Mục lục
- 1. 1. Tăng sản không điển hình của vú là gì?
- 2. 2. Nguyên nhân gây tăng sản không điển hình của vú
- 3. 3. Biến chứng của tăng sản không điển hình của vú
- 4. 4. Khi nào cần đi khám bác sĩ
- 5. 5. Chẩn đoán tăng sản vú không điển hình
- 6. 6. Điều trị tăng sản vú không điển hình
- 7. 7. Các phương pháp để làm giảm nguy cơ xuất hiện ung thư vú
- 8. Đánh giá
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Tăng sản không điển hình vú là một tình trạng tiền ung thư có ảnh hưởng đến các tế bào trong vú. Tăng sản không điển hình mô tả sự tích lũy của các tế bào bất thường trong ống vú
1. Tăng sản không điển hình của vú là gì?
Tăng sản không điển hình của vú không phải là một dạng của ung thư vú. nhưng nó có thể diễn tiến nhanh chóng thành ung thư vú. Theo thời gian, nếu các tế bào bất thường của tăng sản vú không điển hình tiếp tục phân chia và trở nên bất thường hơn, nó có thể chuyển thành ung thư vú không xâm lấn.
2. Nguyên nhân gây tăng sản không điển hình của vú
Tăng sản không điển hình hình thành khi các tế bào vú trở nên bất thường về số lượng, kích thước, hình dạng. Ngoại hình của các tế bào bất thường sẽ xác định loại loạn sản không điển hình đang diễn ra:
- Loạn sản ống dẫn không điển hình (atypical ductal hyperplasia): Khiến các tế bào bất thường có ngoại hình tương tự như các tế bào ống dẫn sữa của vú.
- Loạn sản thùy không điển hình (atypical lobular hyperplasia): Khiến các tế bào bất thường có ngoại hình tương tự như các tế bào của thùy vú.
3. Biến chứng của tăng sản không điển hình của vú
Nếu được chẩn đoán mắc tăng sản không điển hình của vú, thì khả năng tiến triển thành ung thư vú sẽ cao.
Phụ nữ mắc tăng sản vú không điển hình nguy cơ tiến triển thành ung thư vú cao gấp 4 lần so với những phụ nữ không mắc tăng sản vú không điển hình. Nguy cơ diễn tiến thành ung thư vú giữa loạn sản ống dẫn không điển hình và loạn sản thùy không điển hình là như nhau.
Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy nguy cơ tiến triển thành ung thư vú theo thời gian của tăng sản vú không điển hình:
- Ở thời điểm 5 năm sau khi được chẩn đoán tăng sản vú không điển hình: Khoảng 7% số trường hợp được chẩn đoán tăng sản vú không điển hình sẽ tiến triển thành ung thư vú.
- Ở thời điểm 10 năm sau khi được chẩn đoán tăng sản vú không điển hình: khoảng 13% số trường hợp được chẩn đoán tăng sản vú không điển hình sẽ tiến triển thành ung thư vú.
- Ở thời điểm 25 năm sau khi được chẩn đoán tăng sản vú không điển hình: khoảng 30% số trường hợp được chẩn đoán tăng sản vú không điển hình sẽ tiến triển thành ung thư vú.
Thời điểm chẩn đoán mắc tăng sản vú không điển hình càng trẻ tuổi thì nguy cơ xuất hiện ung thư vú càng tăng, ví dụ như phụ nữ được chẩn đoán tăng sản vú không điển hình trước tuổi 45 sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư vú trong đời cao hơn.
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ
Hãy đi thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng gây lo lắng.
Tăng sản vú không điển hình thường không biểu hiện triệu chứng, nhưng kết quả chụp tuyến vú có thể xuất hiện bất thường. Tăng sản vú không điển hình thường được phát hiện ra khi thực hiện sinh thiết vú sau khi có bất thường trên kết quả chụp tuyến vú, hoặc được phát hiện ra sau khi thực hiện sinh thiết vì một lý do khác.
5. Chẩn đoán tăng sản vú không điển hình
Tăng sản vú không điển hình thường được phát hiện sau khi thực hiện sinh thiết để kiểm tra khu vực bất thường trên phim chụp tuyến vú hoặc kiểm tra bất thường phát hiện được qua khám lâm sàng.
Trong trường hợp cần đánh giá tăng sản vú không điển hình kỹ lưỡng hơn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để lấy được một mẫu mô lớn hơn mang đi kiểm tra ung thư.
6. Điều trị tăng sản vú không điển hình
Tăng sản vú không điển hình thường được điều trị bằng cách phẫu thuật loại bỏ toàn bộ những tế bào bất thường và kiểm tra chắc chắn không có ung thư biểu mô tại chỗ hay ung thư xâm lấn hiện diện tại khu vực tổn thương. Bác sĩ cũng thường khuyến cáo sàng lọc ung thư vú kĩ lưỡng cũng như chỉ định thuốc để làm giảm nguy cơ xuất hiện ung thư vú.
Các xét nghiệm để theo dõi ung thư vú: bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm nhằm tầm soát ung thư vú. Điều này giúp làm tăng khả năng phát hiện sớm ung thư vú, khiến điều trị mang lại kết quả tốt hơn. Các thăm khám và xét nghiệm có thể tiến hành bao gồm:
- Tự khám vú để phát hiện những thay đổi bất thường của vú.
- Thăm khám lâm sàng vú định kỳ với bác sĩ chuyên khoa.
- Chụp tuyến vú sàng lọc định kỳ .
- Chụp cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging - MRI) vú để sàng lọc, dựa trên các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như mật độ của vú, tiền sử gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ về di truyền đã phát hiện.
7. Các phương pháp để làm giảm nguy cơ xuất hiện ung thư vú
Các phương pháp để làm giảm nguy cơ xuất hiện ung thư vú bao gồm:
- Sử dụng các thuốc phòng ngừa: Như tamoxifen hoặc raloxifene (Evista), dùng kéo dài 5 năm có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Tamoxifen là thuốc duy nhất được phê chuẩn sử dụng cho các phụ nữ tiền mãn kinh, còn đối với phụ nữ mãn kinh có thể có các lựa chọn khác như exemestane (Aromasin) và anastrozole (Arimidex).
- Tránh nội tiết tố liệu pháp sau khi mãn kinh: Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng liệu pháp nội tiết tố kết hợp dùng điều trị triệu chứng mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú ở những phụ nữ đã mãn kinh.
- Cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ vú: đối với những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú rất cao, có thể cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật cắt bỏ một hoặc cả 2 vú để làm giảm nguy cơ xuất hiện ung thư vú trong tương lai.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam có khả năng triển khai Tầm soát ung thư vú bằng việc kết hợp 4 công nghệ: xét nghiệm gen, nội soi, siêu âm và xét nghiệm miễn dịch. Trong đó, sàng lọc ung thư công nghệ gen đang là phương pháp được coi là bước đột phá của y học.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org
- Nổi hạt nhỏ ở nhũ hoa là bị làm sao?
- Tăng sản tuyến vú (ống tuyến vú và tiểu thùy tuyến vú)
- Tình trạng mất sữa có ảnh hưởng gì và cách để gọi sữa về nhiều?