Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nghiệm pháp rượu ethanol thường được sử dụng để đo nồng độ cồn trong máu. Lượng rượu trong máu sẽ đạt ở ngưỡng cao nhất sau khoảng 1 giờ uống, tuy nhiên một số loại thức ăn có trong dạ dày có thể sẽ làm tăng thời gian cần thiết để đo được lượng rượu trong máu đạt ở mức cao nhất.
1. Ethanol là gì?
Ethanol là một chất ức chế thần kinh trung ương được tìm thấy trong các đồ uống có chứa cồn. Khi cơ thể bị ức chế quá mức bởi ethanol có thể gây ra tình trạng hôn mê và tử vong khi nồng độ cồn trong máu đạt ngưỡng 300mg/dL.
Ethanol có nguồn gốc từ quá trình lên men carbohydrate với nấm men, nó thực chất là một chất lỏng không màu trong suốt và dễ bay hơi, có vị cay và mùi đặc trưng, được tạo thành ở nhiệt độ sôi 78,5 độ C, nhiệt độ nóng chảy 114,1 độ C và. Ethanol có công thức cấu tạo là C2H5OH và tỷ trọng: d=0,789 g/mL.
Sau khi được uống vào cơ thể, sẽ có khoảng 20% ethanol được hấp thụ vào dạ dày và 80% được hấp thụ tại ruột non. Khi vào đến gan, 90% ethanol sẽ chuyển hóa và có một phần nhỏ được bài tiết nguyên dạng qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu. Ethanol gây độc trên hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể người, một số triệu chứng ngộ độc rượu có liên quan đến tác dụng của chất chuyển hóa acetaldehyde. Chính vì thế, việc lạm dụng rượu có khả năng gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
2. Chỉ định nghiệm pháp rượu ethanol khi nào?
Nghiệm pháp rượu ethanol thường được chỉ định thực hiện trong trường hợp:
- Để kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với người tham gia giao thông
- Kiểm tra lượng cồn ở người nghi ngờ say rượu với các triệu chứng ngộ độc rượu, tìm nguyên nhân của tình trạng thay đổi tâm thần, chẳng hạn như suy nghĩ không rõ ràng, hôn mê hoặc nhầm lẫn.
3. Thực hiện nghiệm pháp rượu ethanol
Quá trình thực hiện nghiệm pháp rượu ethanol rất đơn giản, sẽ không cần phải chuẩn bị gì nhiều, các bước thực hiện bao gồm:
Bước 1: Sát trùng vị trí chọc tĩnh mạch lấy máu bằng dung dịch sát khuẩn không có Ether, cồn..L
Bước 2: Lấy 3ml máu tĩnh mạch vào ống không có chất chống đông hay ống có chất chống đông là Li-Heparin và EDTA, đảm bảo nút chặt và kín ống nghiệm.
Bước 3: Chuyển máu để thực hiện nghiệm pháp rượu ethanol tới phòng xét nghiệm trong vòng 30 phút.
Đọc kết quả nghiệm pháp rượu ethanol:
- Nồng độ Ethanol 10.9 - 21.7 mmol/l: Biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén.
- Nồng độ Ethanol > 21.7 mmol/l: Bệnh nhân có biểu hiện ức chế thần kinh trung ương, phản ứng chậm, loạng choạng, mất ý thức, nôn mửa, rối loạn thị lực, giảm thân nhiệt, hạ đường huyết, giảm phản xạ, suy hô hấp.
- Nồng độ Ethanol > 86.8 mmol/l: Có thể gây ra nguy hại cho tính mạng.
4. Yếu tố gây sai sót cho kết quả xét nghiệm
Kết quả nghiệm pháp rượu ethanol sẽ không bị ảnh hưởng khi tan huyết, huyết thanh vàng. Tuy nhiên, kết quả có thể sai lệch khi người bệnh dùng đồng thời một số loại thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc an thần, barbiturat, diazepam, isoniazid, meprobamat, opiat...
Rượu có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người uống, đặc biệt với những người có thói quen nghiện rượu. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân thì mỗi người nên chủ động từ bỏ thói quen không tốt này, nếu trong trường hợp bắt buộc phải uống thì hãy uống rượu đúng cách để hạn chế tối đa tác hại của rượu đến sức khỏe của bản thân.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ , hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại, dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
- Uống rượu đúng cách: Những điều cần lưu ý
- Nên sát khuẩn tay bằng cồn trong bao nhiêu giây để đảm bảo an toàn?
- Thuốc giải rượu có hiệu quả và an toàn?