Mục lục
Thuốc cường giao cảm là thuốc tác động trên hệ thần kinh thực vật hay gọi là hệ thần kinh tự động. Có nhiều nhóm thuốc cường giao cảm khác nhau và tác động của nó cũng có sự khác nhau.
1. Thuốc cường giao cảm là gì?
Hệ thần kinh thực vật hay còn gọi là hệ thần kinh chủ động, kiểm soát những vận động không chủ ý như trên tim, hô hấp, cơ trơn,...
Theo cấu tạo và chức năng sinh lý hệ thần kinh thực vật được chia thành hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm.
Thuốc cường giao cảm là những thuốc có tác động tăng cường hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Tuy nhiên, nó không được chia một cách chia theo cấu tạo và sinh lý của hệ thần kinh thực vật không nói lên hết tác dụng của các thuốc.
Vì vậy, một cách hợp lý hơn khi dùng thuốc, đứng về phương diện dược lý, người ta chia hệ thần kinh thực vật thành 2 hệ:
- Hệ phản ứng với Acetylcholin, gọi là hệ Cholinergic (gồm các hạch giao cảm, phó giao cảm; hậu hạch phó giao cảm; bản vận động cơ vân; một số vùng trên thần kinh trung ương). Hệ này tác động trên cả hệ giao cảm và phó giao cảm.
- Hệ phản ứng với Adrenalin, gọi là hệ Adrenergic (chỉ gồm hậu hạch giao cảm). Hệ Adrenergic chỉ tác dụng trên hệ giao cảm.
2. Các loại thuốc cường giao cảm
Như phần loại ta thấy các thuốc thuộc hệ Adrenergic có tác dụng chính trên hệ giao cảm. Nhóm thuốc này được chia thành hai loại đó là thuốc kích thích Adrenergic và thuốc ức chế Adrenergic (là thuốc điều trị cường giao cảm).
Trong đó nhóm thuốc kích thích hệ Adrenergic hay gọi là thuốc cường giao cảm trực tiếp là nhóm các thuốc có tác dụng kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp trên receptor của hệ adrenergic, từ đó làm tăng lượng catecholamin ở synap thần kinh của hệ adrenergic. Các receptor của hệ Adrenergic được chia thành hai loại đó là alpha và beta. Các nhóm thuốc cường giao cảm được chia thành các nhóm bao gồm:
- Thuốc kích thích alpha và beta-adrenergic: như Adrenalin, Noradrenalin, Dopamine.
- Thuốc kích thích trực tiếp α1-adrenergic: metaraminol, Phenylephrine, Heptaminol. và kích thích trực tiếp α2-adrenergic: Methyldopa.
- Thuốc kích thích trực tiếp β-adrenergic
- Thuốc kích thích gián tiếp hệ adrenergic: Ephedrine, Amphetamine.
2.1 Thuốc kích thích alpha và beta-adrenergic
Epinephrine hay Adrenalin
Đây là thuốc cường giao cảm thường dùng để cấp cứu trong trường hợp sốc phản vệ hoặc ngừng tim đột ngột và dùng tại chỗ để cầm máu.
Nguồn gốc nội sinh: Adrenalin hay còn được gọi là Epinephrine, được tiết ra ở nhiều nơi như ngọn sợi sau của hạch giao cảm, thần kinh trung ương nhưng nhiều nhất là tủy thượng thận.
Adrenalin được dùng làm thuốc được chiết từ tuyến tủy thượng thận của động vật và sau đó tổng hợp hóa học. Adrenalin dùng trong y học là một loại thuốc độc bảng A.
Tác dụng của Adrenalin: Tác dụng trên thần kinh giao cảm, thuốc kích thích cả receptor alpha và beta-adrenergic, nhưng tác dụng trên receptor beta mạnh hơn. Các tác dụng của adrenalin rất phức tạp, tương tự như việc kích thích hệ giao cảm. Biểu hiện tác dụng của Adrenalin trên các cơ quan và tuyến như sau:
- Trên mắt: Adrenalin làm giãn đồng tử do làm tác dụng làm co cơ tia mống mắt, dẫn đến chèn ép lên ống thông dịch nhãn cầu, gây nên tình trạng tăng nhãn áp.
- Trên tim: Thuốc kích thích receptor beta-1 ở tim, làm cho tim đập nhanh hơn, đồng thời tăng sức co bóp cơ tim, tăng lưu lượng tim, do đó tăng công của tim và tăng mức tiêu thụ oxy của tim. Vì vậy, nếu như dùng liều cao có thể gây rối loạn nhịp tim.
- Trên mạch: Adrenalin kích thích receptor alpha-1 gây co mạch một số vùng như mạch trên da và mạch tạng. Nó kích thích receptor beta-2 gây giãn mạch một số vùng như mạch não, mạch phổi, mạch vành, những mạch máu tới cơ bắp.
- Trên huyết áp: Adrenalin làm tăng huyết áp tâm thu, ít ảnh hưởng tới huyết áp tâm trương. Do đó, huyết áp trung bình chỉ tăng nhẹ. Có một điều cần đặc biệt chú ý, Adrenalin cũng có thể gây hạ huyết áp do phản xạ.
- Trên hô hấp: Adrenalin gây kích thích hô hấp nhẹ, làm giãn cơ trơn phế quản và làm giảm sự phù nề niêm mạc. Do đó, nó cũng có tác dụng cắt cơn hen phế quản. Tuy nhiên hiện nay ít khi được dùng vì gây nhiều tác dụng không mong muốn do kích thích cả beta-1.
- Trên hệ tiêu hóa: Thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn tiêu hóa, làm giảm tiết dịch tiêu hóa.
- Trên hệ tiết niệu: Có tác dụng làm giảm lưu lượng máu tới thận và ảnh hưởng tới mức lọc cầu thận, làm giãn cơ trơn nhưng co cơ vòng bàng quang làm chậm bài tiết nước tiểu, có thể gây bí tiểu.
- Trên các tuyến ngoại tiết: Giảm tiết dịch ngoại tiết như giảm tiết nước bọt, dịch vị, dịch ruột, nước mắt,...
- Trên chuyển hóa: Có tác dụng làm giảm tiết Insulin (hormon duy nhất gây giảm đường huyết), đồng thời tăng tiết glucagon và tăng tốc độ phân hủy glycogen, do đó nó làm tăng Glucose máu. Bên cạnh đó, thuốc có tác dụng tăng chuyển hóa cơ bản lên 20 - 30%, tăng tiêu thụ oxy, tăng cholesterol máu, tăng tạo hormon tuyến yên (ACTH) và tuyến tủy thượng thận cortisol.
- Trên thần kinh trung ương: Với liều điều trị, Adrenalin rất ít thấm qua hàng rào máu não, do đó hầu như không ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Khi sử dụng với liều cao, thuốc gây kích thích thần kinh trung ương, tạo cảm giác hồi hộp, bứt rứt, khó chịu, đánh trống ngực, căng thẳng, run.
Noradrenalin
Noradrenalin có các đặc điểm tác động tới cơ thể tương tự Adrenalin, chỉ khác Noradrenalin gây co mạch mạnh nên không tiêm dưới da và tiêm bắp, chỉ được dùng đường tiêm và truyền tĩnh mạch.
Tác dụng của Noradrenalin:
- Trên thần kinh trung ương: Tương tự như adrenalin.
- Trên thần kinh thực vật: Thuốc kích thích cả thụ thể alpha và beta- adrenergic nhưng tác dụng trên hệ beta rất yếu nên trên thực tế có thể coi là chỉ tác dụng trên hệ alpha.
- Trên hệ tuần hoàn: Noradrenalin ít ảnh hưởng tới tim (do nó ít tác dụng trên hệ beta), nhưng gây co mạch mạnh hơn Adrenalin (do tác dụng chủ yếu trên thụ thể alpha). Gây co hầu hết tất cả các mạch máu, co mạch vành, làm tăng sức cản ngoại vi, gây tăng cả huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, tăng huyết áp trung bình và không gây phản xạ hạ huyết áp bù trừ.
- Các tác dụng khác tương tự Adrenalin nhưng yếu hơn.
Thuốc được dùng trong trường hợp: Hạ huyết áp, trụy tim mạch do các nguyên nhân như chấn thương, nhiễm khuẩn, dùng quá liều thuốc phong bế hạch, quá liều thuốc hủy phó giao cảm,.... Phối hợp với thuốc tê để nhằm mục đích kéo dài tác dụng của thuốc tê. Cầm máu niêm mạc.
Dopamin
Dopamin là tiền chất tạo thành noradrenalin và là chất trung gian của hệ dopaminergic. Dopamin có rất ít ở ngọn giao cảm, mà tập trung chủ yếu ở thần kinh trung ương và nó có vai trò quan trọng đối với bệnh parkinson.
Tác dụng của Dopamin: Tác dụng trên hệ giao cảm mà chủ yếu là tác dụng trên tim, mạch và huyết áp. Tác dụng của Dopamin phụ thuộc vào liều dùng:
- Liều thấp: Thuốc tác dụng chủ yếu trên receptor D1, gây ra giãn mạch vành, mạch nội tạng, đặc biệt mạch thận làm tăng tốc độ lọc cầu thận và tăng lưu lượng thận.
- Liều trung bình: Tác dụng chủ yếu trên receptor beta-1, từ đó làm tăng cả nhịp tim và sức co bóp tim.
- Liều cao: tác dụng trên alpha-1 gây co mạch, tăng huyết áp.
- Dopamin chủ yếu được chỉ định dùng trong sốc các loại, đặc biệt là sốc kèm theo giảm thể tích máu hoặc vô niệu.
2.2 Thuốc tác dụng kích thích ưu tiên trên receptor alpha 1
Metaraminol (Aramin):
Tác dụng: Làm co mạch mạnh và lâu hơn Adrenalin, có thể còn do thuốc này có tác dụng kích thích giải phóng Noradrenalin, không gây giãn mạch thứ phát. Làm tăng lực co bóp của cơ tim, ít làm thay đổi nhịp tim. Không kích thích thần kinh trung ương, không ảnh hưởng đến chuyển hóa.
Chỉ định: Dùng để làm tăng huyết áp trong các trường hợp hạ huyết áp đột ngột như trong trường hợp chấn thương, nhiễm khuẩn, sốc).
Phenylephrin (neosynephrin)
Tác dụng ưu tiên trên receptor α1. Tác dụng co mạch tăng huyết áp kéo dài, nhưng không mạnh bằng Noadrenalin. Không ảnh hưởng đến nhịp tim, không kích thích thần kinh trung ương, không làm tăng glucose huyết.
Chỉ định: tương tự như noradrenalin
2.3 Thuốc kích thích receptor beta-adrenergic
Dobutamin (Dobutrex)
Tác dụng:
- Tác dụng giãn phế quản: Giãn các nhánh phế quản, đặc biệt là các phế quản nhỏ có nhiều receptor beta2-adrenergic. Khi kích thích receptor này sẽ làm tăng tổng hợp cAMP ở màng cơ trơn thành phế quản gây giãn phế quản mạnh.
- Tác dụng giãn mạch: Cũng do tác dụng kích thích Rp beta2-adrenergic từ đó gây giãn mạch cơ vận, mạch não, mạch vành, mạch gan, mạch ruột... do đó gây hạ huyết áp nhanh và mạnh.
- Tác dụng trên tim: Tác dụng cơ tim chủ yếu có các Rp beta1-adrenergic. Khi kích thích các receptor(Rp) này sẽ làm tăng tần số, tăng sức co bóp, tăng tốc độ dẫn truyền trong cơ tim, tăng tưới máu cho cơ tim.
- Tác dụng trên cơ trơn tử cung: thuốc kích thích beta2-adrenergic làm giãn cơ trơn tử cung, giảm co thắt, có thể dùng điều trị dọa sảy thai.
Chỉ định: Nhịp chậm thường xuyên; block nhĩ thất hoàn toàn ( block A – V độ III ); hen phế quản ( mức độ nhẹ và vừa ); loạn nhịp do nhồi máu cơ tim.
2.4 Thuốc kích thích giao cảm gián tiếp
Ephedrine hydrochloride
Là alkaloid từ một số loài Ma hoàng ( Ephedra sinica, E. intermedia, E. equisetina, E. vulgaris, E. distachya,... ), họ Ma hoàng ( Ephedraceae ).
Tác dụng :
- Tác dụng kích thích trên Rp alpha-adrenergic và beta-adrenergic nhưng tác dụng này yếu, tác dụng gián tiếp làm tăng giải phóng catecholamin ra khỏi nơi dự trữ, một phần nó có tác dụng trực tiếp lên các Rp.
- Trên tim mạch: Tác dụng chậm và yếu hơn 100 lần so với norepinephrine nhưng kéo dài, giúp làm tăng huyết áp từ từ và kéo dài. Vì vậy được dùng để nâng huyết áp. Tuy nhiên nếu dùng nhiều lần liền nhau thì tác dụng tăng huyết áp sẽ giảm dần (hiện tượng quen thuốc nhanh)
- Tác dụng ức chế MAO ( monoamine oxidase ): Giúp làm bền vững catecholamine ở hậu hạch giao cảm.
- Trên hệ hô hấp: Có tác dụng giãn phế quản, kích thích trung tâm hô hấp ở hành tuỷ,...
- Trên hệ thần kinh trung ương: hưng phấn nhẹ hệ thần kinh trung ương. Liều cao kích thích thần kinh trung ương, gây mất ngủ, bồn chồn, run, tăng hô hấp,...
Chỉ định: Trong khi gây tê tủy sống, nhiễm độc các thuốc ức chế thần kinh trung ương ( ethanol, morphine, thuốc ngủ barbiturate,...), dùng để nâng huyết áp và kích thích hô hấp,...
Amphetamine
Đây là thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương. Khi dùng liều nhỏ có tác dụng hưng phấn vỏ não, làm tăng khả năng làm việc trí óc,...Tuy nhiên do thuốc này hay bị lạm dụng nhiều, nó có thể dễ gây tình trạng nghiện và có thể ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan khác như hệ thần kinh, dễ gây ảo giác, tổn thương ở tim mạch, gan, hệ sinh dục... Người ta coi Amphetamine là 1 loại ma tuý tổng hợp nên hiện nay bị cấm dùng trong y học.
Các thuốc cường giao cảm được chỉ định trong một số trường hợp bệnh lý tim mạch, đường hô hấp,... một số được dùng điều trị trong trường hợp cấp cứu.
- Các trường hợp chống chỉ định tiêm tĩnh mạch
- Công dụng thuốc Lungastic 20
- Điều trị nghiện chất dạng Amphetamine