Mục lục
Teo thực quản hay teo đường tiêu hóa là hiện tượng dị tật bẩm sinh hiếm gặp ở đường tiêu hóa. Khi thực quản bị teo sẽ dẫn tới nhiều hậu quả và biến chứng nguy hiểm, nếu không điều trị bệnh kịp thời có thể tử vong. Vì thế cần phát hiện và điều trị sớm để tránh những nguy hiểm xảy ra cho thai nhi.
1. Tổng quan về teo thực quản
Teo thực quản thực chất là một sự gián đoạn của lưu thông thực quản, kèm theo đó là bất thường trong lưu thông giữa thực quản và khí quản. Teo thực quản còn là hậu quả của sự rối loạn trong quá trình tạo phôi thai giữa tuần thứ 4 và thứ 6 của thai kỳ.
Khi phôi thai hình thành, khí quản phát triển từ trung bì của lá phôi thứ nhất vào lúc thai nhi 4 tuần tuổi. Từ vách khí quản được tách thành thực quản, nếu màng vách này không tách được hoàn toàn giữa khí quản và thực quản thì sẽ gây ra tình trạng teo thực quản có hoặc không có lỗ rò thông khí quản cũng như thực quản.
Như vậy khi thực quản bị teo sẽ dẫn tới sự hình thành không đầy đủ của thực quản, thường có liên quan tới rò khí thực quản. Tỷ lệ mắc teo thực quản ước tính là 1/5000 trường hợp, trong đó thường kèm theo các đa dị tật khác nên còn được gọi là hội chứng VACTERL với các bất thường ở cơ quan như tim, cột sống, sinh dục, tiết niệu, tiêu hóa, hoặc dị tật ở tay và chân.
2. Các triệu chứng của teo thực quản
Các dấu hiệu, triệu chứng của trẻ khi thực quản bị teo thường xuất hiện rất sớm, ngay sau khi ra đời. Khi bị teo thực quản, trẻ thường có các triệu chứng sau đây:
- Rối loạn hệ hô hấp: Trẻ thở nhanh, nông, khó thở.
- Tăng tiết nhiều nước bọt khiến cho dịch tiết sùi ra cả đường thở: Triệu chứng này còn gọi là “sùi bọt cua”. Đây là một dấu hiệu sớm và thường là triệu chứng chỉ điểm, dịch đôi khi màu hồng và có thể gây nên tắc đường thở.
- Gây rối loạn đường tiêu hóa: Trẻ bú kém, có thể kèm theo ho sặc hoặc nôn ói khi bú.
- Trẻ bị trướng bụng do dạ dày nhiều hơi hoặc ngược lại.
- Gây viêm phổi với triệu chứng như ho, khó thở, tím tái do sặc sau khi ăn hay do dịch tiết ra rồi rò vào khí quản và phế quản.
Việc phát hiện sớm các triệu chứng teo thực quản sẽ góp phần giúp trẻ tránh được nguy cơ hoại tử ruột và các biến chứng đe dọa đến tính mạng của trẻ.
3. Chẩn đoán teo thực quản ở trẻ sơ sinh
Về chẩn đoán teo đường tiêu hóa được thực hiện như sau:
- Chẩn đoán trước sinh: Thường được thực hiện bằng cách siêu âm, tuy nhiên thì hình ảnh trực tiếp gần như là không có nên việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào hình ảnh gián tiếp thông qua mẹ bị đa ối, không nhìn thấy rõ được hình ảnh của dạ dày, hay phát hiện thấy có dị tật bẩm sinh khác kèm theo.
- Chẩn đoán lâm sàng dựa theo những dấu hiệu sau:
- Trẻ bị ho hay sặc khi bú
- Trẻ bị suy hô hấp
- Xuất hiện dấu hiệu của sùi bọt cua
- Không đặt được ống thông dạ dày vào dạ dày
- Tình trạng viêm phổi
- Thấy có số dị tật khác đi kèm theo.
- Chụp x-quang:
- Chụp x-quang phổi
- Chụp x-quang thực quản cản quang. Dựa theo bảng phân loại teo thực quản của Ladd và Gross vào năm 1953 sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra được hướng điều trị và tiên lượng bệnh cho từng đối tượng rõ hơn như sau:
+ Type A: Thực quản bị teo không có dò (8%).
+ Type B: Thực quản bị teo có dò đầu gần thực quản – khí quản, lỗ rò đoạn trên (< 1%). Theo như mặt giải phẫu bệnh thì type này bao gồm túi bịt thực quản cả 2 đầu nhưng lại có thêm đường rò khí-thực quản ở đầu bên trên.
+ Type C: Teo đường tiêu hóa có dò đầu xa thực quản - khí quản, lỗ rò đoạn dưới (86%). Thể này thường được đặc trưng bởi túi bịt thực quản ở đầu phía trên và đường rò khí-thực quản ở đầu bên dưới.
+ Type D: Teo thực quản đường tiêu hóa có dò hai đầu thực quản – khí quản, lỗ rò đôi (< 1%)
+ Type E: Dò thực quản - khí quản không teo (còn gọi là dò dạng H) (4%)
+ Type F: Hẹp thực quản (<1%).
4. Điều trị bệnh teo thực quản ở trẻ
Khi trẻ bị teo thực quản thì phương pháp được sử dụng để điều trị phổ biến và hiệu quả nhất chính là phẫu thuật. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ thực loại phẫu thuật sao cho phù hợp. Mục đích chung của phẫu thuật là cắt, khâu cột đường dò khí quản - thực quản (nếu có).
Các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật bằng cách khâu hai đầu thực quản lại với nhau nếu như trẻ bị teo đường tiêu hóa với khoảng cách nhẹ. Việc này sẽ giúp thông đường tiêu hóa từ miệng tới dạ dày trở lại.
Còn với những trường hợp teo thực quản có khoảng cách quá lớn. Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật bằng cách lấy một đoạn ruột đưa lên rồi ghép nối với thực quản. Hoặc có thể đưa đầu trên của thực quản ra cổ, rồi mở thông dạ dày để cho trẻ ăn được. Tiếp đó, bệnh nhi sẽ được thực hiện phẫu thuật tạo hình thực quản sau 6 tháng.
Teo thực quản là căn bệnh hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm và có thể xảy ra nhiều biến chứng xấu. Vậy nên việc phát hiện và điều trị kịp thời teo thực quản ở trẻ sơ sinh cực kỳ quan trọng nhằm tránh khỏi nguy cơ tử vong. Thăm khám thai kỳ nhằm phát hiện sớm để thực hiện phẫu thuật sẽ giúp tránh khỏi các nguy cơ biến chứng nguy hiểm xảy ra với trẻ.
- Bé khò khè đờm ở cổ có phải viêm phế quản không?
- Trẻ khó thở, bú ngắt quãng và ho là bị sao?
- Trẻ sơ sinh thở mạnh bụng phập phồng khi ngủ có phải bị viêm phế quản?