Mục lục
Trẻ em 9 tháng tuổi đang bước vào giai đoạn phát triển nhiều về thể chất và trí tuệ. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt là đối với trẻ 9 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng thì cha mẹ nên xây dựng thực đơn như thế nào để giúp trẻ phát triển tốt hơn về thể chất và trí tuệ?
1. Trẻ 9 tháng bị suy dinh dưỡng có cân nặng bao nhiêu kg?
Cân nặng và chiều cao của trẻ là mối quan tâm lớn nhất đối với các bậc cha mẹ, bởi lẽ đây là các chỉ số phản ánh sự phát triển về mặt thể chất của trẻ. Các bậc cha mẹ thường câu hỏi liệu rằng bé 9 tháng tuổi có cân nặng bao nhiêu thì bị suy dinh dưỡng, để từ đó cha mẹ có thể xây dựng chế độ phát triển tốt nhất cho trẻ. Theo đó, trẻ em ở mỗi giai đoạn sẽ có tốc độ phát triển khác nhau, chúng tùy thuộc vào các khía cạnh trong cuộc sống như môi trường sống, yếu tố di truyền, tình trạng dinh dưỡng... Cha mẹ có thể xác định xem bé có đang phát triển với tốc độ khỏe mạnh về cân nặng hay không bằng cách dựa vào bảng cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi do Tổ chức Y tế thế giới công bố (WHO). Theo đó, trẻ 9 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng khi mức cân nặng thấp hơn 6,6 kg đối với bé gái và mức cân nặng thấp hơn 7,2 kg đối với bé trai.
Bé 9 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng đồng nghĩa với việc cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhi và xây dựng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm giúp trẻ phát triển tốt nhất cả về thể chất và tinh thần.
2. Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ em 9 tháng tuổi
Đối với trẻ em ở giai đoạn phát triển, đặc biệt là các bé 9 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, việc cha mẹ hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng của bé sẽ giúp bé phát triển chiều cao và cân nặng trong giai đoạn này một cách tốt nhất. Bên cạnh sữa mẹ, trẻ cần được bổ sung thêm dinh dưỡng qua các bữa ăn dặm. Cha mẹ nên xây dựng khẩu phần ăn cho bé 9 tháng tuổi gồm 3 bữa chính và ít nhất 2 bữa phụ với đầy đủ các chất dinh dưỡng như sau:
- Trung bình khoảng 500 – 600 ml Sữa mẹ trong một ngày cho trẻ.
- Thực đơn trong 3 bữa chính có thể luân phiên thay nhau như cơm nhão, bột, thịt/cá, cháo ăn dặm, dầu ăn, rau xanh và trái cây. Trong đó, lượng dinh dưỡng chứa trong bữa ăn bao gồm 15g dầu (mỡ), rau xanh, trái cây, 60 – 90 g gạo tẻ trắng, 60 – 90g thịt (tôm, cá..)...
- Thực đơn trong 3 bữa phụ có thể chứa các loại thức ăn dễ tiêu hóa như như phô mai, yaourt, bánh quy, trái cây,...
Thực đơn ăn dặm cho trẻ 9 tháng tuổi cần đảm bảo cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cơ bản gồm protein, lipid, tinh bột, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nhiều loại thực phẩm chứa tinh bột như gạo, yến mạch, lúa, mì, các loại đậu.. Thực phẩm chứa nhiều chất đạm như tôm, thịt, cá, lòng đỏ trứng... Các loại rau xanh, sữa như yaourt, phô mai, bơ là những thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, để em bé 9 tháng tuổi phát triển cân nặng đạt tiêu chuẩn, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề trong chế độ ăn dặm cho trẻ. Trẻ em ở độ tuổi này đã bắt đầu mọc răng và tập nhai tập nhai, nên các bậc cha mẹ có thể cho bé ăn bột ăn dặm, cháo nguyên hạt và các loại rau củ băm nhuyễn mà không cần xay hay nghiền nát như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tập cho bé ăn bốc với các loại thức ăn như rau củ, trái cây... như vậy sẽ giúp bé khám phá mùi vị thức ăn và khuyến khích bé tập nhai, hào hứng với bữa ăn và ăn ngon miệng hơn.
Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ nên được luân phiên thay đổi thường xuyên, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và cần tăng cường cung cấp kẽm, sắt trong thực đơn của trẻ như thịt đỏ, hàu, tôm, gan gà, gan lợn... Cha mẹ cũng cần lưu ý trẻ ở 9 tháng tuổi chưa ăn được các thức ăn như lòng trắng trứng, sữa tươi, các loại hải sản có vỏ cứng như sò, ốc, trai... vì có nguy cơ dị ứng thực phẩm cao. Bé cũng cần được cung cấp nước đầy đủ để tránh táo bón.
3. Thực đơn cho bé 9 tháng tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng
Cùng với việc xây dựng chế độ dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng ở giai đoạn bé 9 tháng tuổi, cha mẹ có thể bổ sung vào chế độ ăn dặm của bé các thực đơn cho dành cho trẻ 9 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng như sau:
- Bột lạc được nấu bởi các nguyên liệu gồm 25 g bột gạo tẻ (tương đương 5 thìa cà phê), 20 g lạc rang chín giã nhỏ (tương đương 4 thìa cà phê), 1 thìa cà phê rau xanh và 1 bát nước con.
- Bột đậu xanh kết hợp bí đỏ được nấu bởi các nguyên liệu gồm 15 g bột gạo (tương đương 3 thìa cà phê), 15 g bột đậu xanh ( tương đương 3 thìa cà phê), 40 g bí đỏ được cắt thành miếng nhỏ và nghiền nát, 1 thìa cà phê dầu ăn và 1 bát nước con.
- Bột tôm được nấu từ các nguyên liệu gồm 24 g bột gạo tẻ (tương đương 5 thìa cà phê), 15 g tôm tươi đã được bóc vỏ và giã nhỏ, 2 thìa cà phê rau xanh giã nhỏ, 1,5 thìa cà phê dầu ăn và 1 bát nước con.
- Bột thịt được nấu từ các nguyên liệu gồm 25 g bột gạo tẻ (tương đương 5 thìa cà phê), 16 g thịt nạc, 2 thìa cà phê rau xanh giã nhỏ, 1 thìa cà phê dầu ăn và 1 bát nước con.
- Bột cá được nấu từ các nguyên liệu gồm 25 g bột gạo tẻ (tương đương 5 thìa cà phê), 15 g cá quả đã được gỡ bỏ xương, 2 thìa cà phê rau xanh giã nhỏ, 1 thìa cà phê dầu ăn và 1 bát nước con.
- Bột gan (gan gà, gan lợn) được nấu từ các nguyên liệu gồm 25 g bột gạo tẻ (tương đương 5 thìa cà phê), 15 g gan gà hoặc gan lợn đã được băm nhỏ, 2 thìa cà phê rau xanh giã nhỏ, 1 thìa cà phê dầu ăn và 1 bát nước con.
Như vậy, thực đơn dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi bị thiếu cân nên được cha mẹ thay đổi luân phiên nhằm đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất giúp trẻ hấp thu và phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
- Vì sao trẻ ăn nhiều mà không tăng cân, tăng chiều cao nhiều?
- Hướng dẫn đầy đủ về ăn dặm theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia
- Rốn trẻ sơ sinh bị lồi: Sẽ tự khỏi hay cần điều trị?