Mục lục
Thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi được xem như vận động cần thiết cho các chức năng di chuyển thường nhật thông thường mà người bệnh cần tự mình thực hiện hay thực hiện có trợ giúp với dụng cụ hoặc bằng sự trợ giúp của người điều trị. Bài viết sẽ hướng dẫn thêm cách tập thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi đúng cách.
1. Những người sẽ được thực hiện bài tập thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi
Tư thế ngồi được xem như một trong những tư thế thoải mái, tự nhiên, vững vàng và được dùng nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày. Những trường hợp sẽ được chỉ định thực hiện bài tập thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi đúng cách bao gồm:
- Những người nằm lâu tại giường sẽ được áp dụng bài tập để thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi
- Thực hiện thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi khi chuẩn bị chuyển từ giường qua ghế và xe lăn
- Áp dụng trong những trường hợp người bệnh cần được ngồi để cố định xương chậu, đồng thời tập cột sống với những cử động xoay trong vị thế ngồi.
- Áp dụng trường hợp người bệnh cần được ngồi để tập cử động cẳng bàn chân trong trạng thái không chịu trọng lượng của cơ thể
- Áp dụng trong trường hợp người bệnh cần được ngồi để rèn luyện tư thế đúng cho phần trên của cơ thể.
Tuy nhiên, với một số trường hợp cụ thể sẽ không được áp dụng bài tập thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi. Chẳng hạn như: Người bệnh có rối loạn tri giác nhận thức, không hiểu được lệnh của người điều trị đồng thời không có khả năng điều khiển được các cử động của cơ thể. Hay những người bệnh bị gãy xẹp thân đốt sống, gãy xương chậu mới can xương chưa chắc có thể độ 1 hoặc độ 2.
2. Thực hiện tập tay đổi tư thế từ nằm sang ngồi đúng cách
Người điều trị lựa chọn bài tập và kỹ thuật phù hợp với tình trạng khiếm khuyết của người bệnh để có thể đạt được mục đích tốt nhất.
Tiếp đến người điều trị sẽ giải thích mục đích áp dụng bài tập, quy trình tập cho người bệnh có thể hiểu được nhằm giúp cho người bệnh cùng hợp tác thực hiện đồng thời tạo sự tin tưởng giúp người bệnh có thể thư giãn và thả lỏng tốt hơn. Kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng quát, huyết áp của người bệnh để chắc chắn người bệnh không bị chóng mặt hay hạ huyết áp khi thực hiện ngồi dậy. Người điều trị còn giúp người bệnh áp dụng kỹ thuật thư giãn trước khi tập ngồi dậy nếu cơ thể của người bệnh co cứng cơ ở các chi hay thân mình.
Người bệnh ngồi dậy từ vị thế nằm nghiêng một bên - vị thế này thường dùng cho người bệnh liệt bán thân: Bắt đầu quy trình này người bệnh nằm nghiêng một bên sát mép giường, tay trên dọc trên thân, người điều trị sẽ trợ giúp cho người bệnh đưa hai chân ra khỏi mép giường, sau đó người điều trị sẽ hướng dẫn cho người bệnh nâng đầu và vai lên đồng thời chống tay dưới đẩy nâng thân mình lên để ngồi dậy.
Người bệnh sẽ tự ngồi dậy từ vị thế nằm ngửa - vị thế này thường dùng cho người bệnh liệt hai chi dưới hay người bệnh nằm trên giường lâu ngày: Bắt đầu với việc nằm ngửa, hai tay dọc thân mình, nâng đầu dậy hoặc nâng hai vai bằng cách tì trên hai khuỷu tay, chịu sức nặng trên bàn tay, tiếp đến sẽ duỗi cánh tay và cẳng tay. Sau đó, người bệnh từ từ nâng thân mình luân phiên hay đồng thời lùi hai bàn tay về phía sau để ngồi dạy hoàn toàn, tiếp tục đưa hai tay về phía trước đặt lên đùi để giữ vững vị thế ngồi.
Người bệnh ngồi dậy từ vị thế nằm ngửa có sự trợ giúp của người điều trị. Bài tập này thường áp dụng cho người bệnh liệt hai chi dưới: Người bệnh thực hiện níu tay một người ngồi cuối giường để ngồi dậy, hoặc có thể níu thang day hay bám vào thành song song hai bên giường để ngồi dậy.
Người bệnh ngồi dậy một bên từ vị thế nằm sấp. Bài tập thường được áp dụng cho trẻ em chậm phát triển vận động hoặc những trẻ mắc bệnh bại não. Người bệnh thực hiện nằm sấp, nâng đầu dậy bằng cách duỗi cổ, sau đó đặt một hoặc hai bàn tay trên nệm hoặc sàn nhà ngay phía dưới khớp vai, tiếp tục chống tay duỗi khuỷu để đẩy thân đồng thời xoay thân, tiếp tục đẩy người vào vị thế ngồi một bên. Nếu sử dụng một tay để đẩy, người bệnh thực hiện xoay và ngồi về phía tay đó.
3. Theo dõi và xử trí tai biến khi thực hiện bài tập thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi
Người điều trị cần theo dõi người bệnh về các chỉ số như mạch đập an toàn, huyết áp trước và sau khi thực hiện bài tập nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh đặc biệt đối với những người bệnh đã nằm lâu tại giường từ thời gian trước đó.
Trong quá trình luyện tập nếu người bệnh cảm thấy mệt thì người điều trị thực hiện giảm cường độ luyện tập giúp người bệnh thích ứng được với bài tập và có thể nâng cao cường độ tập luyện khi người bệnh cảm thấy thoải mái nhất.
Nếu người bệnh có thể tự tập ngồi dậy từ vị thế nằm vững và an toàn theo đúng quy cách, thì người bệnh có thẻ được chuyển sang giai đoạn tập ngồi thăng bằng tĩnh và động.
Trong trạng thái người bệnh bị tụt huyết áp tư thế, chóng mặt thì người điều trị có thẻ áp dụng một số cách dự phòng như có thể nâng đầu giường từ từ và tăng dần để tránh tình trạng hạ huyết áp tư thế đối với bệnh nhân đã nằm lâu tại giường bệnh trước khi thực hiện bài tập cho bệnh nhân ngồi dậy.
- Bị ngã dập tủy có thể điều trị không?
- Viêm tủy ngang điều trị thế nào?
- Trẻ 2 tuổi chưa biết nói, chưa biết đi có phải bị bại não?