17-01-2024 10:22

Thể tích nước tiểu là bao nhiêu? Ý nghĩa từng thông số trong xét nghiệm nước tiểu

Thể tích nước tiểu là bao nhiêu? Ý nghĩa từng thông số trong xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là một trong những xét nghiệm nhằm kiểm tra, đánh giá sức khỏe vô cùng quan trọng, đơn giản nhưng hiệu quả được chỉ định thực hiện trong khám sức khỏe tổng quát và tầm soát nhiều bệnh lý khác. Mỗi thông số trong xét nghiệm này đều có ý nghĩa nhất định nhằm phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ ý nghĩa của từng thông số đó.

1. Thể tích nước tiểu là bao nhiêu?

Thể tích nước tiểu bình thường ở người trưởng thành là 800 - 2000 ml/24 giờ, tương đương khoảng 16 - 25 ml/kg trọng lượng cơ thể, với lượng nước đưa vào cơ thể trung bình 2 lít/ngày. Thể tích nước tiểu có thể thay đổi theo từng giai đoạn thậm chí là từng ngày, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, các bệnh lý (đái tháo đường , đái tháo nhạt tiểu nhiều, sốt cao, hội chứng thận hư tiểu ít) , chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, lượng mồ hôi, lượng nước uống, thời tiết trong năm..

2. Đặc điểm của nước tiểu bình thường

2.1. Nước tiểu bình thường màu gì?

Nước tiểu mới và bình thường có màu trong hoặc vàng nhạt, đậm nhất là màu hổ phách hay vàng sẫm, tương ứng với tỷ trọng của nó. Nước tiểu hòa loãng (có tỷ trọng thấp) sẽ có màu trong hoặc vàng rất nhạt, nước tiểu bị cô đặc (có tỷ trọng cao) sẽ có màu vàng sẫm.

Màu sắc của nước tiểu cũng phụ thuộc vào lượng nước tiểu và thời gian đi tiểu. Nếu uống ít nước, lâu đi tiểu thì nước tiểu sẽ có màu sẫm hơn. Ví dụ nước tiểu vào buổi sáng sau khi ngủ dậy sẽ đậm màu hơn nước tiểu bài tiết trong ngày.

Một số bệnh lý có khả năng làm thay đổi màu sắc của nước tiểu. Ví dụ người bị đái tháo đường, bệnh về gan mật sẽ khiến nước tiểu có màu trắng đục. Các nhiễm trùng do vi khuẩn, nhiễm trùng đường niệu trên do pseudomonas hoặc sử dụng một số loại thuốc như indomethacin, methocarbamol, xanh methylene nước tiểu sẽ có màu xanh lơ hoặc xanh sẫm. Tiểu ra sắc tố mật, methemoglobin, dùng thuốc chống đông, levodopa nước tiểu sẽ có màu nâu hoặc đen. Sử dụng phenyltoin hoặc phenothiazine sẽ khiến nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ tía.

Nước tiểu bình thường sẽ trong suốt. Để lắng đọng một thời gian sẽ xuất hiện một lớp vẩn đục lơ lửng ở giữa hoặc đọng lại ở đáy bình đựng nước tiểu. Việc nước tiểu có lắng cặn xuống bề mặt bình đựng là hoàn toàn bình thường. Đó là các cặn phosphat, urat natri hay axit uric có trong nước tiểu.

Nước tiểu có xu hướng chuyển thành màu sẫm hơn khi để lâu, vì vậy nên chuyển ngay mẫu đến phòng xét nghiệm sau khi lấy mẫu.

nước tiểu
Màu sắc của nước tiểu có thể thay đổi do một số bệnh

2.2. Nước tiểu bình thường có mùi gì?

Mùi bình thường của nước tiểu do nồng độ acid của nó quyết định. Nước tiểu bình thường có mùi khai nhẹ, để lâu trong không khí mùi khai sẽ đậm đặc dần lên do ure trong nước tiểu chuyển hóa thành amoniac dưới tác dụng của vi khuẩn. Một loạt các tình trạng bệnh lý, thuốc và thức ăn có thể làm biến đổi mùi nước tiểu.

Với một số bệnh lý nhất định, nước tiểu của người bệnh có chứa những chất tạo mùi khác biệt như mùi hôi, mùi ẩm mốc (ăn tỏi, hội chứng đái ra phenyl-cetone, nhiễm khuẩn đường tiết niệu), mùi hoa quả ngọt (đái ra acetone niệu), mùi đường cháy trong bệnh nước tiểu có mùi đường cháy (maple syrup urine disease), mùi aceton...

Bạn nên quan sát và theo dõi nước tiểu hàng ngày. Nếu thấy nước tiểu có màu và mùi khác lạ, vẩn đục, xuất hiện bọt khí, đặc sánh hơn bình thường nghĩa là cơ thể đã có những dấu hiệu bất thường, cần đi xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.

3. Ý nghĩa các thông số trong xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu biết được những bệnh gì? Thông qua các chỉ số xét nghiệm nước tiểu, các bác sĩ có thể phát hiện rất nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường tiết niệu, gan mật, đường huyết.

3.1. Độ pH của nước tiểu

Độ pH của nước tiểu cung cấp các thông tin liên quan đến tình trạng toan-kiềm của người bệnh. Nước tiểu bình thường ở người khỏe mạnh có tính axit nhẹ với độ pH nằm trong khoảng từ 5.0 – 7.5. Độ pH trung bình thường gặp là 5.0 – 6.0. Nếu độ pH ≤ 5 nghĩa là nước tiểu đang có tính axit mạnh, pH ≥ 8 nghĩa là nước tiểu có tính bazơ. Người ta nhận thấy có mối tương quan nghịch giữa pH nước tiểu và nồng độ cetone có trong nước tiểu.

Độ axit của nước tiểu cao hay thấp là do mật độ các axit tự do có trong nước tiểu. Trong đó, thận có vai trò cân bằng lượng axit và bazơ. Vì thế thông qua độ pH ta có thể kiểm tra chức năng thận, chẩn đoán các bệnh về thận. Ví dụ:

  • Độ pH ≥ 8 có thể mắc bệnh viêm bàng quang, viêm bể thận, nhiễm kiềm chuyển hóa hoặc hô hấp, hội chứng Falconi ..
  • Độ pH thấp, nước tiểu có tính axit cao có thể xuất hiện trong bệnh đái tháo đường, mất nước, tiêu chảy, toan chuyển hóa, sốt ...

Ngoài ra, các bệnh dạ dày cũng có thể phát hiện thông qua độ pH của nước tiểu. Một số loại thức ăn và thuốc cũng có thể làm thay đổi độ pH của nước tiểu.

pH nước tiểu
Độ pH là một thông số quan trọng trong xét nghiệm nước tiểu

3.2. Bạch cầu

Thực chất đây là men esterase của bạch cầu được bạch cầu giải phóng khi vi khuẩn có mặt trong nước tiểu. Chỉ số của tế bào bạch cầu có trong nước tiểu bình thường ở người trưởng thành khỏe mạnh là âm tính hoặc dạng vết (10 Leu/UL). Xét nghiệm này rất nhạy , nếu có sự xuất hiện của bạch cầu trong nước tiểu, cần thêm triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm khác (ví dụ nuôi cấy nước tiểu) để xác định có thực sự có tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu hay không. Nếu chỉ số bạch cầu tăng, kèm theo triệu chứng tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần thì có thể bạn đã mắc bệnh viêm đường tiết niệu do nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng bàng quang...

3.3. Nitrit

Thông thường trong nước tiểu không có nitrit, hoặc nếu có cũng ở mức rất thấp. Chỉ số nitrit cho phép trong nước tiểu là 0.05-0.1 mg/dL. Nitrit hình thành do vi khuẩn chuyển hóa từ nitrat – vốn có nguồn gốc từ các chất chuyển hóa có trong các chất dinh dưỡng, bình thường vẫn được tìm thấy trong cơ thể. Sự xuất hiện của nitrit đồng nghĩa với việc vi khuẩn có thể đang tấn công cơ thể, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong đó loại thường gặp nhất là nhiễm trùng E. Coli. Xét nghiệm này được sử dụng kết hợp với esterase bạch cầu giúp sàng lọc sự hiện diện của vi khuẩn trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.

Có thể kiểm tra nitrit trong nước tiểu bằng cách sử dụng que thử. Nếu que thử lên màu hồng hoặc hồng nhạt nghĩa là nước tiểu đã chứa nitrit và vi khuẩn. Mẫu nước tiểu được khuyến cáo là mẫu nước tiểu đầu tiên vào buổi sáng.

3.4. Protein

Chỉ số protein cho phép trong nước tiểu là âm tính hoặc ở dạng vết (trace) đối với người có chức năng thận bình thường ( tương đương 7,5-20mg/dL hoặc 0,075-0,1 g/L). Đó là do màng lọc cầu thận không cho các phân tử protein có trọng lượng phân tử lớn thấm qua. Trong trường hợp thận bị rối loạn chức năng, màng lọc cầu thận tổn thương sẽ khiến các protein có thể đi qua và xuất hiện trong nước tiểu. Do đó thông qua chỉ số protein có thể phát hiện các bệnh lý ở thận, xác định người bệnh có tình trạng nhiễm trùng hay không (viêm thận bể thận)..

Để xét nghiệm chỉ số protein chính xác cần sử dụng nước tiểu vào buổi sáng, lần đi tiểu đầu tiên sau khi ngủ dậy.

3.5. Glucose

Ở người khỏe mạnh, glucose sau khi được lọc qua thận sẽ được tái hấp thu tại các ống lượn gần. Có một “ngưỡng thận” đối với glucose của mỗi người và khi người đó có nồng độ glucose máu dưới “ngưỡng” sẽ không xuất hiện glucose trong nước tiểu hoặc nếu có thì hàm lượng rất ít đối với phụ nữ trong thời gian mang thai. Chỉ số cho phép của glucose là 50-100 mg/dL hoặc 2.5-5 mmol/L. Nếu xét nghiệm phát hiện nước tiểu có hoặc có nhiều glucose thì khả năng bạn đã mắc bệnh lý tiểu đường, viêm tụy cấp, các bệnh lý về thận, hội chứng Falconi, mất dung nạp galactose, hội chứng Cushing, nhiễm trùng ..

Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng âm tính giả hoặc dương tính giả trong mẫu nước tiểu (acid ascorbic, cephalosporin, chloramphenicol ..)

3.6. Cetonic (KET_Ketones)

Cetonic hình thành do sự chuyển hóa của axit béo như một nguồn cung cấp năng lượng khi cơ thể thiếu glucose hoặc trên người bệnh tiểu đường không kiểm soát (tình trạng thiếu insulin). Nước tiểu bình thường của người khỏe mạnh không có cetonic hoặc có rất ít. Chỉ số cho phép: 2.5-5 mg/dL hoặc 0.25-0.5 mmol/L.

Do đó khi chỉ số cetonic tăng đồng nghĩa với việc quá trình chuyển hóa glucose đang gặp vấn đề hoặc giúp đánh giá các tình trạng gây ra nhiễm toan cetone khi bị nhịn đói lâu ngày hoặc do phản ứng phụ của một vài loại thuốc.

3.7. Urobilinogen

Urobilinogen được biến đổi từ bilirubin trực tiếp bởi các vi khuẩn ruột trong tá tràng, một phần lớn được bài tiết qua phân, một phần được đưa trở lại vào mật và chỉ một lượng rất nhỏ được bài xuất vào nước tiểu. Chỉ số cho phép của urobilinogen trong nước tiểu là 0,2-1,0 đơn vị Ehrlich /dL hoặc 3,5-17 mmol/L. Nếu xét nghiệm nước tiểu cho thấy lượng urobilinogen tăng lên thì có thể mắc các bệnh lý về gan, túi mật như xơ gan, viêm gan, tắc nghẽn mật...

3.8. Bilirubin

Trong điều kiện bình thường không phát hiện được bilirubin trong nước tiểu do nó được chuyển hóa thành urobilinogen tại ruột. Lượng Bilirubin trong nước tiểu tăng là lời cảnh báo về các bệnh lý ở gan và túi mật do lúc đó bilirubin trực tiếp mất khả năng đi xuống ruột, đi ngược vào máu, được lọc qua thận và đào thải vào trong nước tiểu. Chỉ số cho phép của bilirubin trong nước tiểu: không quá 0.2 mg/dL (<0.34 umol/l).

3.9. Hồng cầu

Bình thường trong nước tiểu không có hồng cầu hoặc rất ít. Chỉ số cho phép của hồng cầu trong nước tiểu là 0.015-0.062 mg/dL hoặc 5-10 Ery/ UL. Nếu xét nghiệm nước tiểu phát hiện trong nước tiểu có lượng hồng cầu cao thì đây là một tình dấu hiệu bất thường của cơ thể, thường liên quan đến tình trạng nhiễm trùng hoặc tổn thương đường tiết niệu như nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, bướu thận, xuất huyết bàng quang...

3.10. Acid ascorbic

Acid ascorbic là một loại vitamin cần thiết của cơ thể, hỗ trợ hoạt động xương khớp, mạch máu và tăng sức đề kháng. Acid ascorbic là một chất chống oxy hóa (antioxidant), do đó, có thể gây nhiễu kết quả xét nghiệm nước tiểu bằng que thử. Nồng độ acid ascorbic nước tiểu bình thường đo bằng que thử là âm tính. Nếu trong nước tiểu lượng Acid ascorbic quá chỉ số cho phép 5-10 mg/dL hoặc 0,28-0,56 mmol/L thì có thể xác định các bệnh lý về chức năng thận. Nồng độ Acid ascorbic cao cũng có thể gây âm tính giả đối với việc xác đinh glucose, máu, bạch cầu, nitrite và bilirrubin nước tiểu bằng que thử.

4. Xét nghiệm nước tiểu có cần nhịn ăn không?

Các chất dinh dưỡng có trong thức ăn có thể làm thay đổi một vài chỉ số của nước tiểu. Xét nghiệm nitrit cần thời gian nước tiểu ở trong bàng quang tối thiểu ≥ 3.5 giờ. Vì thế, để kết quả xét nghiệm chính xác hơn, bạn nên nhịn ăn từ 6 - 8 giờ trước khi làm xét nghiệm nước tiểu. Nên lấy nước tiểu đầu tiên vào buổi sáng để thức ăn có thể tiêu hóa hết trong thời gian ngủ ban đêm.

Bài viết tổng hợp từ nguồn: Viện sốt rét Ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn

XEM THÊM:
  • Chỉ số pH bình thường của nước tiểu là bao nhiêu?
  • Nước tiểu có màu vàng đậm khi uống ít nước là dấu hiệu bệnh gì?
  • Nhân trần: công dụng và những lưu ý khi uống nhân trần

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan