Mục lục
Thực phẩm béo thường liên quan đến chứng thừa cân, béo phì, bệnh tim và đột quỵ, nhưng ăn chất béo đúng khoa học có thể cung cấp cho cơ thể nhiều lợi ích sức khỏe. Do đó, cha mẹ cần biết thời điểm nào cho trẻ ăn dầu mỡ hay cho bé ăn dầu ăn đúng cách như thế nào để cung cấp chất béo an toàn cho trẻ
1. Chất béo là gì?
Chất béo là chất dinh dưỡng trong thực phẩm mà cơ thể sử dụng để xây dựng mô thần kinh (bao gồm não và dây thần kinh) và các kích thích tố. Cơ thể cũng sử dụng chất béo làm năng lượng. Nếu chất béo ăn vào không được đốt cháy thành năng lượng hoặc được sử dụng để xây dựng các cấu trúc của cơ thể, thành phần dư thừa sẽ được lưu trữ lại trong các tế bào mỡ, tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, món tráng miệng và đồ ăn nhẹ (bao gồm khoai tây chiên, sô cô la, bánh ngọt, bánh rán, bánh ngọt và bánh quy) là nguồn cung cấp chất béo đáng kể. Trẻ em cũng nhận được chất béo từ các sản phẩm sữa nguyên chất và các loại thịt giàu chất béo, chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích và những miếng thịt đỏ béo hơn.
Thức ăn nhanh và các món chế biến sẵn thường có xu hướng chứa nhiều chất béo hơn so với nấu ăn tại nhà. Các món chiên, rán hay xào có hàm lượng chất béo cao nhất. Chất béo cũng thường "ẩn mình" trong thực phẩm ở dạng kem, pho mát hoặc nước sốt bơ.
Tuy nhiên, chất béo lành mạnh với lượng khuyến nghị hàng ngày là một phần quan trọng của chế độ ăn uống dinh dưỡng cho cả trẻ em và người lớn.
2. Vai trò của chất béo cho sức khỏe
Chất béo lành mạnh là một điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Đặc biệt, trẻ nhỏ cần có đủ chất này trong chế độ ăn uống để giúp não và hệ thần kinh phát triển bình thường.
Giá trị chính của chất béo vốn là một nguồn năng lượng tuyệt vời cho cơ thể, gấp đôi lượng calo so với carbohydrate hoặc protein. Ví dụ, 1 gam chất béo cung cấp 9 calo, trong khi 1 gam carbohydrate hoặc protein cung cấp 4 calo. Bên cạnh đó, vai trò của chất béo cho sức khỏe còn bao gồm:
- Giúp cơ thể hấp thụ một số vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E và K, có nghĩa là chúng chỉ có thể được hấp thụ nếu có chất béo trong chế độ ăn;
- Là thành phần tổng hợp các hormone;
- Xây dựng cấu trúc cho tất cả các mô hệ thần kinh trong cơ thể;
- Giúp duy trì cảm giác no, tránh ăn quá nhiều.
3. Những loại chất béo có trong thực phẩm
Thành phần chất béo trong các loại thực phẩm được chia thành ba loại chính:
- Chất béo không bão hòa: Được tìm thấy trong thực phẩm thực vật và cá, những chất này được xem là trung tính hoặc thậm chí có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chất béo không bão hòa bao gồm không bão hòa đơn (được tìm thấy trong quả bơ và dầu ô liu, đậu phộng và hạt cải); không bão hòa đa (được điều chế trong các loại cây có dầu tạo thành dầu thực vật) và Axit béo omega-3, một loại chất béo không bão hòa đa được tìm thấy trong cá nhiều dầu như cá ngừ và cá hồi
- Chất béo bão hòa: Được tìm thấy trong thịt và các sản phẩm động vật khác, chẳng hạn như bơ, shortening, mỡ lợn, pho mát và sữa (ngoại trừ chất béo tách béo hoặc không béo). Dầu dừa cũng là chất béo bão hòa và đã trở nên phổ biến do những lợi ích sức khỏe của nó; tuy nhiên, dầu ô liu và dầu hạt cải tốt cho tim mạch hơn. Khi tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa, mức cholesterol trong máu tăng lên và gây tìm ẩn nguy cơ mắc bệnh tim.
- Chất béo chuyển hóa: Được tìm thấy trong một số loại bơ thực vật dạng thanh, thực phẩm ăn, bánh nướng và một số thực phẩm chiên sẵn. Chất béo chuyển hóa có thể làm tăng cholesterol và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
4. Thời điểm nào cho trẻ ăn dầu mỡ?
Dầu mỡ là một trong các dạng phổ biến của chất béo hiện diện trong bữa ăn hằng ngày. Theo đó, chất béo lành mạnh vẫn là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của trẻ và chúng không nên bị giới hạn hoặc cấm quá mức. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, chất béo và cholesterol đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển của não bộ. Đối với những bé dưới 2 tuổi thì có thể cho bé ăn dầu mỡ mà không nên hạn chế chất béo. Nói chung, trẻ em nên ăn một chế độ ăn uống đa dạng với khoảng 1/3 lượng calo đến từ chất béo.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ hoàn toàn, sữa mẹ với thành phần chính là chất béo, chứa toàn bộ chất béo mà trẻ cần theo nhu cầu.
Đến giai đoạn trẻ tập ăn dặm, cần bắt đầu cho bé ăn dầu mỡ vì lượng chất béo cần cho trẻ chủ yếu là đến từ chế độ ăn bên ngoài. Sữa mẹ hay sữa công thức chỉ có chứa một lượng chất béo rất ít so với nhu cầu của trẻ trong lứa tuổi này. Do đó, khi chế biến mỗi bữa ăn dặm cho trẻ, cha mẹ cần bổ sung thêm chất béo. Như vậy, thời điểm nào nên cho trẻ ăn dầu mỡ chính là khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm. Một thìa cafe dầu oliu trong một bát bột ăn dặm cho trẻ có thể đủ theo nhu cầu. Bên cạnh đó, mỡ lợn, bơ, phô mai... cũng có thể là các ví dụ dầu mỡ thích hợp cho trẻ để cung cấp chất béo từ tuổi ăn dặm. Bên cạnh đó, các loại bột ăn dặm chế biến sẵn theo đúng công thức hay bánh ngũ cốc cho bé tập nhai cũng có chứa dầu mỡ theo khẩu phần.
Khi trẻ lớn hơn và có thể ngồi cùng bàn ăn với người lớn, sự đa dạng các món, cân đối các thành phần trong các bữa ăn gia đình hằng ngày có thể cung cấp đủ lượng dầu mỡ cho trẻ. Ngoài ra, các món ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, bánh kẹo mà trẻ nhỏ thường yêu thích luôn là một nguồn dầu mỡ dồi dào.
5. Làm thế nào cho bé ăn dầu ăn đúng cách?
Cho bé ăn đủ chất béo hay dầu mỡ là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy vậy, sự thật là nhiều trẻ em ngày nay ăn quá nhiều chất béo, lạm dụng quá nhiều dầu ăn để chế biến món chiên, xào có thể dẫn đến tình trạng trẻ tăng cân, trẻ béo phì không mong muốn. Các trẻ em này khi trưởng thành có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao và tiểu đường.
Chính vì vậy, cha mẹ cần cho bé ăn dầu ăn đúng cách và kiểm soát liều lượng thích hợp. Dưới đây là một số cách để giữ lượng chất béo, dầu mỡ trong bữa ăn của trẻ nhỏ trong phạm vi khuyến nghị:
- Cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa chất béo tự nhiên, chẳng hạn như trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và cá, các sản phẩm từ sữa ít béo.
- Chọn chất béo không bão hòa, lành mạnh hơn khi chuẩn bị bữa ăn và giảm lượng sử dụng (ví dụ: 1 thìa cà phê dầu ăn làm từ hạt cải, dầu oliu hoặc 1⁄4 quả bơ).
- Khi nấu thịt, cá hoặc gia cầm, hãy chọn cách hấp, hầm, nướng hoặc quay. Những phương pháp này cho phép chất béo, dầu mỡ trôi đi trong quá trình nấu nướng, đồng thời cũng cắt giảm lượng calo dư thừa. Hạn chế cho trẻ ăn các món chiên xào cũng như lấy ít dầu ăn trong mỗi lần chế biến.
- Hãy đóng gói bữa ăn cho trẻ ở trường, bữa trưa khi đi ra ngoài hay cho những chuyến đi chơi cùng gia đình thay vì đến nhà hàng thức ăn nhanh vì thường chứa nhiều dầu ăn cũng như dầu chiên nhiều lần.
- Khi đi ăn ngoài, hãy chỉ dẫn cho trẻ chọn thức ăn lành mạnh, cân bằng và không bao gồm một lượng lớn chất béo, dầu mỡ. Ví dụ: ăn nhiều rau xanh và sử dụng nước sốt ít chất béo. Chọn các món hấp, nướng hơn là chiên trong dầu.
- Cách hiệu quả nhất để dạy trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh là cha mẹ tự mình làm gương tốt. Cho bé tham gia vào quá trình chuẩn bị thức ăn để tập cho bé ăn dầu ăn đúng cách với lượng phù hợp.
Tóm lại, chất béo là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của trẻ nhỏ cho đến lứa tuổi thanh thiếu niên. Các chất dầu mỡ luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ và giúp trẻ đạt được tiềm năng phát triển tối đa. Vì các loại thực phẩm béo dư thừa thường ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khi xây dựng bữa ăn cho trẻ, ngay từ bữa ăn dặm đầu tiên, cha mẹ cần cho bé ăn dầu ăn đúng cách, đúng loại và đúng liều lượng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học.
Nguồn tham khảo: kidshealth.org, aboutkidshealth.ca, pregnancybirthbaby.org.au
- Bệnh nhân đái tháo đường typ 2 nên ăn trái bơ không
- Cholesterol ở trẻ em: Những điều cần biết
- Chọn sữa cho trẻ béo phì