Giấc ngủ và cân nặng nghe có vẻ không liên quan tới nhau nhưng thực tế, việc ngủ lại có liên quan tới mức độ cân nặng của chúng ta. Cụ thể, thiếu ngủ có thể dẫn đến tăng cân và ngủ đúng cách cũng giúp chúng ta giảm cân. Hãy tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
1. Thiếu ngủ có làm tăng cân không?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc bạn thiếu ngủ có thể dẫn đến tình trạng tăng cân khó có thể kiểm soát được. Nếu như bạn đang cố gắng để duy trì cân nặng hay giảm cân nhưng lại thường xuyên thiếu ngủ thì việc này sẽ khó thực hiện được.
Một số lý giải tại sao mất ngủ lại tăng cân được đưa ra như sau:
- Nếu như bạn thiếu ngủ, bạn có thể thường xuyên cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Tuy vậy, bởi nhiều yếu tố như công việc, học tập mà bạn không thể ngủ được. Khi đó, bạn sẽ nghĩ tới cách nạp năng lượng vào như uống cà phê để duy trì tỉnh táo, ăn những thức ăn chứa nhiều năng lượng như các thức ăn nhanh. Điều đó làm cho bạn cảm thấy tỉnh táo hơn nhưng lại đưa vào cơ thể một lượng lớn calo. Điều này cứ như một vòng luẩn quẩn khiến nếu bạn không có giấc ngủ tốt vào buổi tối thì có thể gây gia tăng cân nặng.
- Ảnh hưởng tới sự lựa chọn thức ăn: Nghiên cứu chỉ ra ngủ không ngon giấc có thể làm giảm khả năng tự kiểm soát và ra quyết định, cũng như làm tăng phản ứng của não bộ với thức ăn. Ngủ kém cũng có liên quan đến việc tăng lựa chọn những loại thức ăn giàu calo, chất béo và đường hơn người ngủ đủ giấc.
- Gia tăng ăn đêm: Những người thiếu ngủ thường phải thức đêm, khi thức đêm bạn thường cảm thấy đói. Điều này khiến bạn lại ăn đêm nhiều hơn.
- Ngủ không đủ cũng có thể ngăn chặn các kích thích tố khác nhau, chẳng hạn như mức độ của yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1). Chất IGF-1 có liên quan đến việc lưu trữ chất béo nhiều hơn, sẽ khiến cơ thể tăng tích tụ chất béo.
- Những người thiếu ngủ thì thường cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng. Điều này khiến họ không muốn vận động hay tập một môn thể dục nào. Lười vận động sẽ làm chúng ta dư thừa nhiều năng lượng hơn, dẫn tới tăng cân.
- Liên quan tới hormone: Hai loại hormone quan trọng liên quan tới sự thèm ăn gồm hormone Ghrelin và Leptin. Trong đó, Ghrelin là hormone tiết ra giúp bạn nhận ra cơn đói, thôi thúc bạn kiếm thức ăn và khi bạn thiếu ngủ thì cơ thể sẽ tiết nhiều hormone này hơn. Còn Leptin là hormone kiểm soát sự ăn uống, nó tiết ra với mục đích bảo rằng, bạn nên ngừng ăn và nếu như thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiết ra ít leptin hơn. Nhiều hormone ghrelin hơn và ít hormone leptin hơn đồng nghĩa với việc gia tăng cân nặng.
- Thiếu ngủ nghĩa là bạn đang bị nợ ngủ và nếu như nợ ngủ cứ kéo dài thì sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi. Hậu quả là bạn bị mất ngủ, mắc nhiều bệnh mạn tính và thừa cân.
- Khi thiếu ngủ thì quá trình trao đổi chất cũng bị rối loạn. Điều này khiến bạn càng có nhiều năng lượng dư thừa. Tất nhiên kết quả là sẽ bị tăng cân, thậm chí còn gây ra các bệnh lý mạn tính khác.
- Ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm được gọi là ngủ ngắn. Một số nghiên cứu chỉ ra thời gian ngủ ngắn có liên quan đáng kể đến vòng eo lớn hơn. Đây là một chỉ số về sự tích tụ mỡ bụng, khiến bạn bị béo bụng.
Ngủ ít làm tăng nguy cơ mắc bệnh thừa cân, béo phì có ảnh hưởng tới cả trẻ em và người trưởng thành. Điều này đã được đánh giá trong nhiều nghiên cứu tin cậy.
Như vậy, giấc ngủ và chế độ ăn uống có liên quan mật thiết với nhau. Những nghiên cứu chỉ ra thiếu ngủ sẽ làm tăng cân và ngược lại, nếu bạn ngủ đủ giấc sẽ khiến cân nặng của bạn giảm xuống. Tuy nhiên, không phải bạn đang ngủ 7 tiếng mỗi đêm mà bạn ngủ thêm 30 phút thì sẽ thấy giảm cân. Điều này sẽ thấy rõ hơn ở những người đang thiếu ngủ trầm trọng, tức là nếu bạn đang ngủ 5 tiếng mỗi đêm, mà tăng lên 7 tiếng mỗi đêm thì sẽ thấy rõ hơn việc thay đổi cân nặng
2. Làm sao khi bị thiếu ngủ?
Có rất nhiều lý do khiến bạn trì hoãn việc ngủ đủ giấc mỗi đêm nhưng bạn hãy thử nghĩ tới hậu quả của việc thiếu ngủ mang lại. Thiếu ngủ thực tế không chỉ khiến bạn bị tăng cân, khó kiểm soát cân nặng mà nó còn chính là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý khác như bệnh huyết áp, tiểu đường, trầm cảm, mất ngủ trong tương lai,...
Nếu bạn ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm hoặc giấc ngủ của bạn kém chất lượng thì cần phải điều chỉnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt hoặc thói quen ngủ như hạn chế những chất kích thích trước khi ngủ, tập thể dục thường xuyên, hạn chế ăn gần giờ ngủ, tạo môi trường ngủ lý tưởng tránh ồn và ánh sáng, tránh ngủ nhiều hơn 30 phút vào ban ngày,...
Ngoài ra, nếu như việc thay đổi thói quen không mang lại hiệu quả sau vài tuần thực hiện thì bạn nên tới gặp bác sĩ về giấc ngủ để được tư vấn và điều trị đúng hướng và giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn.
Ngủ đủ giấc là cách duy trì sức khỏe, cũng như việc bạn ăn những món ăn lành mạnh hay tập thể dục thường xuyên. Đây là một tiền đề để bạn cảm thấy tinh thần khỏe mạnh và sáng suốt hơn, có sức khoẻ tốt hơn. Ngoài ra, nếu bạn đang cố gắng giảm cân nhưng lại ngủ không đủ giấc thì sẽ rất khó cho việc giảm cân của mình.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Bài viết tham khảo: webmd.com, healthline.com
- Trước khi ngủ nên làm gì để tăng chiều cao?
- Giấc ngủ tốt cho trí nhớ và học tập như thế nào?
- Những đối tượng có nguy cơ ngủ gật khi lái xe?