Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Vưu Khánh Linh - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Theo thống kê, cứ 7 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị tiểu đường thai kỳ. Đây là căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Vưu Khánh Linh - Vinmec Phú Quốc, cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân khiến thai phụ bị tiểu đường thai kỳ vẫn chưa được biết rõ.
Tuy nhiên, có một số giả thuyết cho rằng: Trong quá trình phát triển của nhau thai tiết ra một số chất kháng insulin nên hình thành bệnh đái tháo đường thai kỳ ở tuần 24-28.
Về vấn đề “tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?” hay “tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng gì không?”, Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Vưu Khánh Linh cho rằng, khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ gây ra một số ảnh hưởng nhất định:
Đối với bé:
- Có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh do đường huyết của mẹ tăng cao và không được kiểm soát tốt;
- Bé có nguy cơ bị đột tử trong tử cung;
- Bé sẽ phát triển to hơn những em bé bình thường;
- Sau sinh, bé có nguy cơ gặp phải rối loạn chuyển hóa;
- Bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ có phổi chậm trưởng thành hơn những bé khác;
Bị tiểu đường thai kỳ gây ảnh hưởng đến mẹ:
- Bị tiểu đường thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ sản giật và tiền sản giật;
- Tăng nguy cơ mổ lấy thai;
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ;
- Về lâu dài, bị tiểu đường thai kỳ có thể tiến triển thành đái tháo đường type 2;
Với những nguy cơ trên thì có thể trả lời cho những thắc mắc “tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?” hay “tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng gì không?” là có nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng này bằng cách quản lý thai kỳ chặt chẽ, khám thai định kỳ, sàng lọc trước sinh đầy đủ. Để bảo vệ sức khỏe thai kỳ, mẹ cần sàng lọc bị tiểu đường thai kỳ từ tuần 24-28. Nếu mắc phải thì cần tuân thủ chặt chẽ việc điều trị.
- Tiểu đường thai kỳ có tự hết sau khi đã sinh con?
- Chế độ ăn cho người bị tiểu đường thai kỳ
- Làm sao để có thai kỳ khỏe mạnh cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường?