Mục lục
- 1. 1. Tinh dầu phong lữ là gì?
- 2. 2. Tinh dầu phong lữ có tác dụng gì?
- 2.1. 2.1. Mụn trứng cá, mụn viêm và các tình trạng viêm da
- 2.2. 2.2. Phù nề
- 2.3. 2.3. Viêm tiền đình mũi
- 2.4. 2.4. Nhiễm trùng
- 2.5. 2.5. Bệnh thoái hóa thần kinh
- 2.6. 2.6. Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh
- 2.7. 2.7. Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm
- 2.8. 2.8. Bệnh zona
- 2.9. 2.9. Dị ứng
- 2.10. 2.10. Chăm sóc vết thương
- 2.11. 2.11. Bệnh đái tháo đường
- 3. 3. Một số cách sử dụng tinh dầu phong lữ
- 4. 4. Tác dụng phụ của tinh dầu phong lữ
- 5. 5. Cách làm tinh dầu phong lữ tại nhà
- 6. Đánh giá
Tinh dầu phong lữ được sử dụng để chữa trị nhiều vấn đề sức khỏe trong nhiều thế kỷ. Một số dữ liệu khoa học chỉ ra rằng các tình trạng như mệt mỏi, trầm cảm, nhiễm trùng và đau được cải thiện với tinh dầu phong lữ. Một số tác dụng khác của tinh dầu phong lữ bao gồm kháng khuẩn, chống oxy hóa và khả năng chống viêm.
1. Tinh dầu phong lữ là gì?
Cây phong lữ có tên khoa học là Pelargonium Tombolens, đây là một loài thực vật có nguồn gốc từ Nam Phi. Tinh dầu phong lữ được sản xuất khi chưng cất lá của cây này. Theo dân gian, nó đã được sử dụng rộng rãi cho nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau.
Cây hoa phong lữ được trồng ở nhiều vùng, bao gồm cả Châu Âu và Châu Á. Có rất nhiều giống và chủng loại hoa phong lữ với hương thơm tươi mát. Mỗi loại có các mùi hương khác nhau, nhưng nhìn chung gần giống nhau về thành phần, lợi ích và cách sử dụng.
Ứng dụng rộng rãi nhất của tinh dầu phong lữ là được sử dụng như một thành phần trong nước hoa và mỹ phẩm. Ngoài ra, với mùi hương dễ chịu, tinh dầu phong lữ còn được ứng dụng để điều trị một số tình trạng sức khỏe. Trong liệu pháp hương thơm, tinh dầu được xông bằng máy khuếch tán, hoặc pha loãng với dầu vận chuyển và thoa lên da để làm dịu da.
Các lợi ích của tinh dầu phong lữ đã được kiểm chứng trong một số nghiên cứu trên cả người và động vật. Ngoài ra, còn có bằng chứng giai thoại về lợi ích của nó. Tinh dầu phong lữ được cho là có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm.
2. Tinh dầu phong lữ có tác dụng gì?
Tinh dầu phong lữ đã được nghiên cứu kỹ đối với một số tác dụng nhưng không phải là tất cả. Người dùng cần đảm bảo kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng và không thay thế tinh dầu phong lữ cho một loại thuốc hoặc phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.
Dầu phong lữ có thể có lợi cho những điều kiện sau:
2.1. Mụn trứng cá, mụn viêm và các tình trạng viêm da
Một đánh giá năm 2017 của các nghiên cứu về tinh dầu phong lữ chỉ ra rằng đặc tính kháng khuẩn, chống vi trùng và khử trùng của nó giúp giảm mụn trứng cá, kích ứng da và nhiễm trùng da khi bôi tại chỗ.
Một nghiên cứu cho thấy rằng tinh dầu phong lữ hứa hẹn như một loại thuốc chống viêm tiềm năng với ít tác dụng phụ.
2.2. Phù nề
Một nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng chất chống viêm của tinh dầu phong lữ có thể làm cho nó có lợi cho chân và bàn chân bị phù nề.
Kinh nghiệm dân gian chỉ ra rằng tắm bằng nước có pha tinh dầu phong lữ có thể là một cách tốt để điều trị tình trạng phù nề da. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để điều tra tác động của tinh dầu phong lữ đối với chứng phù nề.
2.3. Viêm tiền đình mũi
Viêm tiền đình mũi là bệnh lý gây nhiều khó chịu, có thể liên quan đến điều trị ung thư bằng thuốc. Một nghiên cứu quan sát nhỏ cho thấy tinh dầu phong lữ có thể làm dịu các triệu chứng về mũi do tình trạng này gây ra, chẳng hạn như chảy máu, đóng vảy, đau, khô và lở loét.
Trong nghiên cứu, tinh dầu phong lữ được trộn với dầu mè và được sử dụng làm thuốc xịt mũi ở phụ nữ đang hóa trị ung thư vú.
2.4. Nhiễm trùng
Nhiều nghiên cứu kết luận rằng tinh dầu phong lữ có khả năng chống lại nhiễm trùng do các tác nhân vi khuẩn. Tinh dầu phong lữ có đặc tính kháng khuẩn và kháng vi sinh vật.
Trong một nghiên cứu, tinh dầu phong lữ đã được chứng minh có hiệu quả tương tự như thuốc kháng sinh amoxicillin và có khả năng chống lại các chủng vi khuẩn, chẳng hạn như Staphylococcus aureus. Nghiên cứu tương tự cho thấy nó không hiệu quả trong việc chống lại Listeria monocytogenes, một chủng vi khuẩn khác.
2.5. Bệnh thoái hóa thần kinh
Các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson và bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) thường có nguyên nhân do quá trình viêm tại các mô tế bào thần kinh. Một nghiên cứu cho thấy nồng độ citronellol cao, một thành phần của tinh dầu phong lữ, ức chế sản xuất oxit nitric, giảm viêm và chết tế bào trong não.
Ngoài ra, tinh dầu phong lữ còn được xem xét có thể có lợi cho những bệnh nhân mắc các bệnh thoái hóa thần kinh bao gồm viêm dây thần kinh.
2.6. Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh
Một nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp hương thơm với tinh dầu phong lữ có lợi trong việc kích thích tiết estrogen. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng tinh dầu phong lữ có thể cải thiện các triệu chứng ở những người phụ nữ bị giảm estrogen và các triệu chứng liên quan đến sức khỏe do mãn kinh và tiền mãn kinh.
2.7. Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm
Trị liệu bằng hương thơm ngày càng trở nên phổ biến hơn, ngay cả trong môi trường bệnh viện. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên những phụ nữ chuyển dạ lần đầu tiên phát hiện ra rằng tinh dầu phong lữ khi được hít vào có tác dụng làm dịu và có thể làm giảm lo lắng liên quan đến chuyển dạ giai đoạn đầu.
Một nghiên cứu trên chuột đã phân tích tác dụng làm dịu, chống trầm cảm của dòng tinh dầu Reunion geranium (Pelargonium roseum willd) và thấy rằng nó có hiệu quả để giảm căng thẳng.
2.8. Bệnh zona
Bệnh zona thường dẫn đến chứng đau dây thần kinh sau zona, một tình trạng rất đau ảnh hưởng đến các sợi thần kinh và da chạy dọc theo dây thần kinh. Một nghiên cứu cho thấy rằng bôi tinh dầu phong lữ tại chỗ có tác dụng làm giảm đáng kể cơn đau thần kinh sau vài phút. Những tác dụng này chỉ là tạm thời và cần phải áp dụng lại nếu cần.
2.9. Dị ứng
Theo một nghiên cứu sơ bộ, hàm lượng citronellol của tinh dầu phong lữ làm cho nó có khả năng hiệu quả trong việc giảm các phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi kết luận chính thức.
Theo kinh nghiệm dân gian, bôi tinh dầu phong lữ trực tiếp lên da có thể làm giảm ngứa do phản ứng dị ứng. Điều này xảy ra là do hoạt tính kháng viêm của loại tinh dầu này.
2.10. Chăm sóc vết thương
Kinh nghiệm cho thấy rằng tinh dầu phong lữ có thể có lợi trong việc ngăn các vết thương nhỏ chảy máu. Nó có thể sở hữu tác dụng này bằng cách tăng tốc độ đông máu và làm cho các mạch máu co lại. Bên cạnh đó, đặc tính kháng khuẩn và khử trùng của nó cũng có lợi cho việc chữa bệnh.
2.11. Bệnh đái tháo đường
Từ lâu, ở khu vực Tunisia, tinh dầu phong lữ đã được sử dụng như một phương pháp điều trị theo kinh nghiệm để giảm đường huyết. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng uống tinh dầu phong lữ hàng ngày làm giảm đáng kể lượng đường ở chuột.
Các nhà nghiên cứu tin rằng tinh dầu phong lữ cũng có thể có tác dụng giảm lượng đường trong máu ở những bệnh nhân đái tháo đường, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải nghiên cứu thêm trước khi thực sự ứng dụng nó vào điều trị bệnh.
3. Một số cách sử dụng tinh dầu phong lữ
Tinh dầu phong lữ nên được pha loãng với một số loại dầu khác, chẳng hạn như dầu mè trước khi sử dụng tại chỗ trên da. Bạn có thể sử dụng tinh dầu phong lữ như một phương pháp điều trị tại chỗ cho da mụn hoặc ngứa hoặc như một loại dầu mát-xa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số loại dầu có thể gây ra phản ứng dị ứng khi thoa lên da. Do đó, trrước khi sử dụng, hãy kiểm tra bằng cách bôi một ít tinh dầu trên một khu vực nhỏ để đảm bảo nó không gây phản ứng.
Khi pha loãng tinh dầu phong lữ với dầu nền, điều quan trọng là phải tuân theo các nguyên tắc pha loãng. Đối với người lớn, bắt đầu bằng cách trộn 15 giọt tinh dầu trên 6 muỗng cà phê dầu vận chuyển. Nồng độ pha loãng tương đương khoảng 2,5 phần trăm. Đối với trẻ em, 3 đến 6 giọt tinh dầu trên 6 muỗng cà phê dầu vận chuyển là một công thức an toàn.
Như một liệu pháp trị liệu bằng hương thơm, bạn có thể chấm tinh dầu phong lữ lên khăn giấy hoặc lên vải mà không ngại bị ố. Bạn cũng có thể đặt nó trong máy khuếch tán, để tỏa hương thơm cho không gian rộng. Ngoài ra, còn có các bộ khuếch tán sử dụng cá nhân, chẳng hạn như que hít hương thơm mà bạn có thể đổ đầy tinh dầu và hít thở khi di chuyển. Ngoài ra, bạn cần lưu ý, không bao giờ được nuốt tinh dầu phong lữ.
4. Tác dụng phụ của tinh dầu phong lữ
Khi được sử dụng đúng cách, tinh dầu phong lữ được coi là an toàn cho hầu hết mọi đối tượng sử dụng. Phát ban hoặc bỏng rát da có thể là một trong các tác dụng phụ khi sử dụng. Nguyên tắc cơ bản khi sử dụng tinh dầu là không bao giờ bôi trực tiếp trên da trước khi được pha loãng.
Đôi khi, một lượng nhỏ dầu phong lữ được thêm vào bánh nướng và bạn có thể ăn một lượng nhỏ. Tác hại của việc ăn một lượng lớn dầu phong lữ chưa được biết đến nhưng khuyến cáo không nuốt tinh dầu phong lữ.
5. Cách làm tinh dầu phong lữ tại nhà
Nếu có thời gian rảnh, bạn có thể tự làm tinh dầu phong lữ tại nhà theo các bước sau:
- Chọn cắt khoảng 12 lá phong lữ.
- Đổ đầy dầu ô liu hoặc dầu mè vào khoảng nửa miệng lọ thủy tinh nhỏ, sao cho vừa ngập hết lá.
- Đậy nắp kín lọ và phơi nắng trong một tuần.
- Lọc lấy dầu bằng vải thưa vào một lọ thủy tinh khác.
- Lúc này, bỏ thêm lá phong lữ tươi vào chai dầu.
- Đậy kín lọ và tiếp tục để trên bệ cửa sổ đầy nắng trong một tuần.
- Lặp lại các bước này mỗi tuần trong ba tuần tiếp theo. Tổng thời gian để có được tinh dầu phong lữ tại nhà là khoảng 5 tuần.
Đổ tinh dầu vào lọ có thể đậy kín nắp. Theo đó, bạn nên bảo quản tinh dầu phong lữ ở nơi khô ráo, thoáng mát. Tinh dầu phong lữ được làm theo cách này có thể sử dụng được trong vòng một năm.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
- Xịt nước hoa ở vị trí nào trên cơ thể lưu hương thơm?
- Nước hoa trong mỹ phẩm
- Dầu ô liu: Công dụng, tác dụng phụ, tương tác, tiều lượng và cảnh báo