Mục lục
Thất ngôn là một rối loạn chức năng ngôn ngữ có thể liên quan đến giảm khả năng hiểu hoặc diễn đạt các từ hoặc ý nghĩa tương đương không bằng lời của từ. Người bệnh có rối loạn về giao tiếp cần được phục hồi chức năng bằng phương pháp ngôn ngữ trị liệu.
1. Thất ngôn là gì?
Thất ngôn là một rối loạn chức năng ngôn ngữ có thể liên quan đến giảm khả năng hiểu hoặc diễn đạt các từ hoặc ý nghĩa tương đương không bằng lời của từ. Đây là tình trạng rối loạn ngôn ngữ do tổn thương bán cầu não, là hậu quả của sự rối loạn chức năng của các trung tâm ngôn ngữ ở hạch nền và vỏ não hoặc các đường dẫn truyền trong chất trắng kết nối chúng. Thất ngôn bao gồm:
- Rối loạn một hoặc nhiều chức năng về hiểu lời nói và hiểu chữ viết, thể hiện bằng lời nói và thể hiện bằng chữ viết.
- Rối loạn về một hoặc nhiều lĩnh vực ngôn ngữ như: âm vị học, ngữ nghĩa học, hình thái học và dụng học.
Nguyên nhân dẫn tới thất ngôn là hậu quả của những bệnh lý không gây tổn thương tiến triển như viêm não, đột quỵ, chấn thương vùng đầu. Phương pháp điều trị thất ngôn bao gồm điều trị nguyên nhân gây bệnh, tập cho người thất ngôn bằng liệu pháp ngôn ngữ, thiết bị hỗ trợ giao tiếp.
XEM THÊM: Phục hồi chức năng cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ
2. Chỉ định và chống chỉ định tập liệu pháp ngôn ngữ
2.1 Chỉ định
Chỉ định phục hồi chức năng ngôn ngữ cho người bệnh có rối loạn ngôn ngữ, rối loạn về giao tiếp do tổn thương bán cầu não.
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định đối với những người bệnh có rối loạn về giao tiếp không do tổn thương bán cầu não.
3. Tập cho người thất ngôn
3.1 Chuẩn bị
Người thực hiện tập cho người thất ngôn đó là kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu.
Phương tiện bao gồm các dụng cụ đánh giá:
- Tranh ảnh: 05 tranh đồ vật, 05 tranh chữ cái, 05 tranh hành động, 05 tranh màu sắc và 05 tranh số lượng.
- Tranh chữ: 20 tranh câu dài và 10 tranh câu ngắn.
- 1 bức tranh có chủ đề
Người bệnh: người bệnh có rối loạn ngôn ngữ do tổn thương bán cầu não.
Hồ sơ bệnh án bao gồm biểu mẫu phân loại thất ngôn và biểu mẫu đánh giá thất ngôn.
3.2 Kiểm tra người bệnh
Hội thoại:
- Hỏi người bệnh về thông tin liên quan như: tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ và đồng thời ghi câu trả lời vào phiếu đánh giá.
- Bệnh nhân tự kể về gia đình, công việc và tiền sử bệnh.
- Tự kể một bức tranh có chủ đề mà người đánh giá đưa ra.
Đánh giá nghe hiểu:
- Nghe và chỉ vào các bức tranh có sẵn.
- Nghe và chỉ vào những bộ phận trên cơ thể.
- Làm theo những mệnh lệnh từ mức độ dễ đến khó.
Lời nói:
- Làm theo các cử động miệng của kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu.
- Nói chuỗi tự động số hoặc chữ.
- Nhắc lại các phát ngôn vừa nghe thấy
- Đọc chữ
- Trả lời định danh
- Định danh hình vẽ.
- Hiểu ngôn ngữ viết
- Phân biệt ký hiệu và từ.
- Chọn từ khi được nghe.
- Hiểu từ khi nghe đánh vần.
- So cặp tranh và chữ.
Viết:
- Viết chính tả.
- Viết về bản thân
3.3 Thực hiện kỹ thuật
- Tùy thuộc vào dạng thất ngôn dạy người bệnh nhằm vào những chức năng ngôn ngữ đang bị tổn thương.
- Lồng ghép việc dạy vào những hoạt động hàng ngày.
- Dạy từ dễ đến khó.
- Sử dụng kỹ năng nhắc.
- Phối hợp với nhiều những phương pháp giao tiếp hỗ trợ khác như: tranh ảnh và cử chỉ,...
- Có thể chia các phần đánh giá ngôn ngữ trong nhiều buổi.
3.4 Theo dõi và xử trí tai biến
- Trong khi tập: bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thì cần phải ngừng tập và theo dõi sát người bệnh.
- Sau khi tập: mệt mỏi kéo dài và tình trạng toàn thân của bệnh nhân có biểu hiện bất thường thì ngừng tập và cần tiến hành xử trí tai biến đó.
Tóm lại, thất ngôn là một rối loạn chức năng ngôn ngữ có thể liên quan đến giảm khả năng hiểu hoặc diễn đạt các từ hoặc ý nghĩa tương đương không bằng lời của từ. Tập cho người thất ngôn hay còn được gọi là phục hồi chức năng ngôn ngữ là phương pháp ngôn ngữ trị liệu được sử dụng kết hợp với những phương pháp điều trị nguyên nhân và thiết bị hỗ trợ giao tiếp.
- Phục hồi chức năng nói ngọng, nói lắp và thất ngôn
- Cách nào để trẻ nhanh biết nói?
- Có nên dạy trẻ tập nói sớm không?