17-01-2024 14:04

Tổn thương sụn tăng trưởng ở trẻ em

Tổn thương sụn tăng trưởng ở trẻ em

Gãy xương ở trẻ em, thường liên quan đến tổn thương sụn tăng trưởng. Gãy sụn tăng trưởng ở trẻ em gây ảnh hưởng đến mô xương đang phát triển gần các đầu xương của trẻ. Chẩn đoán tổn thương sụn tăng trưởng bằng chụp x-quang thường quy và việc điều trị cần được tiến hành ngay lập tức vì chúng có thể ảnh hưởng đến cách xương phát triển, nhất là ở trẻ đang dậy thì.

1. Sụn tăng trưởng ở trẻ em là gì?

Gãy xương ở trẻ em, thường liên quan đến tổn thương sụn tăng trưởng. Sụn tăng trưởng ở trẻ em là vùng mô gần đầu cuối của các xương dài ở trẻ em và thanh thiếu niên, quyết định chiều dài và hình dạng trong tương lai của xương trưởng thành. Mỗi xương dài có ít nhất hai đĩa sụn tăng trưởng, một đĩa sụn ở mỗi đầu. Khi sự phát triển của trẻ hoàn tất - trong thời kỳ thanh thiếu niên - các mảng sụn tăng trưởng đóng lại và được thay thế bằng xương rắn.

Các mảng sụn tăng trưởng ở trẻ em là những vùng mềm nhất và yếu nhất trong khung xương đang phát triển, thậm chí còn yếu hơn gân và các dây chằng xung quanh. Do đó, tổn thương sụn tăng trưởng rất dễ xảy ra. Các chấn thương đối với sụn tăng trưởng có thể do một chấn thương duy nhất, chẳng hạn như ngã hoặc tai nạn ô tô, hoặc do áp lực lên sụn kéo dài hoặc lực tác động lặp đi lặp lại. Gãy sụn tăng trưởng ảnh hưởng đến lớp mô đang phát triển ở gần các đầu xương của trẻ. Một chấn thương có thể gây bong gân khớp cho người lớn nhưng có thể gây gãy sụn tăng trưởng ở trẻ em.

2. Triệu chứng của tổn thương sụn tăng trưởng

Hầu hết gãy sụn tăng trưởng xảy ra ở xương ngón tay, cẳng tay và cẳng chân. Các dấu hiệu và triệu chứng của gãy sụn tăng trưởng có thể bao gồm:

  • Đau dai dẳng hoặc đau sau một chấn thương đột ngột.
  • Đau và sưng, đặc biệt là khi đụng vào nơi sụn tăng trưởng bị gãy.
  • Nóng và sưng tấy ở đầu xương, gần khớp.
  • Không có khả năng cử động, chịu áp lực hoặc chịu sức nặng của chi do đau.
  • Biến dạng đầu xương.

3. Nguyên nhân gây tổn thương sụn tăng trưởng

Bởi vì sụn tăng trưởng là vùng xương cuối cùng cứng lại trong quá trình tăng trưởng nên trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị gãy hoặc chấn thương sụn tăng trưởng. Gãy sụn tăng trưởng xảy ra ở trẻ trai nhiều gấp đôi so với trẻ gái, vì trẻ gái kết thúc quá trình phát triển xương sớm hơn trẻ trai. Đến năm 12 tuổi, hầu hết các sụn tăng trưởng của các bé gái đã trưởng thành và được thay thế bằng xương rắn chắc.

Tổn thương sụn tăng trưởng có thể xảy ra vì nhiều lý do. Gãy sụn tăng trưởng thường do ngã hoặc sau một lực tác động vào đầu xương, có thể xảy ra trong:

  • Tai nạn giao thông
  • Các môn thể thao cạnh tranh hoặc các hoạt động làm tăng nguy cơ ngã hoặc bị va đập, chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ, ném bóng chày, chạy đường dài hoặc thể dục dụng cụ.
  • Các hoạt động giải trí, chẳng hạn như đi xe đạp, xe trượt tuyết hoặc trượt ván.
  • Đôi khi, gãy sụn tăng trưởng có thể do sử dụng quá mức, có thể xảy ra do quá trình luyện tập thể thao trong nhiều giờ hoặc lực tác động lặp đi lặp lại quá mức trên một chi hoặc một vùng cụ thể trên cơ thể của trẻ.
Tổn thương sụn tăng trưởng ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tổn thương sụn tăng trưởng ở trẻ em

4. Phân loại tổn thương sụn tăng trưởng

Hệ thống phân loại Salter-Harris chia hầu hết các chấn thương và gãy sụn tăng trưởng thành năm loại.

  • Loại I: xảy ra khi vết gãy đi thẳng ngang qua sụn tăng trưởng nhưng không liên quan đến vùng xương xung quanh.
  • Loại II: xảy ra khi vết gãy mở rộng lên trên hoặc đi ra xa sụn tăng trưởng. Đây là loại gãy sụn tăng trưởng phổ biến nhất.
  • Loại III: xảy ra khi vết gãy mở rộng xuống dưới sụn tăng trưởng.
  • Loại IV: xảy ra khi vết gãy kéo dài từ sụn tăng trưởng qua hành xương và đầu xương.
  • Loại V: xảy ra khi sụn tăng trưởng bị nghiền nát. Loại gãy này rất hiếm gặp.

Trẻ bị các tổn thương sụn tăng trưởng và đầu xương (loại III và IV) hoặc sụn tăng trưởng bị nghiền nát (loại V) có tiên lượng xấu hơn.

Hầu hết các tổn thương sụn tăng trưởng đều lành lại mà không có biến chứng. Nhưng các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ xương bị cong vẹo, phát triển quá mức hoặc còi cọc.

  • Mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Nếu đĩa sụn tăng trưởng bị dịch chuyển, vỡ hoặc dập nát, nguy cơ biến dạng chi càng lớn.
  • Tuổi của trẻ. Nếu sụn tăng trưởng bị tổn thương vĩnh viễn ở độ tuổi càng nhỏ thì sẽ có nhiều khả năng phát triển dị tật hơn. Nếu trẻ gần như đã phát triển xong, tổn thương sụn tăng trưởng vĩnh viễn có thể chỉ gây ra biến dạng tối thiểu.
  • Vị trí của vết thương. Các mảng sụn tăng trưởng xung quanh đầu gối nhạy cảm hơn với chấn thương. Nứt hoặc gãy sụn tăng trưởng ở đầu gối có thể khiến chân ngắn hơn, dài hơn hoặc cong vẹo nếu tổn thương sụn tăng trưởng vĩnh viễn. Các chấn thương sụn tăng trưởng xung quanh cổ tay và vai thường tự lành mà không có vấn đề gì.

5. Hình ảnh học chẩn đoán tổn thương sụn tăng trưởng

Bởi vì các mảng sụn tăng trưởng chưa cứng thành xương rắn, nên rất khó diễn giải tổn thương trên X-quang. Các bác sĩ có thể yêu cầu chụp X – quang của cả chi bị thương và chi đối diện để có thể so sánh với nhau. Đôi khi tại thời điểm bị thương, không thể nhìn thấy gãy sụn tăng trưởng trên X-quang. Nếu trẻ bị đau tại vị trí sụn tăng trưởng, bác sĩ có thể đề nghị bó bột hoặc nẹp để bảo vệ chi. Chụp X – quang sẽ được thực hiện lại sau ba đến bốn tuần và nếu có gãy xương, xương mới sẽ thường được thấy vào thời điểm đó.

Đối với những chấn thương nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc siêu âm.

Chụp X – quang giúp bác sĩ có thể chẩn đoán xác định tổn thương sụn tăng trưởng
Chụp X – quang giúp bác sĩ có thể chẩn đoán xác định tổn thương sụn tăng trưởng ở trẻ

6. Điều trị tổn thương sụn tăng trưởng

Điều trị gãy sụn tăng trưởng phụ thuộc vào loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của gãy. Việc điều trị cần được tiến hành ngay lập tức vì chúng có thể ảnh hưởng đến cách xương phát triển, nhất là ở trẻ đang dậy thì. Những trường hợp gãy ít nghiêm trọng thường chỉ cần bó bột hoặc nẹp. Nếu vết gãy vượt qua sụn tăng trưởng hoặc đi vào khớp và không thẳng hàng tốt, phẫu thuật có thể là cần thiết. Các đĩa sụn tăng trưởng được phục hình lại bằng phẫu thuật có thể có cơ hội phục hồi và phát triển trở lại tốt hơn so với các tổn thương sụn tăng trưởng không được phẫu thuật.

Cụ thể, các phương pháp điều trị gãy sụn tăng trưởng bao gồm:

  • Cố định sụn bị gãy và giảm di lệch bằng cách bó bột hoặc nẹp sau khi đã thiết lập sự liên kết bình thường của xương sụn để ngăn chặn sự di lệch, cho phép xương nghỉ ngơi. Để giúp thúc đẩy quá trình chữa lành, trẻ em và thanh thiếu niên nên hạn chế bất kỳ hoạt động nào gây áp lực lên vùng bị thương.
  • Phẫu thuật. Một số chấn thương sụn tăng trưởng cần phải phẫu thuật để nắn chỉnh và cố định xương. Nhu cầu phẫu thuật phụ thuộc vào vị trí và mức độ của chấn thương, ảnh hưởng của tổn thương đối với các dây thần kinh và mạch máu lân cận cũng như độ tuổi của trẻ. Quy trình phẫu thuật thường yêu cầu các chốt kim loại nhẵn để giữ xương cố định mà không gây ra sự hợp nhất sớm của các mảng sụn tăng trưởng bị thương. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ thường bó bột để bất động vùng bị thương. Băng bó bột được giữ nguyên cho đến khi vết thương lành.
  • Bài tập củng cố và phạm vi chuyển động. Bác sĩ có thể đề nghị các bài tập để tăng cường cơ hỗ trợ vùng xương sụn bị thương sau khi vết thương đã lành. Tăng cường sức mạnh có thể giúp cải thiện khả năng cử động.

Nếu chấn thương nghiêm trọng hoặc việc điều trị chậm trễ, gãy sụn tăng trưởng có thể làm gián đoạn sự phát triển bình thường của xương. Ví dụ, xương có thể bị cong vẹo hoặc hơi dài hoặc ngắn hơn so với dự kiến. Với việc điều trị ngay lập tức, hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên đều bình phục mà không gặp phải các vấn đề về tăng trưởng khác. Trẻ có thể trở lại các hoạt động bình thường và tham gia thể thao sớm bao lâu tùy thuộc vào sự phục hồi của trẻ và loại hoạt động.

Đôi khi rất khó để biết liệu sụn tăng trưởng có bị tổn thương vĩnh viễn hay không. Bác sĩ có thể khuyên trẻ nên kiểm tra X – quang trong vài năm sau khi gãy sụn để đảm bảo rằng mảng sụn tăng trưởng đang phát triển thích hợp. Tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của sụn bị gãy, trẻ có thể cần được tái khám cho đến khi xương phát triển xong.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, niams.nih.gov, msdmanuals.com

XEM THÊM:
  • Những chấn thương thể thao phổ biến ở trẻ em
  • Biện pháp điều trị gãy xương cẳng tay, cánh tay
  • Chân còn tím đau sau 2 tháng gãy xương bàn chân đã nên tập luyện chưa?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan