trường hợp tự khỏi sau nhiều năm.
  • Mô bệnh học: hình ảnh viêm da không đặc hiệu. Một số trường hợp (khoảng 1/3) có xâm nhập bạch cầu lympho bào thượng bì thành đám, có á sừng từng điểm, phù, tăng gai và xốp bào nhẹ.
  • Tiến triển: bệnh lành tính, tiến triển mạn tính kéo dài không xác định, một số trường hợp tự khỏi sau nhiều năm.
  • Chẩn đoán xác định: Dựa vào lâm sàng và mô bệnh học.
  • Chẩn đoán phân biệt

+ Chàm khô.

+ Đỏ da tiền mycosis.

+ Hồng ban đa dạng.

  • Điều trị á vảy nến: dùng thuốc Corticoid bôi.
Hồng ban
Hồng ban đa dạng là một dấu hiệu thường gặp của á vảy nến thể mảng nhỏ

2.2. Á vảy nến thể mảng lớn

Lâm sàng

  • Bệnh hay gặp ở người lớn, nam giới, hiếm gặp ở trẻ em.
  • Thương tổn là những mảng có kích thước từ 10-20cm, màu đỏ hoặc nâu, giới hạn không rõ, trên có vảy nhỏ, số lượng ít. Vị trí hay gặp ở thân mình, gốc chi, đặc biệt là ở vùng mông, đùi, phụ nữ hay gặp ở ngực. Có hai hình thái hay gặp:

- Á vảy nến dạng mảng lớn, không teo. Đặc trưng là những mảng dát đỏ bong vảy phấn lớn, màu nâu xám hoặc mờ xỉn, hơi thâm nhiễm.

- Á vảy nến dạng mảng lớn, teo: đặc trưng là những mảng teo da không đều thành vệt, có thể giãn mạch, tăng sắc tố thành vệt vằn vèo tạo thành đám loang lổ hình mạng lưới.

  • Cơ năng: ngứa nhẹ.

Mô bệnh học

Đa số trường hợp, hình ảnh mô bệnh học có thể là viêm không đặc hiệu hoặc là xốp bào mạn tính. Dạng có teo da và một số trường hợp không teo, mô bệnh học có hình ảnh của mycosis fungoides.

Tiến triển

Bệnh kéo dài nhiều năm. Người ta cho rằng á vảy nến thể mảng là giai đoạn sớm của mycosis fungoides, vì phần lớn các trường hợp tiến triển thành mycosis fungoides, đặc biệt là khi có ngứa dữ dội, thương tổn thâm nhiễm và có màu đỏ đậm. Vì vậy, bệnh này còn được xếp vào chương các bệnh do tăng sinh bạch cầu lympho da.

Ngứa
Bệnh á vảy nến thể mảng lớn gây ngứa dữ dội

Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng và mô bệnh học.

Chẩn đoán phân biệt

  • Viêm da cơ: ngoài thương tổn da còn có biểu hiện tổn thương cơ, men cơ (CK) tăng cao.
  • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
  • Khô da sắc tố.
  • Viêm da mạn tính do tia xạ.

Điều trị

  • Á vảy nến mảng nhỏ: kem làm ẩm, dùng corticoid tại chỗ, các sản phẩm từ than đá: polytar, goudron, anthralin. UVB hoặc UVB-NB hoặc PUVA. Nên kiểm tra 3-6 tháng 1 lần để đánh giá sự tiến triển của thương tổn.
  • Á vảy nến mảng lớn: phải điều trị tích cực với mục đích ngăn chặn tiến triển thành mycosis fungoides.

- Dùng Corticoid tại chỗ loại có hoạt tính mạnh.

- Toàn thân: retinoid, methotrexate.

- Bệnh nhân cần được kiểm tra 3-6 tháng 1 lần, nên sinh thiết để theo dõi tiến triển của bệnh.

3. Vảy phấn dạng Lichen

Vảy phấn dạng lichen hay gặp ở trẻ em và những người trưởng thành trẻ. Căn nguyên gây bệnh chưa rõ. Bệnh xuất hiện một cách tự nhiên, đột ngột hoặc có thể xuất hiện sau khi mắc bệnh cúm, sốt nhiễm trùng hoặc có tiền sử dùng thuốc. Vì vậy, người ta cho rằng có thể đó là phản ứng tăng nhạy cảm của cơ thể với một số kháng nguyên.

3.1. Vảy phấn dạng lichen mãn tính

Lâm sàng

  • Thương tổn cơ bản: là các sẩn chắc, hơi nổi cao, màu đỏ hồng hoặc nâu xám, giống như sẩn giang mai, lúc đầu nhỏ bằng hạt đỗ, sau lớn dần, trên sẩn xuất hiện vảy da màu trắng xám, khô và dính vào thương tổn. Thương tổn rải rác khắp thân mình và các chi.
  • Cạo vảy bong cả mảng nhưng còn dính một bên, gọi là dấu hiệu kẹp chì hay dấu hiệu gắn xi. Khác vảy nến là vảy dễ bong thành từng lớp mỏng, sau vài ngày vảy tự bong, màu da dần trở lại bình thường.
  • Ngoài sần điển hình còn thấy dát đỏ có vảy da, đôi khi chỉ có vảy da hoặc vảy hơi hồng như vảy tiết màu xám. Đó là tính chất đa dạng của thương tổn.
  • Cơ năng: không ngứa. Toàn trạng ít bị ảnh hưởng.

Mô bệnh học

Không đặc hiệu, thượng bì có hiện tượng á sừng, tế bào sừng còn nhân, mầm liên nhú kéo dài.

  • Lớp gai có thâm nhiễm bạch cầu đơn nhân rải rác, có hiện tượng thoát dịch vào giữa các tế bào gai, đứt cầu nối. Một số nghiên cứu nhận thấy ở thượng bì cũng có các ổ áp xe nhỏ giống như ở bệnh vảy nến.
  • Trung bì có hiện tượng phù, thâm nhiễm bạch cầu đơn nhân và lympho, nhưng ít hơn so với các thể á vảy nến khác, đôi khi thấy bạch cầu đa nhân.

Tiến triển

Bệnh lành tính tiến triển kéo dài, tái phát liên tục. Đợt tái phát có thể do ảnh hưởng của thời tiết. Một số trường hợp thương tổn sạch hoàn toàn trong một thời gian, nhưng người ta cho rằng đó chỉ là thời gian ổn định của bệnh.

Vảy phấn dạng lichen mãn tính
Vảy phấn dạng lichen mãn tính là bệnh lành tính tiến triển kéo dài, tái phát liên tục

3.2. Vảy phấn dạng lichen và đậu mùa cấp tính

Lâm sàng

  • Thường thấy đầu tiên ở thân mình những dát đỏ và sần phù, trung tâm có thể thấy mụn nước và xuất huyết. Quan sát gần, mụn nước nằm sâu, có dạng đậu mùa là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán. Các sẩn này sau loét, hoại tử và đóng vảy tiết; khi lành để lại sẹo lõm, màu thâm, dạng đậu mùa và có thể tăng hoặc giảm sắc tố da.
  • Ở mặt, lòng bàn tay, bàn chân không có thương tổn. Niêm mạc hiếm khi bị tổn thương. Sau một hoặc nhiều lần phát thương tổn, bệnh dần được cải thiện, có thể chuyển thành vảy phấn dạng lichen mãn tính. Triệu chứng toàn thân đôi khi sốt nhẹ, nhức đầu, suy nhược, tăng tốc độ lắng máu, hạch ngoại biên to.
  • Hình thái nặng, hiếm gặp: vảy phấn dạng lichen và dạng đậu mùa loét hoại tử cấp tính với sốt cao, khởi phát cấp tính, thương tổn da là các sẩn cục lan tỏa, sau loét hoại tử rộng liên kết với nhau và đau. Bờ thương tổn đỏ và gờ cao. Trên thương tổn có có vảy tiết. Niêm mạc cũng bị tổn thương. Triệu chứng toàn thân nặng: sốt cao, hạch ngoại biên to, đau bụng, đau cơ, rối loạn thần kinh, tâm thần, đau khớp, viêm phổi kẽ.
Bệnh đậu mùa
Vảy phấn dạng lichen nổi dưới dạng mụn nước, có dạng đậu mùa

Mô bệnh học

Hoại tử thượng bì, xuất huyết và xâm nhập dày đặc tế bào lympho quanh mạch máu ở trung bì nông.

Tiến triển

Bệnh tiến triển có lúc cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Trước kia người ta cho rằng đây là bệnh lành tính, tự khỏi trong vài tháng đến vài năm. Nhưng gần đây người ta thấy có những bằng chứng tiến triển của một bệnh mạn tính, có những đợt cấp, nặng.

Chẩn đoán

  • Chẩn đoán xác định: dựa vào lâm sàng và mô bệnh học.
  • Chẩn đoán phân biệt: vảy phấn dạng lichen mãn tính cần được phân biệt với: Á lao sẩn hoại tử; Lichen phẳng; Thủy đậu; Vảy phấn hồng Gibert; Dị ứng thuốc dạng sẩn mủ; Herpes; Vảy nến thể giọt; Giang mai II; Á sừng dạng vảy nến và vảy nến.

Điều trị

  • Không có hiệu quả rõ rệt trong điều trị bệnh.
  • Với á vảy nến dạng lichen và dạng đậu mùa cấp tính, trước hết cần phải tìm kiếm và loại bỏ tất cả các yếu tố phát động như nhiễm trùng. Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng.
  • Tại chỗ dùng các thuốc làm dịu da, giữ ẩm da, bôi kem corticoid.

Điều trị toàn thân

  • Dùng thuốc Tetracyclin, erythromycin 2g/ngày trong vài tuần, có thể có tác dụng.
  • Pentoxifylline 400mg x 2lần/ngày.
  • Dạng nặng điều trị bằng PUVA, methotrexat, corticoid toàn thân, kháng sinh tại chỗ chống nhiễm trùng.
  • Dapson cũng được sử dụng có hiệu quả trong một số trường hợp.

4. Chế độ ăn uống của bệnh á vảy nến và vảy phấn dạng Lichen

Tránh đường: lượng đường dư thừa trong chế độ ăn uống sẽ làm nặng thêm tình trạng viêm. Giảm hoặc cắt bỏ đường được xem là bước quan trọng đầu tiên trong việc điều trị.

Uống nhiều nước: nước giúp hydrat hóa cho mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả da. Tiêu thụ đủ nước trong ngày giúp cải thiện kết cấu làn da của người bệnh.

Tránh thực phẩm gây kích ứng bệnh

Loại bỏ chất béo chuyển hóa: dầu hydro hóa là nguồn chất béo chuyển hóa phổ biến trong thực phẩm đóng gói và chiên rán. Tốt hơn hết là loại bỏ toàn bộ những thực phẩm này trong cuộc sống người bệnh vì chúng làm gia tăng tình trạng viêm. Có thể sử dụng dầu ô liu để thay thế các loại dầu khác khi chế biến.

Ăn nhiều cá chứa omega 3: cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu... là những loại cá chứa vitamin D và chất béo omega-3 có lợi cho sức khỏe.

Chọn các thực phẩm kháng viêm: rau củ, các loại quả như quả mâm xôi, quả việt quất, dâu tây, các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó, hạt dẻ cười... đều có tác dụng chống viêm.

Tránh chất béo bão hòa: rất nhiều nguồn thực phẩm tự nhiên chứa chất béo bão hòa. Tuy nhiên, nó chủ yếu tập trung trong các nguồn thực phẩm động vật như thịt đỏ, thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa, các loại đồ nướng hoặc chiên rán. Tránh chất béo bão hòa sẽ làm giảm tỷ lệ gặp biến chứng của bệnh.

Bệnh á vảy nến và vảy phấn dạng lichen hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để nhưng nếu không kiên trì điều trị, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống.

Cá hồi giàu omega-3 và vitamin B12
Omega 3 trong cá hồi có lợi trong điều trị bệnh vảy nến

Ngoài ra, bạn cũng sẽ có thể mắc phải các căn bệnh viêm da khác do cơ địa yếu và nhiều yếu tố khác. Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng lạ trên da, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra.

XEM THÊM:
  • Bệnh vảy nến có gây ngứa không và điều trị thế nào?
  • Bệnh vảy nến có bị lây không?
  • Lưu ý với vảy nến thể mảng

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan