Mục lục
Tập nhai là phương pháp sử dụng những bài tập để phục hồi chức năng nhai cho người nhai kém. Bởi vì chức năng nhai-nuốt có ảnh hưởng trực tiếp tới việc lựa chọn thức ăn và chế độ dinh dưỡng, đồng thời tác động gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc các bệnh lý toàn thân.
1. Phục hồi chức năng nhai
Tập nhai là phương pháp sử dụng những bài tập để phục hồi chức năng nhai ở người bệnh nhai kém. Khi người bệnh bị cơ nhai yếu thì không thể nhai thức ăn hoặc hiệu quả nhai thức ăn kém, không kỹ dẫn tới thức ăn chưa nhuyễn được nuốt vào dạ dày.
Tiêu chuẩn cần đạt được sau khi hướng dẫn tập nhai để phục hồi chức năng nhai ở bệnh nhân nhai kém đó là:
- Người bệnh tự nhai được
- Gia đình tự làm được.
2. Chỉ định và chống chỉ định
2.1 Chỉ định
Chỉ định tập nhai cho những bệnh nhân có khó khăn về chức năng nhai
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định tập phục hồi chức năng nhai cho những trường hợp sau:
- Người bệnh lơ mơ hoặc đang hôn mê.
- Viêm đường hô hấp trên, dưới.
- Xuất tiết nhiều đờm dãi
- Co giật
3. Bài tập nhai
3.1 Chuẩn bị
Người thực hiện hướng dẫn bài tập nhai: bác sĩ, điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
Phương tiện:
- Khăn bông (dùng để choàng trên người).
- Thức ăn: Cơm, bánh mì hoặc bánh quy cứng,...
Người bệnh: tạo môi trường ăn yên tĩnh, thoải mái cho bệnh nhân.
- Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị hồ sơ bệnh án khi có chỉ định của bác sĩ
3.2 Các bước tiến hành
Các bước thực hiện bài tập nhai để phục hồi chức năng nhai bao gồm:
- Tư thế: đặt người bệnh ngồi ở tư thế đầu cao khoảng 30-90°, gối kê sau đầu, choàng khăn ăn trước ngực người bệnh và duy trì tư thế ăn thoải mái.
- Cho bệnh nhân nhìn thức ăn sẽ được ăn. Đồng thời, giới thiệu về những món ăn đó để kích thích tăng sự thèm ăn, giúp xuất tiết dịch tiêu hóa.
- Làm mẫu các động tác nhai.
- Đặt thức ăn vào vị trí răng hàm và yêu cầu người bệnh thực hiện lại động tác nhai.
- Trợ giúp bệnh nhân bằng tay (giúp cho hàm dưới di chuyển). Yêu cầu người bệnh sử dụng lưỡi đẩy thức ăn sang hai bên hàm.
- Cho người bệnh nhai bằng miếng thức ăn nhỏ.
- Người bệnh có thể không nhất thiết phải nuốt được thức ăn vừa nhai.
- Động viên bệnh nhân khi họ thực hiện được đúng động tác.
Một số vấn đề cần chú ý khi tập nhai cho người nhai kém bao gồm:
- Nên cho người bệnh ăn thong thả không hối hả, thức ăn có kích thước vừa đủ để bệnh nhân nhai dễ hơn.
- Với những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, thức ăn được đưa vào phía bên miệng không bị liệt.
- Thức ăn phải đưa vào đúng vị trí răng hàm, để người bệnh nhai và nuốt hết thức ăn có trong khoang miệng mới tiếp tục bón thìa thức ăn.
- Hết bữa ăn, vệ sinh răng miệng cho người bệnh.
- Hướng dẫn người nhà các bài tập nhai và cách làm, đồng thời ghi hồ sơ.
4. Theo dõi và xử trí tai biến
Khi tập nhai, người bệnh cần được theo dõi các vấn đề như ho, sặc, tím tái, khó thở,... Sau khi ăn xong cho người bệnh nghỉ ngơi khoảng 30 phút ở tư thế ngồi, sau đó mới giúp bệnh nhân nằm xuống, để phòng ngừa thức ăn trào ngược lên cổ họng. Trong thời gian tập luyện bài tập nhai, vẫn phải lưu lại ống thông mũi dạ dày hoặc bằng các phương thức khác, nhằm bổ sung đầy đủ lượng nước và dinh dưỡng cần thiết.
Các vấn đề có thể gặp phải khi tập nhai cho người bệnh và cách xử trí như sau:
- Khi bệnh nhân ho, phải tạm dừng đút thức ăn. Để người bệnh được nghỉ ngơi ít nhất là 30 phút, rồi sau đó mới cho tập nhai lại, nếu người bệnh cứ ho mãi thì cần phải hoãn lại thời gian dài mới có thể cho bệnh nhân tập nhai lại.
- Khi bị mắc nghẹn hoặc bị sặc, cần phải giúp bệnh nhân tống hết thức ăn ra khỏi miệng: dùng tay lấy thức ăn ra khỏi miệng bệnh nhân, kết hợp với vỗ lưng hoặc sử dụng nghiệm pháp heimlich bằng cách đứng phía sau lưng của người bệnh. Đồng thời hai tay ôm ghì bụng của bệnh nhân, sau đó ấn nhanh và mạnh theo hướng trong, hích mạnh và chếch lên phía trên, để tống được thức ăn ra khỏi miệng. Ngoài ra, có thể sử dụng ống hút đờm nhớt để giúp hút thức ăn ra ngoài.
Tóm lại, tập nhai là phương pháp sử dụng những bài tập để phục hồi chức năng nhai cho người nhai kém. Bởi vì chức năng nhai-nuốt có ảnh hưởng trực tiếp tới việc lựa chọn thức ăn và chế độ dinh dưỡng, đồng thời tác động gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc các bệnh lý toàn thân. Do đó, người bệnh nhai kém cần được phục hồi chức năng nhai để có được chế độ dinh dưỡng tốt, đồng thời hồi phục bệnh nhanh chóng.
- Vì sao bé không chịu nhai chỉ nuốt chửng?
- Mệt mỏi, ngạt mũi có phải triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp không?
- Xử trí an toàn dị vật đường thở ở trẻ em