Mục lục
Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Tiểu máu ở người lớn là tình trạng thường gặp và cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Để điều trị tiểu máu ở người lớn hiệu quả thì bác sĩ cần dựa vào nguyên nhân và mức độ người bệnh đang gặp phải.
1. Tiểu máu là gì?
Tiểu máu là tình trạng có hồng cầu trong nước tiểu. Nước tiểu bình thường không có chứa hồng cầu. Các đơn vị lọc của thận giúp ngăn hồng cầu không đi vào nước tiểu. Khi nước tiểu bạn có hồng cầu thì có thể là do phát sinh từ các đơn vị lọc của thận hoặc từ đường niệu (bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo).
Tiểu máu được phân thành tiểu máu vi thể (mắt thường không nhìn thấy được, quan sát qua kính hiển vi) và tiểu máu đại thể (nước tiểu sẽ có màu đỏ, hồng hoặc màu trà đậm và màu cola).
2. Các nguyên nhân gây tiểu máu ở người lớn
Tiểu máu ở người lớn là tình trạng thường gặp và cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, gồm:
- Viêm bể thận, niệu quản, bàng quang, tiền liệt tuyến (ở nam) và niệu đạo;
- Bất thường cấu trúc của đường tiểu: Thận có nang (các túi chứa dịch) hoặc bị tắc nghẽn có thể gây tiểu máu. Siêu âm có thể giúp tìm nguyên nhân tiểu máu trong trường hợp này.
- Các bệnh di truyền, ví dụ bệnh thận đa nang, bệnh sickle cell hoặc hemophilia;
- Mất cân bằng khoáng chất trong nước tiểu: Nồng độ calcium cao trong nước tiểu có thể gây tiểu máu. Tiểu máu ở người lớn có thể không đau hoặc gây đau ở vùng thận kèm cảm giác tiểu rát, nóng. Những bệnh nhân này thường gia đình có tiền sử bị sỏi thận và họ cũng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này, nhưng dưới 10-15%. Hầu hết bệnh nhân tiểu máu vi thể do nguyên nhân này không cần điều trị trừ khi họ có sỏi thận.
- Viêm cầu thận: Là nguyên nhân thường gặp gây tiểu máu. Có nhiều dạng bệnh viêm cầu thận, một số nhẹ và tự khỏi, trong khi một số khác có tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và cần điều trị. Xét nghiệm máu giúp xác định chẩn đoán. Sinh thiết thận có thể cần làm để tìm ra chính xác tình trạng bệnh lý cầu thận.
- Trong một vài trường hợp không tìm thấy nguyên nhân tiểu máu (tiểu máu vô căn): "Vô căn" nghĩa là không thấy rõ nguyên nhân gây tiểu máu. Trường hợp này có thể có tính chất gia đình hoặc không. Khi bệnh nhân không có tiền sử gia đình tiểu máu và những xét nghiệm chẩn đoán khác bình thường, thì không cần điều trị.
3. Xét nghiệm nào giúp chẩn đoán tiểu máu ở người lớn?
Bệnh nhân có tiểu máu vi thể nhưng huyết áp và chức năng thận bình thường thì cần theo dõi xét nghiệm nước tiểu sau vài tháng (3-6 tháng). Nếu máu vẫn có trong nước tiểu thì cần:
- Thực hiện siêu âm thận;
- Kiểm tra nước tiểu có đạm? Nồng độ calci? Creatinine?
- Xét nghiệm máu đánh giá chức năng thận và các xét nghiệm khác theo đánh giá của bác sĩ;
- Nếu tất cả xét nghiệm đều bình thường và vẫn có tiểu máu thì cần theo dõi xét nghiệm máu trong nước tiểu hàng năm.
Trường hợp bệnh nhân tiểu máu và tăng huyết áp, xét nghiệm máu bất thường, tiền sử gia đình có bệnh thận hoặc đạm niệu tăng cao thì cần làm sinh thiết thận để chẩn đoán.
4. Tiểu máu ở người lớn điều trị thế nào?
Điều trị tiểu máu ở người lớn dựa vào nguyên nhân. Bác sĩ cần tìm nguyên nhân tiểu máu của bệnh nhân và dựa trên đó để quyết định điều trị. Ví dụ nếu tiểu máu do nhiễm trùng thì bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh. Nếu không tìm thấy nguyên nhân nghiêm trọng nào thì tiểu máu không cần điều trị, tuy nhiên bệnh nhân cần theo dõi định kỳ theo chỉ định bác sĩ.
Tóm lại, tiểu máu ở người lớn là căn bệnh nguy hiểm và rất khó phát hiện. Để biết được bản thân mình có bị mắc bệnh hay không thì bạn cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu hoặc sàng lọc bệnh tiết niệu. Từ đó sẽ có hướng phòng ngừa và điều trị bệnh nếu có.
Tài liệu tham khảo: Kidney.org
- Tiểu máu vi thể là bệnh gì?
- Cần làm gì khi có kết quả xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính?
- Tiểu máu đại thể trong viêm cầu thận cấp