17-01-2024 10:32

Thoát mạch chất tương phản: Những điều cần biết

Thoát mạch chất tương phản: Những điều cần biết

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Ngày nay, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ có chất tương phản bơm qua đường tĩnh mạch được sử dụng ngày càng phổ biến. Phương pháp này cung cấp thêm các thông tin cần thiết trong việc chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ cần cân nhắc giữa lợi ích và các nguy cơ của các phương pháp hình ảnh có sử dụng chất tương phản đối với người bệnh. Một trong những vấn đề khiến bác sĩ và bệnh nhân lo ngại và quan tâm là việc thoát mạch chất tương phản.

1. Thoát mạch chất tương phản là gì?

Thoát mạch chất tương phản (Contrast media extravasation) được định nghĩa là sự rò rỉ chất tương phản từ khoang nội mạch bình thường vào các mô mềm xung quanh. Đây là một biến chứng được biết đến của quá trình chụp CT có tiêm thuốc cản quang và hiếm hơn trong chụp MRI.

2. Thoát mạch chất tương phản có phải là biến chứng hay gặp?

Thoát mạch thuốc cản quang trong chụp cắt lớp vi tính có thể xảy ra với tỷ lệ thấp, khoảng 0,13-0,68% các trường hợp sử dụng thuốc cản quang, nhưng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến thay đổi da và hoại tử da.

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ là gì?

Sử dụng bơm tiêm tự động: thể tích thước lớn được tiêm trong một thời gian ngắn. Khi tiêm thuốc thủ công có sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế giúp giảm nguy cơ thoát mạch thuốc tương phản.

  • Người già, trẻ em, trẻ sơ sinh, bệnh nhân hôn mê.
  • Suy kiệt.
  • Phù ngoại vi.
  • Lú lẫn.
  • Bệnh nhân nữ.
  • Bệnh nhân đang điều trị nội trú.
  • Vị trí tiêm: tỷ lệ thoát mạch cao hơn khi tiêm và tĩnh mạch mu bàn tay, cổ tay, bàn chân và mắt cá chân do mô dưới da và thành tĩnh mạch mỏng.
  • Kích cỡ catheter tĩnh mạch hoặc kim tiêm: nên sử dụng cỡ kim lớn hơn 22G, rủi ro là như nhau với cỡ kim 18G và 20G.
  • Bệnh nhân sử dụng Catheter tĩnh mạch để tạo đường truyền cố định trong 20 giờ trước đó, có thể gây nên tình trạng viêm tắc tĩnh mạch
  • Sử dụng các thuốc đối quang có độ thẩm thấu cao: có thể làm giảm xác suất thoát mạch bằng cách làm ấm thuốc tới 37°C
  • Nguy cơ thoát mạch ở bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính cao hơn ở bệnh nhân chụp cộng hưởng từ
  • Bệnh nhân suy động - tĩnh mạch, tắc nghẽn bạch huyết, tiểu đường, huyết khối tĩnh mạch, sau bức xạ hoặc phẫu thuật bóc tách hạch bạch huyết khu vực tiêm...
  • Đối với thuốc đối quang từ: nguy cơ cao hơn ở bệnh nhân trên 60 tuổi, sử dụng bơm tiêm tự động
phù ngoại vi
Thoát mạch chất tương phản có thể gặp ở người bị phù ngoại vi

4. Biểu hiện của thoát mạch chất tương phản như thế nào?

Các biểu hiện thường xuất hiện sớm ngay sau khi tiêm. Bạn có thể báo cho nhân viên y tế ngay khi xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Đau và đau khi chạm vào vùng tiêm
  • Sưng tấy, phù
  • Ngứa
  • Căng tức da
  • Thay đổi màu sắc da.

5. Nhân viên y tế sẽ làm gì để phòng ngừa thoát mạch chất tương phản?

  • Tiêm vào các tĩnh mạch lớn.
  • Thay thế các Catheter tĩnh mạch nếu đã được đưa vào tĩnh mạch trên 20 giờ.
  • Tránh tiêm nhiều lần trên cùng 1 tĩnh mạch.
  • Sử dụng các thuốc cản quang không ion hóa
  • Theo dõi bệnh nhân khi đang tiêm và sau khi tiêm thuốc cản quang.

6. Xử lý khi xảy ra thoát mạch chất tương phản

  • Ngừng tiêm chất tương phản và báo cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh ngay lập tức
  • Hoàn thành việc chụp nếu bệnh nhân đang chụp cắt lớp vi tính.
  • Không nên cố hút chất tương phản ra ngoài.
  • Chườm lạnh bằng một túi đá hoặc gạc lạnh lên vùng hưởng khoảng 20 phút/lần x 4 lần / ngày, trong khoảng 1-2 ngày.
  • Nâng cao chi bị thoát mạch.
  • Giữ bệnh nhân theo dõi ít nhất trong 2 giờ
  • Đề nghị theo dõi cho đến khi giảm hoặc hết phù nề tại chỗ.

Ngoài ra, cần hướng dẫn bệnh nhân thông báo cho nhân viên y tế nếu:

  • Tăng sưng nề hoặc đau theo thời gian.
  • Phồng rộp, loét, chai cứng hoặc có các thay đổi khác trên da.
  • Thay đổi tưới máu mô và/ hoặc thay đổi cảm giác.
Chườm lạnh bằng một túi đá khi xảy ra thoát mạch chất tương phản
Chườm lạnh bằng một túi đá khi xảy ra thoát mạch chất tương phản

7. Các biến chứng có thể gặp là gì?

Hầu hết thoát mạch chất tương phản, đặc biệt thuốc cản quang chỉ gây sưng tấy nhẹ hoặc đỏ da và không để lại di chứng lâu dài. Với thể tích lượng thuốc cản quang có độ thẩm thấu cao lớn hơn 50ml khi thoát mạch có thể gây tổn thương mô đáng kể nhưng hiếm gặp như: Loét da. hoại tử mô mềm và hội chứng chèn ép khoang.

Tuy là một biến chứng ít gặp nhưng thoát mạch chất tương phản có thể gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho bệnh nhân. Nếu không được phát hiện và xử lý sớm vẫn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, khi quyết định chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ có tiêm chất tương phản tĩnh mạch, bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở có uy tín, kinh nghiệm và hỗ trợ hồi sức tốt, giảm nguy có biến chứng do chất tương phản gây ra.

XEM THÊM:
  • Tìm hiểu về chụp cộng hưởng từ bìu, dương vật
  • Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não (CT perfusion)
  • Chụp cắt lớp vi tính 2 mức năng lượng là gì?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan