Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Đình Duy - Trung tâm Y học tái tạo - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Thiếu máu huyết tán (hay còn gọi là Thalassemia, tan máu bẩm sinh) là bệnh máu di truyền, thường gặp ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số và có cả ở vùng đồng bằng, thành phố lớn.
Bệnh thiếu máu huyết tán được phát hiện khi trẻ còn bé (từ 2-4 tuổi) hoặc vài tháng sau khi sinh nếu ở trường hợp nặng. Thiếu máu tán huyết có biểu hiện như:
- Da xanh xao, nhợt nhạt;
- Ăn ngủ ít, hay giật mình;
- Giảm vận động, chậm lớn;
- Vàng da, nước tiểu vàng hơn bình thường;
- Bụng có những khối bất thường;
Theo Bác sĩ Nguyễn Đình Duy - Vinmec Times City, bệnh thiếu máu huyết tán có 4 mức độ: Nhẹ; Trung bình; Nặng; Rất nặng. Đối với trẻ bị thiếu máu tán huyết thể rất nặng thì sẽ tử vong trong quá trình mang thai hoặc sau sinh. Đối với thiếu máu tán huyết thể nhẹ, trung bình và nặng thì sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.
Điều trị thiếu máu huyết tán bằng các phương pháp:
- Truyền máu định kỳ để duy trì lượng máu trong cơ thể người bệnh. Thông thường, trẻ bị thiếu máu tan máu sẽ cần truyền 1-2 đơn vị máu trong vòng 2 tháng đầu và tăng lên theo thời gian. Nhược điểm của phương pháp truyền máu là không chữa khỏi hoàn toàn bệnh thiếu máu tán huyết, người bệnh sẽ phải truyền máu suốt đời.
- Ghép tế bào gốc điều trị bệnh thiếu máu huyết tán: Đây là phương pháp đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec cũng đã thực hiện thành công các ca ghép tế bào gốc điều trị thiếu máu huyết tán cho nhiều bệnh nhân.
Đối với những bệnh nhân thiếu máu huyết tán thể nhẹ thì sẽ không có những triệu chứng của bệnh. Trường hợp người mẹ được chẩn đoán có gen bệnh thiếu máu huyết tán thì trước khi có kế hoạch sinh con sẽ cần được tư vấn bởi bác sĩ di truyền để giúp có được thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhất.
- Tan máu bẩm sinh có di truyền không?
- Bé có nguy cơ mắc bệnh tan máu, bé kiểm tra trước 6 tháng tuổi được không?
- Bất đồng nhóm máu mẹ con gây nên điều gì?