Mục lục
- 1. 1. Tổng quan về thiền định
- 1.1. 1.1. Thiền định giúp giảm căng thẳng
- 1.2. 1.2. Kiểm soát lo lắng
- 1.3. 1.3. Thúc đẩy sức khỏe cảm xúc
- 1.4. 1.4. Nâng cao nhận thức về bản thân
- 1.5. 1.5. Thiền để tập trung, cải thiện trí nhớ
- 1.6. 1.6. Kéo dài thời gian chú ý
- 1.7. 1.7. Thiền giúp cải thiện giấc ngủ
- 1.8. 1.8. Giảm huyết áp
- 1.9. 1.9. Kiểm soát cơn đau
- 2. 2. Lợi ích của thiền định giúp cải thiện trí nhớ
- 3. Đánh giá
Thiền định là phương pháp giúp giảm tình trạng căng thẳng, lo lắng, nâng cao nhận thức về bản thân và xã hội, phát triển khả năng tập trung. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu từ các nhà khoa học đã chỉ ra lợi ích của thiền định trong việc cải thiện trí nhớ thông qua tác dụng tăng cường hoạt động của vỏ não.
1. Tổng quan về thiền định
Thiền định là quá trình rèn luyện tâm trí để tạo sự tập trung về suy nghĩ và tinh thần. Thiền định có thể được thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau, hầu hết trong số đó không yêu cầu các thiết bị hoặc dụng cụ chuyên biệt. Có 2 phong cách thiền định chính như sau:
- Thiền để tập trung, tăng sự chú ý: Phong cách thiền định này tập trung sự chú vào một đối tượng, suy nghĩ, âm thanh hoặc hình ảnh duy nhất. Thiền để tập trung giúp tâm trí và suy nghĩ của bạn thoát khỏi những lo âu. Phong cách thiền này có thể thể tập trung vào hơi thở, câu thần chú hoặc âm thanh.
- Thiền định giám sát mở: Phong cách thiền giám sát mở khuyến khích mở rộng nhận thức về tất cả các khía cạnh của môi trường, rèn luyện tư duy và ý thức về bản thân. Phong cách thiền này cũng giúp con người nhận thức được những cảm xúc, suy nghĩ bị đè nén.
Ngày nay thiền định ngày càng được áp dụng rộng rãi khi con người khám phá ra nhiều lợi ích về sức khỏe của phương pháp này. Các lợi ích về sức khỏe của thiền định như sau:
1.1. Thiền định giúp giảm căng thẳng
Giảm căng thẳng là lợi ích quan trọng giúp nhiều người biết đến thiền định. Tác dụng này được phát hiện và công bố qua nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học.
Thông thường, căng thẳng về thể chất và tinh thần làm tăng nồng độ hormone căng thẳng cortisol. Điều này dẫn đến nhiều tác hại như mất ngủ, tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng, tăng huyết áp, góp phần gây ra tình trạng mệt mỏi và các suy nghĩ tiêu cực.
Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy thiền chánh niệm giúp làm giảm phản ứng viêm do căng thẳng gây ra. Bên cạnh đó thiền định còn giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến các tình trạng căng thẳng như hội chứng ruột kích thích, đau cơ xơ hóa, rối loạn căng thẳng sau chấn thương...
1.2. Kiểm soát lo lắng
Thiền định có thể làm giảm mức độ căng thẳng và kiểm soát lo lắng. Một nghiên cứu được thực hiện ở 1300 người trưởng thành đã phát hiện ra rằng thiền định có thể làm giảm lo lắng và điều này được thể hiện mạnh nhất ở những người có mức độ lo lắng cao nhất.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trong thời gian 8 tuần với phong cách thiền chánh niệm cho thấy phương pháp này giúp giảm các triệu chứng lo âu ở người mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát, tăng cường suy nghĩ và giúp tâm trạng tích cực, cải thiện phản ứng và khả năng đối phó với căng thẳng.
Thiền định cũng giúp kiểm soát các lo lắng liên quan đến công việc. Điều này được phát hiện qua một nghiên cứu áp dụng thiền định trong 8 tuần, kết quả cho thấy thiền định giúp cải thiện cảm giác hạnh phúc, giảm bớt sự lo lắng và căng thẳng trong công việc so với những người ở nhóm đối chứng.
1.3. Thúc đẩy sức khỏe cảm xúc
Một số hình thức thiền định giúp cải thiện bản thân và có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng thiền chánh niệm giúp cải thiện các triệu chứng bệnh trầm cảm, giảm các suy nghĩ tiêu cực, giảm sự tiết các chất gây viêm cytokine của cơ thể.
1.4. Nâng cao nhận thức về bản thân
Nghiên cứu được thực hiện ở 153 người trưởng thành thực hiện phương pháp thiền chánh niệm trong thời gian 2 tuần cho thấy công dụng giảm cảm giác cô đơn và tăng khả năng giao tiếp xã hội so với những người nằm trong nhóm đối chứng.
Một số hình thức thiền có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và giúp bạn phát triển bản thân tốt nhất. Chẳng hạn như phong cách thiền tự hỏi giúp bạn hiểu rõ về bản thân và xây dựng được phương pháp liên hệ với những người xung quanh. Khi bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ và thói quen của mình, bạn có thể hướng chúng đến những mô hình tích cực hơn thông qua thiền định.
1.5. Thiền để tập trung, cải thiện trí nhớ
Suy giảm trí nhớ, đặc biệt là đối với người cao tuổi là vấn đề sức khỏe ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy làm sao để cải thiện trí nhớ là vấn đề được quan tâm nhiều.
Cải thiện sự chú ý và sự rõ ràng của suy nghĩ giúp giữ cho tâm trí của bạn luôn được tươi trẻ. Vì vậy nhiều nghiên cứu về tác dụng giúp cải thiện trí nhớ của thiền định đã được các nhà khoa học thực hiện và cho thấy những hiệu quả lớn như thiền định giúp tăng cường sự chú ý, trí nhớ và giúp giữ tinh thần thoải mái, tích cực ở người cao tuổi, cải thiện chứng sa sút trí tuệ, kiểm soát căng thẳng ở những người bệnh mắc chứng sa sút trí tuệ.
1.6. Kéo dài thời gian chú ý
Thiền giúp tăng cường sức mạnh và sức chịu đựng của sự chú ý. Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng thiền định giúp cải thiện sự chú ý và độ chính xác khi tập trung làm việc, nâng cao khả năng tập trung của bộ não. Thời gian ngồi thiền khoảng 13 phút mỗi ngày sẽ giúp tăng cường khả năng chú ý và trí nhớ sau 8 tuần.
1.7. Thiền giúp cải thiện giấc ngủ
Một nghiên cứu thực hiện phương pháp thiền chánh niệm và cho thấy những người thực hiện thiền định có giấc ngủ ngon và sâu hơn, cải thiện mức độ nghiêm trọng của chứng mất ngủ so với những người không thực hiện thiền định.
Các bài tập thiền định thường xuyên giúp bạn kiểm soát và giảm những suy nghĩ tiêu cực - nguyên nhân dẫn đến mất ngủ. Ngoài ra, nó còn giúp thư giãn cơ thể, giải phóng căng thẳng và đưa cơ thể vào trạng thái yên bình dễ đi vào giấc ngủ.
1.8. Giảm huyết áp
Huyết áp cao làm cho tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu, từ đó có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim, góp phần vào quá trình xơ vữa động mạch hoặc thu hẹp động mạch và dẫn đến các cơn đau tim, đột quỵ.
Thiền định cải thiện sức khỏe thể chất thông qua việc giảm căng thẳng cho tim, giảm và kiểm soát huyết áp thông qua tác dụng thư giãn các tín hiệu thần kinh điều phối chức năng tim và tình trạng căng thẳng mạch máu.
1.9. Kiểm soát cơn đau
Nhận thức của bạn về cơn đau liên quan đến trạng thái tinh thần và có thể tăng lên trong tình trạng căng thẳng.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, kết hợp thiền định vào các thói quen hàng ngày có lợi cho việc kiểm soát cơn đau, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm các triệu chứng trầm cảm ở những người có những cơn đau mãn tính.
2. Lợi ích của thiền định giúp cải thiện trí nhớ
Lợi ích của thiền định trong việc cải thiện trí nhớ được biểu hiện qua tác dụng kích thích tăng cường hoạt động của vỏ não. Vỏ não đóng vai trò xử lý các chức năng tâm thần như học tập, tập trung và ghi nhớ. Thường xuyên thiền định giúp tăng lưu lượng máu lên não, giúp làm khỏe mạng lưới mạch máu trong vỏ não và củng cố khả năng ghi nhớ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thực hiện thiền định 20 phút mỗi ngày giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung.
Để chứng minh vai trò của thiền định trong việc nâng cao khả năng ghi nhớ và cải thiện trí nhớ, một nghiên cứu được thực hiện ở 25 người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ và gặp các vấn đề về trí nhớ hay sa sút trí tuệ. Nghiên cứu được tiến hành bằng cách hướng dẫn mọi người thực hiện các bài tập thiền định, yoga hoặc các bài đào tạo nâng cao trí nhớ trong 12 tuần liên tiếp. Kết quả cho thấy cả hai nhóm thực hiện các bài tập đều làm tốt hơn so với trước các bài kiểm tra về trí như như ghi nhớ tên, danh sách từ... Nhưng trung bình nhóm thiền định cho thấy sự thay đổi lớn trong các bài kiểm tra trí nhớ về không gian, thị giác vốn cần thiết để điều hướng khi đi bộ hoặc lái xe; các bài kiểm tra về địa điểm (cố gắng nhớ lại một vị trí) so với nhóm thực hiện các bài đào tạo nâng cao trí nhớ.
Các nhà khoa học cũng giải thích rằng có nhiều nguyên nhân giúp cho thiền định cải thiện trí nhớ ở con người. Chúng có thể bao gồm giảm bớt sự lo lắng, tăng cường hoạt động của vỏ não và tác động trực tiếp đến sự khỏe mạnh của não bộ.
Như vậy, thiền định đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người và trong đó lợi ích cải thiện trí nhớ được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học. Thực hiện các bài tập thiền định thường xuyên mỗi ngày giúp duy trì và bảo vệ sức khỏe cả về thể chất và tinh thần.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com, mindworks.org
- Thời gian nào tốt nhất để thiền?
- Vì sao bạn ngủ quên khi thiền?
- Thiền có thể giúp não điều chỉnh sự mất tập trung