17-01-2024 10:29

Thời gian tác dụng của các loại insulin

Thời gian tác dụng của các loại insulin

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Insulin được sử dụng trong điều trị đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 nhằm thay thế quá trình bài tiết insulin sinh lý, kiểm soát nồng độ đường huyết để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cơn hạ đường huyết. Trên thị trường hiện có nhiều dạng insulin với đặc tính dược động học và thời gian tác dụng của các loại insulin khác nhau.

1. Insulin là gì?

Insulin là chất nội tiết do tuyến tụy tiết ra, có tác dụng chính là đưa đường vào tế bào để chuyển hóa năng lượng. Nếu lượng đường trong máu bệnh nhân tăng cao hơn mức bình thường, insulin sẽ giúp cơ thể dự trữ đường ở gan và giải phóng đường khi lượng đường trong máu thấp hoặc khi cơ thể cần nhiều đường (thời điểm giữa các bữa ăn hoặc khi tập thể dục).

Do đó, insulin giúp cân bằng lượng đường trong máu, duy trì lượng đường này ở mức bình thường. Với bệnh nhân đái tháo đường, insulin chính là lựa chọn điều trị không thể thiếu.

2. Thời gian tác dụng của các loại insulin

sử dụng insulin
Chỉ định sử dụng loại insulin phù hợp nhất phải dựa trên nhiều yếu tố

Các dạng insulin bao gồm:

  • Insulin tác dụng tức thời
  • Insulin tác dụng ngắn
  • Insulin tác dụng trung bình
  • Insulin tác dụng kéo dài
  • Insulin dạng hỗn hợp (premix)

Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng loại insulin phù hợp nhất dựa trên các yếu tố như: Khả năng đáp ứng với insulin của cơ thể (sự hấp thu, thời gian kéo dài tác dụng), lối sống của bệnh nhân (thói quen ăn uống, cường độ tập luyện), sự sẵn sàng tiếp nhận các mũi tiêm hằng ngày, tuổi tác, tần suất kiểm tra đường huyết và mục tiêu trong việc kiểm soát đường huyết.

Thời gian tác dụng của insulin được phân thành các tiêu chí nhỏ: Thời gian khởi đầu (thời gian trước khi insulin vào máu và bắt đầu tác dụng hạ đường huyết), thời gian đạt đỉnh (thời gian làm giảm đường máu tốt và thời gian hoạt động (thời gian insulin tiếp tục tác dụng).

Thông tin cụ thể về thời gian tác dụng khi sử dụng insulin như sau:

2.1 Insulin tác dụng tức thì

Insulin tác dụng tức thì sẽ bảo đảm lượng insulin cần cho bữa ăn ngay tại thời gian tiêm. Dạng insulin này thường dùng kèm với insulin tác dụng dài hơn. Do đó, người bệnh cần ăn ngay sau khi tiêm insulin. Một số chế phẩm insulin tác dụng tức thì thường được sử dụng là:

  • Lispro (Humalog): Thời gian khởi đầu là 15 - 30 phút, thời gian đạt đỉnh là 30 - 90 phút và thời gian hoạt động là 3 - 5 giờ;
  • Aspart (Novolog): Thời gian khởi đầu là 15 - 20 phút, thời gian đạt đỉnh là 40 - 50 phút và thời gian hoạt động là 3 - 5 giờ;
  • Glulisine (Apidra): Thời gian khởi đầu là 20-30 phút, thời gian đạt đỉnh là 30 - 90 phút và thời gian hoạt động là 1 - 2 giờ 30 phút.

2.2 Insulin tác dụng ngắn

Insulin tác dụng ngắn đảm bảo lượng insulin cần cho bữa ăn trong khoảng thời gian 30 - 60 phút. Một số chế phẩm insulin tác dụng ngắn thường được sử dụng là:

  • Regular (R) hoặc Novolin: Thời gian khởi đầu là 30 phút - 1 giờ, thời gian đạt đỉnh là 2 - 5 giờ và thời gian hoạt động là 5 - 8 giờ;
  • Velosulin (insulin dùng trong bơm insulin): Thời gian khởi đầu là 30 phút - 1 giờ, thời gian đạt đỉnh là 1 - 2 giờ và thời gian hoạt động là 2 - 3 giờ.

2.3 Insulin tác dụng trung bình

Insulin tác dụng trung bình đảm bảo lượng insulin cần cho nửa ngày hoặc dùng qua đêm, thường được phối hợp sử dụng với insulin tác dụng tức thì hay insulin tác dụng ngắn.

Chế phẩm insulin tác dụng trung bình thường được sử dụng là NPH (N) có thời gian khởi đầu là 1 - 2 giờ, thời gian đạt đỉnh là 4 - 12 giờ và thời gian hoạt động là 18 - 24 giờ.

2.4 Insulin tác dụng dài

Loại insulin này không có thời gian đỉnh, insulin được tiết một mức hằng định, đảm bảo lượng insulin cần cho cả ngày (gọi là insulin nền). Dạng insulin này thường được sử dụng phối hợp khi cần với insulin tác dụng tức thì hoặc insulin tác dụng ngắn. Một số chế phẩm insulin tác dụng dài thường được sử dụng hiện nay là:

  • Insulin glargine (Basaglar, Lantus, Toujeo): Thời gian khởi đầu là 1 - 1 giờ 30 phút, không có thời gian đỉnh, insulin được tiết một mức hằng định và thời gian hoạt động là 20 - 24 giờ;
  • Insulin detemir (Levemir): Thời gian khởi đầu là 1 - 2 giờ, thời gian đạt đỉnh là 6 - 8 giờ và thời gian hoạt động đến 24 giờ;
  • Insulin degludec (Tresiba): Thời gian khởi đầu là 30 - 90 phút, không có thời gian đỉnh và thời gian hoạt động lên tới 42 giờ.

2.5 Insulin hỗn hợp

Là các hợp chất trộn sẵn insulin tác động ngắn và insulin tác động trung bình. Nếu insulin này có tỉ lệ 30/70 nghĩa là chứa 30% insulin tác động ngắn và 70% insulin tác động trung bình. Còn loại insulin tỷ lệ 50/50 là chứa 50% mỗi loại. Insulin hỗn hợp thường được dùng 2 hoặc 3 lần mỗi ngày trước bữa ăn. Một số chế phẩm insulin hỗn hợp được sử dụng hiện nay là:

  • Humulin 70/30: Thời gian khởi đầu là 30 phút, thời gian đạt đỉnh là 2 - 4 giờ và thời gian hoạt động là 14 - 24 giờ;
  • Novolin 70/30: Thời gian khởi đầu là 30 phút, thời gian đạt đỉnh là 2 - 12 giờ và thời gian hoạt động đến 24 giờ;
  • Novolog 70/30: Thời gian khởi đầu là 10 - 20 phút, thời gian đạt đỉnh là 1 - 4 giờ và thời gian hoạt động đến 24 giờ;
  • Humulin 50/50: Thời gian khởi đầu là 30 phút, thời gian đạt đỉnh là 2 - 5 giờ và thời gian hoạt động là 18 - 24 giờ;
  • Humalog mix 75/25: Thời gian khởi đầu là 15 phút, thời gian đạt đỉnh là 30 phút - 2 giờ 30 phút và thời gian hoạt động là 16 - 20 giờ.

3. Lịch sử dụng insulin như thế nào?

Khám bệnh
Bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi sử dụng insulin

Bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi sử dụng insulin. Khoảng thời gian giữa khi tiêm thuốc và bữa ăn có thể thay đổi tùy thuộc vào loại insulin được sử dụng. Đồng thời, bệnh nhân cần chú ý ăn uống đúng giờ để hạn chế nguy cơ hạ đường huyết. Lịch tiêm các loại insulin trong ngày như sau:

  • Insulin tác dụng tức thời: Tiêm vào thời điểm 15 phút trước bữa ăn. Insulin tác dụng tức thời có thể sử dụng ngay sau bữa ăn thay vì 15 phút trước bữa ăn. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng trong thời gian đi ngủ;
  • Insulin tác dụng ngắn: Tiêm vào thời điểm 30 - 60 phút trước bữa ăn;
  • Insulin tác dụng trung bình: Tiêm vào thời điểm 1 tiếng trước bữa ăn;
  • Insulin hỗn hợp: Phụ thuộc vào chế phẩm, có thể thay đổi thời điểm tiêm từ 10 - 45 phút trước bữa ăn.
  • Insulin tác dụng dài: Sử dụng không phụ thuộc vào thời gian. Insulin detemir (Levemir) có thể sử dụng 1 - 2 lần/ngày tùy thời điểm. Glargine (Basaglar, Lantus, Toujeo) sử dụng 1 lần/ngày vào một thời gian cố định. Insulin degludec (Tresiba) dùng 1 lần/ngày nhưng thời gian có thể thay đổi. Một vài bệnh nhân có thể sử dụng insulin tác dụng dài kèm với một insulin tác dụng ngắn hoặc một loại thuốc khác.

Thời gian tác dụng của các loại insulin là khác nhau. Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi sử dụng insulin để đảm bảo hiệu quả kiểm soát đường huyết tốt, tránh gặp phải những biến chứng không mong muốn.

XEM THÊM:
  • Cần biết liệu pháp insulin tích cực
  • Tìm hiểu liệu pháp insulin nền
  • Cách cấp cứu khi bị hạ đường huyết đột ngột

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan