Mục lục
Xuất huyết phổi ở trẻ em là hiện tượng trào máu từ ống nội khí quản ra ngoài kèm theo lâm sàng trở nặng. Bệnh thường xảy ra ở những trẻ có bệnh lý cấp tính và đang thở máy. Nếu không cung cấp đủ oxy, xử trí chấm dứt vùng chảy máu thì trẻ sẽ đối mặt với nguy cơ suy hô hấp và tử vong.
1. Xuất huyết phổi là gì?
Xuất huyết phổi được định nghĩa là hiện tượng máu đỏ tươi trào từ ống nội khí quản ra ngoài kèm lâm sàng trở nặng. Bệnh xảy ra phổ biến ở những trẻ có bệnh lý cấp tính (trẻ sinh non tháng, trẻ suy dinh dưỡng bào thai, bệnh tim bẩm sinh, các rối loạn chuyển hóa...) cần phải thở máy.
Xuất huyết phổi thường gặp trong 2 – 4 ngày tuổi đầu ở các trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, trẻ sinh non, trẻ bị suy giảm chức năng hô hấp nặng với các triệu chứng gồm tím tái, thở rút lõm lồng ngực, nhịp tim chậm hoặc ngưng thở. Tỷ lệ tử vong sau xuất huyết phổi rất cao. Chính vì thế cần xử trí kịp thời và cần một đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu sơ sinh.
Trong khi xử trí tình trạng xuất huyết phổi cần thăm khám kỹ để phát hiện xem trẻ có bị chảy máu ở những nơi nào khác không để từ đó nghĩ đến nguyên nhân do các bệnh lý đông cầm máu và chỉ định xét nghiệm phù hợp vì bệnh lý này có thể làm nặng thêm tình trạng xuất huyết phổi ở trẻ sơ sinh.
2. Nguyên nhân gây xuất huyết phổi ở trẻ
Xuất huyết phổi ở trẻ thường do nguyên nhân nguyên phát và thứ phát.
Nguyên nhân nguyên phát hay còn gọi là xuất huyết thực sự. Trong trường hợp này Hct của máu trong nội khí quản gần bằng với Hct tĩnh mạch của trẻ. Máu chảy ra ngoài bắt nguồn từ các sang chấn trong quá trình đặt nội khí quản, hút nhớt mạnh bạo sau sinh hoặc chấn thương màng phổi; hít phải máu mẹ; xuất huyết nội tạng.
Nguyên nhân thứ phát là nguyên nhân hay gặp hơn, bao gồm xuất huyết thứ phát từ ống động mạch PDA trong bệnh còn ống động mạch - một trong những bệnh tim bẩm sinh, liệu pháp surfactant xảy ra trong vòng vài giờ sau khi bơm surfactant, suy tim trái...
3. Triệu chứng của xuất huyết phổi
Các triệu chứng nhận biết trẻ bị xuất huyết phổi bao gồm:
- Tình trạng của trẻ đột ngột trở nặng cùng với tình trạng có máu đỏ tươi trào vào đường thở và ra ngoài thông qua ống nội khí quản;
- Toàn thân trẻ tái nhợt, mềm nhũn và phản xạ kém, chống lại máy thở hoặc cũng có thể bình thường;
- Nếu nguyên nhân gây xuất huyết phổi do các bệnh lý hệ thống sẽ phát hiện thêm các dấu hiệu của viêm phổi, nhiễm trùng, suy tim sung huyết,...;
- Nếu trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh sẽ thấy có phù ngoại vi, âm thổi ở tim;
- Nghe phổi trẻ có giảm thông khí 2 bên.
4. Kết quả xét nghiệm trong xuất huyết phổi
Khi nghi ngờ xuất huyết phổi, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp sau để chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp:
- Công thức máu và đếm tiểu cầu: Nếu có nhiễm trùng sẽ tăng bạch cầu đa nhân trung tính.Thường kèm theo tình trạng giảm tiểu cầu. Nếu lượng máu mất nhiều thì Hct tăng lên;
- Chức năng đông cầm máu;
- Khí máu động mạch: Để đánh giá tình trạng suy hô hấp và toan chuyển hóa ở trẻ;
- Apt test: Khi nghi ngờ hít phải máu mẹ;
- Xquang ngực thẳng: Đốm hoặc nốt mờ khu trú hoặc lan tỏa hai bên phế trường tạo hình ảnh phổi trắng xóa toàn bộ;
- Siêu âm tim: Đánh giá còn ống động mạch (PDA).
5. Xử trí cấp cứu xuất huyết phổi ở trẻ
Khi chẩn đoán trẻ bị xuất huyết phổi, cần xử trí theo các bước sau:
- Hút máu trong nội khí quản mỗi 15 phút cho đến khi máu được cầm. Điều này rất quan trọng vì dịch tiết hoặc máu quá nhiều sẽ làm tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp và tử vong;
- Tăng nồng độ oxy trong khí hít vào;
- Cân nhắc sử dụng thông khí cơ học;
- Tăng áp lực dương cuối kỳ thở ra để tạo áp lực chèn vào các mao mạch phổi mục đích để cầm máu.
Xử trí chung:
- Bồi phụ thể tích tuần hoàn;
- Theo dõi tri giác, mạch, nhiệt, huyết áp thường xuyên;
- Nếu có tình trạng toan chuyển hóa thì truyền Bicarbonate;
- Quan trọng nhất là điều trị nguyên nhân gây ra xuất huyết phổi.
6. Phòng xuất huyết phổi ở trẻ
Xuất huyết phổi là một bệnh lý cấp tính. Bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh từ 2 – 4 ngày tuổi. Tỷ lệ tử vong cao hơn ngay sau khi bị xuất huyết phổi và nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh có thể lên tới 50%. Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết phổi ở trẻ sơ sinh. Để giảm thiểu tình trạng này thì cần quản lý thai kỳ thật tốt để trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân nặng và khỏe mạnh.
Phụ nữ mang thai nên có một chế độ ăn hợp lý bổ sung đủ các loại rau xanh và đủ dầu mỡ tự nhiên vì đây là nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin K.
Nên sinh con ở những bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại nhằm xử trí tốt các tai biến trong lúc sinh hoặc điều trị cấp cứu sơ sinh kịp thời trong trường hợp trẻ mới sinh ra gặp những bệnh lý phức tạp. Quan trọng hơn cả là đội ngũ y bác sỹ cần phải có chuyên môn vững vàng để có phương pháp điều trị đúng đắn kịp thời không để xảy ra tai biến và di chứng về sau cho trẻ.
- Mang thai tháng thứ mấy nên bổ sung sắt?
- Thế nào là suy dinh dưỡng bào thai?
- Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng bào thai tới sự phát triển của trẻ