Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Xuân Cường - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nhiễm toan hô hấp là bệnh thường được gặp ở những người có bệnh lý về phổi như bệnh lý tắc nghẽn, các bệnh lý tuần hoàn. Nhiễm toan hô hấp gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của não bộ, hệ cơ thống các cơ như cơ tay, chân,.. Người bị nhiễm toan hô hấp có một số biểu hiện như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, lơ mơ, lú lẫn, giật cơ, có thể gặp dấu hiệu bàn tay rũ mềm (asterixis), tiếp đến là hôn mê.
1. Định nghĩa nhiễm toan hô hấp
Nhiễm toan hô hấp là một dạng của nhiễm toan (rối loạn thăng bằng ACID-BASE), xảy ra khi quá nhiều CO2 tích tụ trong cơ thể. Thông thường, phổi sẽ có chức năng loại bỏ khí CO2 trong khi thở. Đôi khi vì một nguyên nhân nào đó mà cơ thể không thể thải đủ lượng CO2 khiến CO2 trong cơ thể tăng, dẫn đến H2CO3 tăng, làm tăng độ pH trong máu.
Nhiễm toan hô hấp gồm hai dạng: nhiễm toan hô hấp cấp tính và nhiễm toan hô hấp mạn tính. Phân biệt hai dạng trên dựa vào mức độ tăng nồng độ HCO3:
Nhiễm toan hô hấp cấp tính thường là bệnh thứ phát do suy hô hấp cấp tính. Những hậu quả do không phát hiện được tình trạng suy hô hấp cấp tính bao gồm thiếu oxy máu rõ rệt, tăng kali huyết, tim mạch bất ổn và ngừng tim. Bệnh có các biểu hiện lơ mơ, lú lẫn, giật cơ, có thể gặp dấu hiệu bàn tay rũ mềm (asterixis), tiếp đến là hôn mê. Tăng thán khí máu nặng sẽ làm tăng dòng máu não, tăng áp lực dịch não tủy, và có thể gặp các dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ (phù gai, hội chứng giả u não).
Toan hô hấp mạn là bệnh thường gặp ở những người mắc các bệnh lý về phổi như bệnh lý tắc nghẽn mạn. Thận đào thải acid dưới các dạng ion Cl- và NH4- gây nên hạ clo máu đặc trưng trong toan hô hấp mạn. Khi điều chỉnh toan hô hấp mạn quá nhanh, nhất là khi bệnh nhân đang thở máy, phải mất khoảng 2 đến 3 ngày thận mới đào thải bicarbonat, nên sẽ có hiện tượng nhiễm kiềm chuyển hóa sau tăng thán khí.
2. Nguyên nhân gây nhiễm toan hô hấp
Do sự giảm đào thải CO2 ở phổi. nhiễm toan hô hấp là tình trạng tăng PaCO2 máu có thể có hoặc không kèm theo tăng HCO3-, pH thường thấp nhưng có thể gần như bình thường.
Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm toan hô hấp nhưng có 3 nguyên nhân nhiễm toan hô hấp chủ yếu hơn cả, bao gồm:
- Một là, do sự ức chế hệ thống thần kinh trung ương (thuốc mê, thuốc ngủ, nhiễm trùng, tổn thương não): các dây thần kinh này không còn nhạy cảm với CO2 như lúc bình thường để kịp đào thải. Người bệnh có sự bất ổn về tinh thần như: tình trạng đau đớn, vật vã, khóc lóc, lo lắng, ....
- Hai là, bệnh lý tuần hoàn làm giảm khả năng vận chuyển máu tới phổi, gây ứ máu ở hệ tĩnh mạch chung như suy tim phải, suy toàn bộ tim; mắc các bệnh thần kinh cơ (bệnh cơ, hội chứng Guillain Barre).
- Ba là, nguyên nhân giảm thông khí phế nang (thông khí không thỏa đáng) có thể là tại phổi hoặc ngoài phổi dẫn đến các bệnh lý về phổi: hen phế quản, bệnh phổi hạn chế, viêm phổi nặng... Trong nhiễm toan hô hấp, hệ đệm, phổi và thận cố gắng thiết lập lại cân bằng.
Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như: giảm oxy máu: sống vùng cao, thiếu máu nặng, có thai, cường giáp, xơ gan. Điều chỉnh quá nhanh nhiễm toan chuyển hoá mãn tính cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm kiềm hô hấp vì nhiễm toan hệ thần kinh được điều chỉnh chậm và lâu hơn, liên tục gây ra tăng thông khí.
3. Điều trị nhiễm toan hô hấp
Sau khi thăm khám, xác định tình trạng bệnh, các bác sĩ thường điều trị nhiễm toan hô hấp bằng cách tiêm tĩnh mạch naloxon (0,04 - 2 mg), nếu không tìm được nguyên nhân rõ rệt. Điều trị chủ yếu tập trung vào việc xử lý nguyên nhân chính để cải thiện thông khí. Cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm giãn đường dẫn khí. Sử dụng các công cụ máy hỗ trợ cung cấp oxy hoặc thở áp suất dương liên tục (CPAP). CPAP có thể giúp bệnh nhân thở nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở hoặc yếu cơ.
Bên cạnh các biện pháp điều trị nhiễm toan mà các bác sĩ đưa ra, bệnh nhân cùng cần phải chủ động và tích cực trong việc phối hợp điều trị. Cụ thể là xây dựng một chế độ sinh hoạt phù hợp, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh. Sử dụng thuốc an thần theo toa và tuyệt đối không uống chung với rượu.
Đối với những bệnh nhân nghiện thuốc lá, thuốc lào cần bỏ sớm nhất có thể, vì hút thuốc lá có thể làm tổn thương phổi và làm cho hô hấp kém hiệu quả. Cần duy trì trọng lượng khỏe mạnh vì béo phì có thể khiến bạn khó thở hơn, uống nhiều nước. Ngừng uống rượu vì uống rượu lâu ngày có thể làm tăng tích tụ axit lactic.
4. Xử trí nhiễm toan hô hấp ra sao?
Nhiễm toan hô hấp vì các nguyên nhân khác nhau mà có các biểu hiện cụ thể khác nhau, song đều cần có những phương pháp xử trí nhiễm toan hô hấp nhằm giảm những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Khi gặp bệnh nhân bị hôn mê đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu thấp hơn chân, nếu nạn nhân vẫn còn thở và cố gắng nâng hai chân cao lên khoảng 30cm, hơn tầm của tim. Nới lỏng thắt lưng, cổ áo và những chỗ quần áo bó sát. Kiểm tra nhịp thở của nạn nhân, bắt đầu hô hấp nhân tạo trong trường hợp không thở, tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đến khi xe cấp cứu đến hoặc nạn nhân bắt đầu thở lại. Cần gọi cấp cứu ngay lập tức để bệnh nhân đến bệnh viện gặp bác sĩ nhanh nhất có thể, kịp thời sử dụng các công cụ hỗ trợ như máy thở, ...
Với các biểu hiện nhẹ hơn (khi đã biết bệnh nhân có tiền sử nhiễm toan hô hấp) có thể sử dụng natri bicarbonate (baking soda) nhằm làm tăng độ pH trong máu. Bạn có thể dùng thuốc bằng đường uống hoặc nhỏ giọt đường tĩnh mạch.
- Nhiễm toan là tình trạng gì?
- Điều trị rối loạn chuyển hóa kiềm toan
- Nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường