Mục lục
Ngoài sữa mẹ, các bữa ăn dặm rất quan trọng cho bé phát triển thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên trong quá trình cho bé ăn dặm, nhiều cha mẹ không biết bé bị rối loạn tiêu hoá nên ăn gì và thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hóa như thế nào. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, cha mẹ nên nắm vững các nguyên tắc để cung cấp những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng để giúp trẻ có có hệ tiêu hoá.
1. Nguyên tắc lựa chọn thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hoá
Rối loạn tiêu hóa là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ nhỏ đang trong độ tuổi ăn dặm. Các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất là do thay đổi chế độ ăn uống, ví dụ từ sữa mẹ (dạng lỏng, vị ngọt) sang bột ăn dặm (dạng đặc hơn, vị mặn). Ngoài ra. thức ăn không bảo đảm dinh dưỡng, bị ôi thiu hoặc do sử dụng thuốc kháng sinh.
Các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa thường gặp như chướng bụng, đầy hơi, ợ chua, nôn ói, tiêu chảy, táo bón, đi tiêu phân sống lổn nhổn. Tình trạng này kéo dài khiến bé mệt mỏi, ăn uống kém, biếng ăn từ đó dẫn tới sụt cân, thấp còi, suy dinh dưỡng. Do biếng ăn, hay bị nôn ói nên trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường có sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng đường hô hấp.
Bé bị rối loạn tiêu hóa cần có chế độ ăn uống đặc biệt hơn để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch. Thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hóa cần được xây dựng một cách khoa học, đơn giản, bao gồm các loại thức ăn dễ tiêu hoá để không gây áp lực lên dạ dày và ruột nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng để bé có đủ năng lượng cần thiết. Một số nguyên tắc lựa chọn thực phẩm để xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hóa như sau:
- Để giúp bé nhanh chóng khỏi bệnh, các món ăn trong thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hóa cần an toàn, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng bao gồm: đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Cơm, cháo, mỳ,... : là nguồn cung cấp tinh bột đảm bảo cho bé mau phục hồi. Ăn cháo giúp dạ dày và ruột của bé dễ dàng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng. Một số món cháo bổ dưỡng thích hợp cho bé bị rối loạn tiêu hóa như cháo hạt sen, cháo cà rốt nấu với phô mai.
- Chất đạm: có trong thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu khác. Bé bị rối loạn tiêu hoá cần tăng cường bổ sung chất đạm để cung cấp các axit amin cần thiết cơ thể. Đây là nguyên liệu cho cơ thể sản xuất các thành phần tế bào của hệ thống miễn dịch như bạch cầu, lympho.. Trẻ dưới 1 tuổi cần 100 - 150g thịt, cá mỗi ngày, trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 150 - 200g thịt, cá mỗi ngày.
- Chất béo có trong dầu ăn trẻ em (dầu mè, dầu oliu) hoặc mỡ động thực vật. Đặc biệt, Omega-3 là axit béo rất có ích cho sự phát triển của bé. Ngoài ra, omega – 3 còn đem lại lợi ích cho tim mạch, mắt, da. Trong thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hóa cần có các loại thực phẩm giàu omega – 3 như cá biển, cá da trơn, tảo biển và các loại hạt khô như hạnh nhân, quả óc chó, ... xay nhuyễn cho vào cháo, bột.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất kẽm tốt cho hệ tiêu hoá, giúp bé ăn ngon miệng và hấp thu tốt hơn. Kẽm có nhiều trong các loại ngũ cốc, thịt bò, tôm, cua và gan động vật.
- Rau củ quả có chứa rất nhiều chất xơ và các vi chất dinh dưỡng như canxi, sắt, kẽm cần thiết cho quá trình phát triển của bé. Các loại rau xanh như rau dền, rau ngót, súp lơ xanh, mồng tơi bổ sung chất xơ giúp cho lợi khuẩn đường ruột phát triển, từ đó tăng cường và hỗ trợ hệ thống tiêu hóa. Đặc biệt là các vitamin A, B, C có từ rau xanh và trái cây sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ dị ứng cho bé và mắc các bệnh nhiễm khuẩn; giúp cơ thể đào thải chất độc, tiêu hóa các chất béo không lành mạnh và giúp bé hấp thu chất sắt tốt hơn. Chính vì vậy, việc bổ sung rau củ trái cây vào thực đơn ăn dặm mỗi ngày sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh, phòng ngừa hiệu quả tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón.
- Các loại trái cây như chuối, táo, đu đủ, cam, quýt, bưởi, thanh long ... giúp bổ sung cho bé lượng vitamin và khoáng chất bị thiếu hụt. Uống nước ép trái cây vừa bù nước vừa bổ sung các dưỡng chất. Cha mẹ nên cho bé ăn 1 đến 2 quả chuối mỗi ngày để giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giảm nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa.
- Sữa bột chứa nhiều loại dưỡng chất, giàu chất xơ tăng cường cho hệ tiêu hóa. Nếu bé bị rối loạn tiêu hóa do sữa không phù hợp thì cha mẹ cần đổi loại sữa khác thích hợp với hệ tiêu hóa của bé.
- Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn lên men giúp cân bằng và phát triển hệ vi sinh trong đường ruột, duy trì hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh.
2. Một số nguyên tắc khi cho bé rối loạn tiêu hoá ăn dặm
2.1. Trường hợp trẻ bị nôn, chướng bụng
Trường hợp này cha mẹ nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ hoặc cho bé ăn cách bữa, chọn thức ăn dễ tiêu hóa và không nên ép bé ăn quá nhiều, nhất là khi bé không muốn ăn nữa.
2.2. Bé bị tiêu chảy
Bé bị tiêu chảy nên được bù nước và điện giải cho bé bằng gói oresol pha với nước, cho uống đủ lượng và uống từng chút một. Đồng thời, bố mẹ nên cho bé ăn thức ăn loãng như bột, cháo nhưng vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng.
2.3. Trường hợp bé bị táo bón
Trong trường hợp bé bị táo bón thì cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh kích thích nhu động ruột, giúp bảo vệ hệ tiêu hóa cho trẻ tốt nhất.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý một số điều sau đây:
- Chọn loại bột ăn dặm tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ
- Xay nhỏ rau củ trái cây để bé dễ ăn, dễ tiêu hoá và hấp thu hiệu quả.
- Đối với bé chưa đủ răng hoặc chưa biết nhai, bố mẹ cần chế biến những món mềm, nhuyễn để bé ăn được dễ dàng, tránh cho hệ tiêu hóa phải làm việc quá nhiều.
- Luôn đảm bảo cho bé uống đủ nước, ăn chín, uống sôi.
- Kết hợp các bữa ăn dặm với rau xanh, trái cây.
- Không cho bé ăn quá nhiều trong cùng một bữa.
- Thời gian cho mỗi bữa ăn dặm của bé không nên kéo dài hơn 30 phút. Nếu bé không muốn ăn, bố mẹ không nên thúc ép, dọa nạt bé.
- Chọn nguyên liệu thực phẩm tươi sống và dùng trong ngày. Nên nấu ăn từng bữa để đảm bảo chất dinh dưỡng, hạn chế hâm lại thức ăn sẽ làm giảm chất lượng món ăn và dễ gây ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hoá của bé.
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thường xuyên rửa tay trước và sau khi chế biến món ăn.
- Vệ sinh đồ chơi của bé thường xuyên, hạn chế cho bé ngậm đồ chơi vào miệng.
Cha mẹ cũng có thể bổ sung men vi sinh, men tiêu hóa cho bé để cân bằng vi sinh đường ruột, tăng cường hỗ trợ hệ tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
3. Một số gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hoá
Bé bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì là câu hỏi thường gặp của các phụ huynh. Một số gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hóa, giúp bé phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não.
3.1. Chuối
Chuối là thực phẩm dễ tiêu hóa đầu tiên được đưa vào danh sách thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hoá. Chuối có nhiều chất xơ và kali, giúp cải thiện hoạt động của cơ ruột và ngăn ngừa táo bón. Đặc biệt, trong chuối có chứa pectin là thành phần hỗ trợ chức năng của dạ dày, giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn trở nên dễ dàng hơn. Không chỉ tốt cho đường tiêu hóa, chuối còn là loại trái cây bổ sung 6 loại vitamin thiết yếu, 11 loại khoáng chất và cung cấp năng lượng khi bé đang mệt mỏi.
3.2. Thức ăn từ gạo
Cơm, cháo xay hoặc cháo hạt là những món ăn dễ tiêu hoá. Bên cạnh đó, các loại thức ăn chế biến từ gạo còn giúp kiểm soát tốt các tình trạng rối loạn tiêu hóa mà không gây áp lực lên hệ tiêu hóa của bé.
3.3. Sữa chua
Sữa chua là nguồn cung cấp dồi dào các men vi sinh, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và cải thiện tình trạng rối loạn đường ruột. Tuy nhiên, nếu bé đang gặp vấn đề rối loạn tiêu hóa do sữa ( gọi là không dung nạp lactose ), bố mẹ tuyệt đối không nên cho bé ăn sữa chua, vì có thể làm trầm trọng hơn tình trạng rối loạn tiêu hoá.
3.4. Thịt gà
Thịt gà là thực phẩm dễ tiêu hóa không thể thiếu trong thực đơn ăn dặm cho bé rối loạn tiêu hoá. Thịt gà chứa nhiều đạm, các loại vitamin A, B1, PP, E, C và khoáng chất như canxi, sắt, photpho nhưng hàm lượng chất béo bão hòa lại thấp. Vì vậy, nếu được chế biến đúng cách, thịt gà sẽ trở thành nguồn thực phẩm vừa dễ tiêu hóa vừa bổ dưỡng cho bé.
3.5. Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt như đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ, mè đen, yến mạch, lúa mạch ...có hàm lượng chất xơ cao và hầu như không chứa chất béo nên rất tốt cho bé rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt còn là nguồn gốc tự nhiên của các loại dầu thực vật giúp cho hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh, chống táo bón và tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng.
3.6. Quả bơ
Với thành phần chứa nhiều chất béo lành mạnh, giàu sắt, kali, chất xơ cùng vitamin D, quả bơ là món ăn rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Hơn nữa cách chế biến quả bơ cũng rất đơn giản, mẹ có thể nghiền nát hay cắt nhỏ trộn với sữa chua, sữa mẹ hoặc sữa công thức để cho trẻ ăn dặm.
3.7. Nước sốt táo
Khi hỏi đến bé bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì thì nước sốt táo là một trong những câu trả lời lý tưởng. Tương tự như chuối, táo cũng rất giàu pectin giúp giảm hiệu quả các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, táo sau khi nấu chín sẽ giúp bé dễ tiêu hóa hơn và thành phần chất xơ trong nước sốt táo rất tốt cho việc ngăn ngừa táo bón.
Đối với các bé bị rối loạn tiêu hoá, bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, bố mẹ cũng nên tránh một số thực phẩm sau đây:
- Các loại đồ ăn nhanh như thức ăn nhanh, xúc xích, hamburger, sandwich, thịt hộp, ...vì chúng rất khó tiêu.
- Bánh kẹo và nước ngọt,.
- Chỉ ăn thức ăn giàu tinh bột, giàu chất béo có thể làm tình trạng táo bón của bé nghiêm trọng hơn, khiến phân khô cứng và khó đi tiêu hơn.
Nếu bé gặp tình trạng không dung nạp đường lactose trong sữa bột, bố mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn những loại sữa không chứa lactose hoặc chữa hàm lượng lactose thấp để phù hợp với hệ tiêu hóa của bé.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
- Vì sao trẻ ăn nhiều mà không tăng cân, tăng chiều cao nhiều?
- Hướng dẫn đầy đủ về ăn dặm theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia
- Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?