Mục lục
Khi trẻ được 10 tháng tuổi, lúc này trẻ đã quen dần với những bữa ăn ngoài bú mẹ. Thực đơn ăn dặm của trẻ ở giai đoạn này khá đa dạng, đồng thời khả năng ăn thô của trẻ cũng đã tốt hơn nên trẻ có thể ăn được nhiều loại thức ăn. Bài viết sẽ hướng dẫn thêm cho cha mẹ cách cho trẻ ăn dặm đúng và phù hợp với trẻ 10 tháng tuổi.
1. Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn của trẻ 10 tháng
Khi trẻ 10 tháng tuổi, trẻ có thể sử dụng các loại rau, ngũ cốc, sữa chua không đường, phô mai, thịt... tuy nhiên trẻ vẫn cần được cung cấp chất dinh dưỡng dễ hấp thu nhất từ sữa mẹ. Hầu hết trẻ ở độ tuổi này đã mọc răng và có thể cắn được các loại thực phẩm, nhưng trẻ chưa thể thực hiện nhai một cách thành thục. Do vậy, cha mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp với trẻ để trẻ có thể thực hiện nghiền thức ăn bằng răng cửa và nướu trước.
Trẻ khi ở lứa tuổi này gần như có thể sử dụng các loại thức ăn tương tự như người trưởng thành. Cha mẹ nên bổ sung đầy đủ thực phẩm theo bốn nhóm để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Thực đơn ăn dặm cho bé 10 tháng cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm có chứa các nhóm chất dinh dưỡng cơ bản bao gồm bột đường, đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Nhóm chất bột đường bao gồm: Gạo, yến mạch, lúa mì và các loại đậu.... Nhóm chất đạm bao gồm: Thịt, cá, tôm, cua, lòng đỏ trứng... Nhóm vitamin và chất khoáng bao gồm tất cả các loại rau củ quả, trái cây, đặc biệt những loại rau có lá màu xanh đậm hoặc các loại trái cây họ cam quýt.
Ở giai đoạn này cha mẹ cha mẹ cần tập cho bé kỹ năng khi tham gia bữa ăn chẳng hạn như kỹ năng tự bốc thức ăn hay xúc thức ăn của trẻ. Trong những lần đầu tiên trẻ tập xúc thức ăn có thể trẻ sẽ thực hiện rất vụng về thậm chí có thể làm rơi, vãi, nhưng cha mẹ nên kiên nhẫn cùng trẻ luyện tập. Chỉ cần sau một thời gian ngắn thì các kỹ năng của trẻ có thể trở nên thành thạo hơn. Dần dần trẻ có thể phát triển và thực hiện phối hợp với các cơ quan khác của cơ thể. Và khi đó, trẻ có thể tự lập trong việc thực hiện các công việc cá nhân hơn.
Cha mẹ nên thực hiện thực đơn ăn dặm 10 tháng cho trẻ với số lượng bữa có thể khoảng 3 đến 4 bữa/ngày và xen kẽ với các bữa ăn dặm trẻ nên được ăn một cữ sữa mẹ. Cùng với việc thực hiện chế độ ăn dặm hợp lý thì trẻ cũng nên được bổ sung từ 700ml đến 950ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày.
1.1. Những loại thực phẩm tố cho trẻ 10 tháng tuổi
Khi lựa chọn thực phẩm để chuẩn bị cho thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 10 tháng, cha mẹ có thể sử dụng một số thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển cũng như an toàn đối với trẻ bao gồm: Rau nấu chín - đậu Hà Lan, cải bó xôi, cà rốt, khoai tây, bí, khoai lang,... Thịt, gia cầm, cá được hầm mềm cắt nhỏ, lòng đỏ trứng gà, các loại thực phẩm giàu tinh bột - bánh mì, mì ống, các loại hạt, ngũ cốc...
1.2. Những loại thực phẩm không nên lựa chọn cho trẻ
Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm tốt cho trẻ thực hiện được chế độ ăn dặm hợp lý, cha mẹ cũng nên chú ý tránh những loại thực phẩm mà không nên bổ sung vào bữa ăn của trẻ: Hoa quả để nguyên miếng, thịt dai, khó nhai, miếng to, bỏng ngô, các loại hạt, mật ong, sữa bò, các loại bánh, kẹo, nước ngọt,...
2. Thực đơn ăn dặm cho trẻ 10 tháng tuổi
Một số gợi ý về thực đơn ăn dặm cho trẻ ở giai đoạn 10 tháng tuổi:
- Bột lạc: Thành phần bao gồm 25 gam bột gạo tẻ, 20 gam lạc rang chín và giã nhỏ mịn, 1 thìa cà phê rau xanh.
- Bột đậu xanh và bí đỏ: Thành phần bao gồm 15 gam bột gạo, 15 gam bột đậu xanh, 40 gam bí đỏ đã được nghiền nát, 1,5 thìa cà phê dầu ăn.
- Bột cua: Thành phần bao gồm 25 25 gam gạo tẻ, 30 gam cua đồng, 2 thìa cà phê rau xanh, 1 thìa cà phê dầu ăn.
- Bột tôm: Thành phần bao gồm 25 gam bột gạo tẻ, 15 gam tôm tươi, 2 thìa cà phê rau xanh, 1,5 thì cà phê.
- Bột thịt: Thành phần bao gồm 25 gam bột gạo tẻ, 16 gam thịt nạc, 1 thìa cà phê dầu ăn.
- Bột cá: Thành phần bao gồm 25 gam bột gạo tẻ, 15 gam cá gỡ sạch xương, 2 thìa cà phê rau xanh giã nhỏ, 1 thìa cà phê mỡ hoặc dầu ăn.
- Bột gan: Thành phần bao gồm 25 gam bột gạo tẻ, 15 gam gan lợn hoặc gà được băm nhuyễn, 1 thìa cà phê dầu ăn hoặc mỡ, 2 thìa cà phê rau xanh giã nhỏ.
- Cháo yến mạch trứng và cà rốt: Thành phần bao gồm yến mạch xay nhuyễn với 1 lòng đỏ trứng gà.
- Cháo tôm bí đỏ: Thành phần bao gồm 100 gam bí đỏ, 20 gam tôm tươi, 20 gam gạo tẻ, 1 muỗng dầu ăn.
3. Phương pháp và nguyên tắc cho trẻ 10 tháng ăn dặm khoa học
Nhiều cha mẹ đã cố gắng lựa chọn thực phẩm cũng như kết hợp thực phẩm để tạo ra các thực đơn ăn dặm phong phú, thường xuyên đổi món cho trẻ... Tuy nhiên, trẻ vẫn không hào hứng với bữa ăn, bé có thể biếng ăn, và kém hấp thu các chất dinh dưỡng. Để thực hiện ăn dặm cho trẻ một cách hợp lý nhất, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau để giúp trẻ ăn dặm theo đúng cách khoa học và hợp lý.
Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm hợp lý bao gồm:
Ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc: Ban đầu cha mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn dặm đúng cách bằng muỗng nhựa mềm để tránh tổn thương nướu răng của trẻ. Khi trẻ đã quen dần với việc tập ăn cha mẹ có thể bắt đầu giới thiệu thêm chế độ dinh dưỡng mới cùng với việc tăng dần lượng thực phẩm cũng như độ đậm đặc của bột cho trẻ ăn.
Chế độ ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm và thực phẩm hoàn toàn đa dạng, theo mùa. Cha mẹ nên nhớ không nên cho trẻ ăn một loại thức ăn trong nhiều lần, bởi vì có thể khiến cho trẻ ăn không ngon miệng, không có cảm giác thèm ăn....
Chế độ ăn của trẻ cần cung cấp đủ các nhóm thực phẩm nhằm đảm bảo cung cấp đủ số lượng cũng như chất lượng bữa ăn cho trẻ.
Các lưu ý cần tránh khi thực hiện cho trẻ ăn dặm bao gồm:
- Khi thực hiện cho trẻ ăn dặm cha mẹ vẫn duy trì cho trẻ uống sữa mẹ hoặc sữa công thức
- Cha mẹ nên cho trẻ ăn dặm bằng ngũ cốc để giúp cho trẻ dễ tiêu hoá hơn
- Cha mẹ nên tránh cho trẻ uống sữa bò và có sử dụng thêm mật ong, bởi vì mật ong được xếp vào loại thực phẩm dễ gây dị ứng và không an toàn khi cho trẻ sử dụng
- Cha mẹ nên nấu chín thức ăn và điều chỉnh đậm độ, độ đặc, miếng thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
- Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen ăn đúng giờ giấc
- Một điều khá quan trọng trong việc thực hiện cho trẻ ăn dặm luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
- Cha mẹ không nên ép và nóng vội để giúp trẻ làm quen
- Cha mẹ nên tìm hiểu về những món ăn có thể gây nên tình trạng dị ứng
- Cha mẹ không nên cho trẻ ăn thức ăn quá nóng
- Cha mẹ không nên áp dụng khẩu vị của mình vào thức ăn của trẻ
Ăn dặm có vai trò khá quan trọng đến sự phát triển của trẻ, vì vậy sẽ rất cần cha mẹ phải tinh tế và tìm tòi để đảm bảo cho trẻ ăn dặm hiệu quả. Hơn nữa, cha mẹ cũng cần lưu ý khi thực hiện cho trẻ ăn dặm để có thể áp dụng tốt chế độ ăn ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- 6 tháng - mốc quan trọng cho giai đoạn ăn dặm của trẻ sơ sinh
- Trẻ béo phì có thể bị suy dinh dưỡng không?
- Có phải đồ ăn nhạt là tốt nhất cho trẻ sơ sinh?