Mục lục
Bài viết bởi Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Liệu pháp thở oxy cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mang lại hiệu quả trong điều trị các đợt cấp tính cũng như điều trị dài hạn tại nhà. Việc hiểu rõ về liệu pháp thở oxy sẽ giúp người bệnh có những lựa chọn và quyết định phù hợp hơn.
1. Diễn tiến tự nhiên của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) là bệnh rất thường gặp trên thế giới cũng như tại Việt Nam. BPTNMT là bệnh lý phổi bị tổn thương gây ra khó thở. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí diễn tiến không hồi phục. Sự tắc nghẽn đường dẫn khí này thường diễn tiến ngày càng nặng dần. BPTNMT được chia thành 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng dựa vào việc đo chức năng hô hấp, chỉ số FEV1.
BPTNMT giai đoạn 4 là giai đoạn nặng nhất, chỉ số FEV1 rất thấp, bệnh nhân luôn cảm thấy khó thở ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày, chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bệnh nhân BPTNMT ở giai đoạn này thường không có đủ khí oxy cần thiết cho nhu cầu cơ thể khi nghỉ ngơi hay khi gắng sức. Tình trạng này được gọi là suy hô hấp mạn.
2. Hậu quả của suy hô hấp mạn
- Trên não
Thiếu oxy mạn gây bất thường về thần kinh - tâm thần như rối loạn chú ý và trí nhớ, khó khăn về tư duy trừu tượng, về hành vi khéo léo, về các rối loạn vận động giản đơn.
- Trên mạch máu
Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng tạo hồng cầu để đảm bảo sự vận chuyển Oxy. Nhưng phản ứng này lại có hại do làm tăng độ nhớt máu và như thế góp phần làm tăng kháng lực mạch máu phổi dẫn đến sự xuất hiện tăng áp động mạch phổi.
- Trên tim
Do máu bị cô đặc và tăng áp động mạch phổi, tim phải hoạt động nhiều hơn dễ dẫn đến suy tim.
Lợi ích của liệu pháp Oxy dài hạn tại nhà
- Có giấc ngủ tốt hơn
- Ổn định áp lực động mạch phổi: tránh bị tâm phế mạn, suy tim phải
- Giảm số lần nhập viện
- Tăng tuổi thọ.
- Cải thiện tâm thần kinh.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống.
3. Chỉ định thở oxy dài hạn tại nhà
BPTNMT ở giai đoạn suy hô hấp mạn nặng, nghĩa là:
PaO2 < 55 mmHg
PaO2 từ 55- 60 mmHg có kèm:
- Tăng áp lực động mạch phổi
- Phù chân / suy tim phải
- Ða hồng cầu
Những thông số này được xác nhận ở giai đoạn ổn định của bệnh và được đo 2 lần cách nhau ≥ 3 tuần. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân liều thở oxy thích hợp tùy bệnh nhân.
4. Cách dùng Oxy dài hạn tại nhà
4.1 Nguồn Oxy
Bình oxy nén. Bình oxy nén là dạng cung cấp oxy cổ điển và thông dụng nhất hiện nay, trong đó khí oxy được nén bằng áp suất vào các bình đựng bằng kim loại với nhiều kích cỡ khác nhau. Nên có bình loại nhỏ, có giá đỡ hoặc xe đẩy có thể vận động, đi lại dễ dàng giúp cho cô bác năng động và không lệ thuộc người khác.
Bình oxy nén có 2 bộ phận:
- Bộ phận điều chỉnh gồm đồng hồ đo áp lực, van an toàn, bộ phận điều chỉnh lưu lượng khí (số lít oxy trong 1 phút).
- Bộ phận làm ẩm oxy
Máy lọc oxy từ khí trời. Máy lọc oxy từ khí trời là thiết bị chạy bằng điện, tách oxy từ khí trời để cung cấp oxy dưới dạng nguyên chất nên chi phí sử dụng sẽ rẻ tiền hơn so với sử dụng bình oxy nén. Vì máy hoạt động nhờ nguồn điện, cô bác nên có bình oxy dự trữ tại nhà phòng khi cúp điện hoặc máy hư đột ngột.
4.2 Liều oxy
Lưu lượng oxy thấp nhất sao cho PaO2 đạt 60-65 mmHg hay SpO2 đạt 88-94%. Thường khoảng 1-2 lít/ phút. Tăng thêm 1 lít so với liều căn bản khi vận động và ngủ
4.3 Thời gian thở oxy
Thời gian thở oxy phải ít nhất là 15 giờ mỗi ngày.
4.4 Các biến chứng do ngộ độc Oxy
Oxy liệu pháp được xem như 1 loại thuốc, tuy nhiên nó cũng là “con dao 2 lưỡi”. Nếu sử dụng không đúng sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc Oxy.
- Đối với hô hấp: Gây ngưng thở ở những bệnh nhân BPTNMT. Các bệnh nhân này luôn có phân áp CO2 máu (PaCO2) cao nên sự kích thích hô hấp chỉ phụ thuộc vào tình trạng thiếu oxy. Khi cho bệnh nhân thở oxy liều cao sẽ làm mất yếu tố gây kích thích trung tâm hô hấp và bệnh nhân sẽ ngưng thở. Ngoài ra, Oxy còn kích thích đường hô hấp gây ho, tức ngực, viêm phổi...
Đối với thần kinh: Sử dụng oxy áp lực cao có thể gây cơn động kinh, dị giác.
- Liệu pháp oxy người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Hỗ trợ hô hấp trên người bị phổi tắc nghẽn mạn tính
- Viêm phế quản mãn tính có chữa được không?