Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, gặp ở khá nhiều phụ nữ. Nếu không theo dõi và điều trị đúng, chửa trứng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ung thư nguyên bào nuôi.
1. Chửa trứng và cách điều trị
Chửa trứng là tình trạng mang thai bất thường, thể hiện ở hiện tượng một phần hoặc toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to nhỏ khác nhau, dính vào nhau thành từng chùm giống trứng ếch. Đa số trường hợp chửa trứng là lành tính. Tuy nhiên, trong quá trình tiến triển, chửa trứng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như sảy thai trứng gây băng huyết nặng hoặc thủng tử cung do thai trứng ăn sâu vào tử cung.
Đặc biệt, khoảng 10 – 30% các ca chửa trứng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là dẫn tới ung thư nguyên bào nuôi. Khối u ác tính và tế bào ung thư thường xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung, gây hoại tử, chảy máu và di căn xa tới các phủ tạng khác trong cơ thể như gan, não, phổi,... rất khó khăn trong việc điều trị.
Các trường hợp bị chửa trứng thường được bác sĩ chỉ định nạo hút thai trứng sớm để phòng sảy thai gây băng huyết. Sau 2 – 3 ngày bệnh nhân sẽ được kiểm tra lại và có thể phải hút lại lần thứ 2 nếu chưa hết trứng và sau nạo phải dùng kháng sinh để phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn.
Đối với phụ nữ trên 40 tuổi hoặc đã có đủ con, không muốn sinh thêm con nữa có thể áp dụng phương pháp cắt toàn bộ tử cung mà không cần nạo hút thai trứng trước. Mục đích của việc cắt tử cung là làm giảm nguy cơ chửa trứng biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi.
2. Theo dõi chỉ số beta HCG sau hút thai trứng
Khoảng 80% các ca chửa trứng là lành tính, bệnh khỏi nhanh sau khi nạo hút thai, bệnh nhân hết ra máu, tử cung co hồi nhanh sau 5 – 6 ngày, nang hoàng tuyến nhỏ dần và biến mất, nồng độ beta HCG giảm nhanh trong vài ngày, có thể giảm xuống còn 350 - 500mUI/ml trong vài tuần. HCG là một hormone hướng sinh dục nhau thai của người, được chế tiết bởi tế bào nuôi của nhau thai sau khi trứng được thụ tinh. Khi không có thai, HCG phải âm tính.
Kiểm tra nồng độ beta HCG trong máu của bệnh nhân sau hút thai trứng
Sau nạo hút thai trứng, bệnh nhân cần phải được theo dõi ngoại trú và khám định kỳ trong tối thiểu 12 – 18 tháng theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể:
- Người bệnh phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu 2 tuần/lần cho tới khi chỉ số beta HCG trở về bình thường (âm tính – thể hiện không có thai).
- Khi chỉ số beta HCG sau hút thai trứng trở về bình thường, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thử nước tiểu 4 tuần/lần trong 6 tháng tiếp theo, kết hợp làm các xét nghiệm khác và siêu âm nếu cần. Mục đích của việc này là để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng của chửa trứng.
Sau nạo hút thai trứng, các biểu hiện dưới đây được coi là tiến triển không thuận lợi:
- Tử cung vẫn to, nang hoàng tuyến không mất đi hoặc xuất hiện nhân di căn.
- Nồng độ beta HCG lần thử sau cao hơn lần thử trước.
- Nồng độ beta HCG sau ba lần thử liên tiếp không giảm hoặc giảm dưới 10%.
- Nồng độ beta HCG > 20.000 UI/L sau 4 tuần nạo hút thai trứng.
- Nồng độ beta HCG > 500 UI/L sau 8 tuần nạo hút thai trứng.
- Nồng độ beta HCG > 5UI/L sau 6 tháng nạo hút thai trứng.
3. Chỉ định mang thai sau hút thai trứng
Trong thời gian theo dõi beta HCG sau hút thai trứng, bệnh nhân không được có thai. Phương pháp tránh thai được khuyên nên áp dụng là dùng viên uống tránh thai hoặc bao cao su. Người bệnh chỉ nên có thai sau chửa trứng sau 2 năm theo dõi mà không có biến chứng. Trường hợp có thai trước thời điểm này, nồng độ beta HCG sẽ tăng lên và bác sĩ không thể đánh giá chính xác liệu các mô bất thường có quay trở lại hay không.
Một điều may mắn cho phụ nữ là thai trứng không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc khả năng có thai ngay cả trong trường hợp người bệnh đã trải qua hóa trị. Bên cạnh đó, người từng chửa trứng không bị tăng nguy cơ thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non hay các biến chứng khác. Ngoài ra, tỉ lệ mắc thai trứng sau đó chỉ 1 – 2%.
Ở lần có thai sau, người bệnh cần được khám và theo dõi chặt chẽ, nên đi siêu âm trong ba tháng đầu của thai kỳ để đảm bảo rằng không có vấn đề gì xảy ra.
- Một số điều cần lưu ý trong và sau khi hút thai trứng
- Chửa trứng ác tính: Những điều cần biết
- Ảnh hưởng lâu dài của chửa trứng tới sức khỏe sinh sản