Mục lục
Bài viết được duyệt chuyên môn cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Hormon tăng trưởng GH là một liệu pháp thay thế hormone, thường được dùng trong điều trị trẻ chậm phát triển do thiếu hormone tăng trưởng. Việc tiêm hormon tăng trưởng không theo chỉ định Bác sĩ có thể gây ra các tác dụng phụ nhất định.
1. Tiêm hormon tăng trưởng có tác dụng phụ gì không?
Mặc dù tiêm hormone tăng trưởng là cách thức điều trị tương đối an toàn và hiệu quả để điều trị các trường hợp trẻ em chậm phát triển do thiếu hormone tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mắc phải một vài tác dụng phụ nếu không tuân thủ phác đồ điều trị. May mắn thay, các tác dụng phụ nghiêm trọng là rất hiếm gặp. Trong khi đó, sưng, tê, đau khớp và đau cơ bắp là những tác dụng phụ thường gặp nhất khi tiêm hormon tăng trưởng.
Một số bệnh nhân có thể mắc bệnh đái tháo đường như là một tác dụng phụ khi tiêm hormon tăng trưởng. Lúc này, các bệnh nhân cần phải điều chỉnh liều lượng thuốc điều trị tiểu đường trong quá trình điều trị bằng hormone tăng trưởng song song. Ngoài ra, bệnh nhân nên được theo dõi cẩn thận nếu hormone tăng trưởng được sử dụng cùng với liệu pháp glucocorticoid và / hoặc các loại thuốc khác có nguyên lý tác dụng tương tự.
Đối với trẻ từng bị ung thư, việc điều trị bằng hormone tăng trưởng có thể làm tăng nguy cơ hình thành khối u mới, đặc biệt là một số khối u não lành tính. Nguy cơ này có thể cao hơn ở những bệnh nhân được điều trị bằng xạ trị sọ não.
Một số hiếm bệnh nhân điều trị bằng hormone tăng trưởng bị tăng áp lực trong não. Điều này có thể gây đau đầu và các vấn đề về thị lực, nên ngừng điều trị và đánh giá lại ở những bệnh nhân này. Trẻ mắc hội chứng Turner và hội chứng Prader-Willi có thể có nguy cơ cao bị tăng áp lực trong não so với các trẻ khác khi được tiêm hormon tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chức năng tuyến giáp của trẻ nên được kiểm tra thường xuyên trong quá trình điều trị bằng hormone tăng trưởng để kịp thời điều chỉnh nếu cần. Đồng thời, trẻ được điều trị bằng hormone tăng trưởng mà đang sử dụng glucocorticoid kèm theo nên được kiểm tra thường xuyên nồng độ cortisol trong huyết thanh.
Ở trẻ em tăng trưởng nhanh, độ cong của cột sống có thể phát triển xấu đi cũng là tác dụng phụ của tiêm hormon tăng trưởng nếu không được theo dõi chặt chẽ. Đây còn được gọi là chứng vẹo cột sống mắc phải do thuốc. Trẻ bị cong vẹo cột sống nên được kiểm tra thường xuyên để kiểm soát tình trạng vẹo cột sống trong quá trình điều trị bằng hormone tăng trưởng. Nếu quan sát thấy một đứa trẻ được điều trị bằng liệu pháp hormone tăng trưởng bắt đầu có dáng đi bất thường, việc tập đi của trẻ cần phải được can thiệp điều chỉnh sớm.
Một số trường hợp viêm tụy đã được báo cáo là tác dụng phụ của tiêm hormon tăng trưởng ở trẻ em và cả người lớn nhưng có tỷ lệ hiếm gặp. Một số bằng chứng cho thấy nguy cơ này ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn. Bên cạnh đó, các tài liệu còn cho thấy những bé gái mắc hội chứng Turner có thể có nguy cơ bị viêm tụy cao hơn những đứa trẻ khác đang dùng hormone tăng trưởng. Tuy vậy, ở bất kỳ trẻ nào bỗng xuất hiện cơn đau bụng dữ dội, kéo dài, nên nghĩ đến viêm tụy cấp như tác dụng phụ của thuốc.
2. Làm sao để tiêm hormon tăng trưởng an toàn?
Để đảm bảo tiêm hormon tăng trưởng an toàn, cần lưu ý các vấn đề sau:
- Không nên sử dụng hormone tăng trưởng để tăng chiều cao cho trẻ sau khi các đĩa tăng trưởng ở đầu xương đã đóng lại.
- Hormone tăng trưởng cũng không nên được sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường bị bệnh võng mạc tiểu đường.
- Hormone tăng trưởng không nên được sử dụng cho những bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, hoặc những người đang được điều trị bệnh ung thư. Sự thiếu hụt hormone tăng trưởng có thể do khối u não gây ra. Vì vậy, nên loại trừ sự hiện diện của những khối u não này trước khi bắt đầu điều trị. Không nên sử dụng hormone tăng trưởng nếu nghi ngờ khối u não tái phát hoặc đang tiến triển.
- Hormone tăng trưởng không nên được sử dụng cho những bệnh nhân bị bệnh nặng do phẫu thuật, chấn thương hoặc suy hô hấp.
- Hormone tăng trưởng không nên được sử dụng cho trẻ em mắc hội chứng Prader-Willi, những trẻ rất thừa cân hoặc có vấn đề về hô hấp nghiêm trọng.
Ngoài ra, không nên tiêm hormon tăng trưởng cho những bệnh nhân đã bị dị ứng hoặc phản ứng xấu với somatropin hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
3. Các đối tượng cần phải cân nhắc trước khi tiêm hormon tăng trưởng
Hormone tăng trưởng chỉ nên được sử dụng trong thai kỳ nếu thực sự cần thiết. Cần thận trọng khi sử dụng cho các bà mẹ đang cho con bú vì không biết liệu hormone tăng trưởng có được truyền vào sữa mẹ hay không.
Bên cạnh đó, phụ nữ đang bổ sung estrogen bằng đường uống vẫn có thể dùng hormon tăng trưởng nhưng các đối tượng này có thể cần một liều lượng hormone lớn hơn.
Mặt khác, người cao tuổi có thể được tiêm hormon tăng trưởng nếu đúng chỉ định. Tuy nhiên, người cao tuổi cần được theo dõi sát quá trình điều trị vì đây là các trường hợp thường có thể có nhiều khả năng bị tác dụng phụ với liệu pháp hormone tăng trưởng.
Tóm lại, mặc dù ít gặp, tiêm hormon tăng trưởng có một số tác dụng phụ có thể xảy ra, bao gồm phát ban và đau tại chỗ tiêm, sốt, đau khớp, tăng áp nội sọ, đái tháo đường do đề kháng insulin, vẹo cột sống tiến triển. Tuy nhiên, ở trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng, đây là liệu pháp duy nhất và cần điều trị kéo dài. Theo đó, cha mẹ cần biết các phản ứng bất lợi này và báo cho bác sĩ để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk
- Siêu âm doppler xuyên sọ
- Hướng dẫn đọc phim chụp X - quang sọ não ở tư thế thẳng và nghiêng
- Siêu âm Doppler xuyên sọ là gì? Ứng dụng của nó trong lâm sàng như thế nào?