Mục lục
Bé bắt đầu ăn dặm được coi là bước ngoặt lớn trong "quá trình dinh dưỡng" của con. Giai đoạn này có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ, sức khỏe,... của bé sau này. Nếu ngay từ giai đoạn đầu, mẹ đi không đúng hướng thì bé có thể sợ hãi thức ăn, dẫn đến biếng ăn và hấp thụ kém. Do đó, tập cho bé ăn dặm đúng cách rất quan trọng để hỗ trợ bé phát triển toàn diện.
1. Cách cho bé ăn dặm đúng cách
Ăn dặm là một giai đoạn quan trọng trong chu kỳ tăng trưởng của trẻ, vì đây là bước đầu tiên để trẻ làm quen với các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Do đó, việc mẹ cho bé làm quen với thức ăn như thế nào là vô cùng quan trọng. Cho bé ăn dặm là một quá trình chậm, đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và hiểu biết của cha mẹ.
1.1. Khi nào nên tập cho bé ăn dặm?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tập ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi, vì nguồn sữa mẹ lúc này không còn cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ, hệ tiêu hóa của trẻ đã dần hoàn thiện nên có thể tiêu hóa được những loại thức ăn đậm đặc hơn sữa mẹ.
Các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng để làm quen với thức ăn đặc như:
- Trẻ đủ 6 tháng tuổi
- Trẻ có thể ngồi mà không cần hoặc cần rất ít sự trợ giúp
- Trẻ có thể kiểm soát đầu tốt
- Trẻ có thể cầm nắm và đưa thức ăn vào miệng
- Trẻ có dấu hiệu nhai theo khi thấy người lớn ăn gì đó
- Trẻ vẫn đói sau khi đã được bú mẹ
1.2. Bắt đầu với thực phẩm nào?
Bữa ăn của trẻ phải có đủ 4 nhóm thực phẩm chính: Tinh bột (gạo tẻ, gạo nếp, ngô...); chất đạm (các loại cá, thịt, trứng, sữa...); chất béo (gồm có dầu thực vật, mỡ động vật); chất xơ (rau, củ, quả); vitamin và khoáng chất (các loại rau xanh, các loại củ). Nhưng khi mới bắt đầu giới thiệu thức ăn cho trẻ, các mẹ nên cho con ăn riêng biệt từng loại thức ăn thay vì trộn chung chúng lại với nhau.
Nếu bạn lựa chọn nuôi con theo phương pháp truyền thống bằng bột gạo hoặc cháo xay, nên bắt đầu với bột nguyên chất hay bột pha sữa mẹ, sau đó mới thêm đạm, tiếp đến là dầu và cuối cùng là rau. Không khuyến khích mẹ lựa chọn bột ăn dặm cho con. Tuy nhiên, nếu mẹ quá bận rộn và phải cho con ăn bột ăn dặm thì hãy bắt đầu bằng bột chỉ chứa một loại ngũ cốc, không nên dùng bột ngũ cốc hỗn hợp. Mẹ cũng có thể bắt đầu bằng các loại quả chín hoặc rau củ mềm hấp rồi nghiền nát (như quả chuối, quả bơ, bí ngô, cà rốt, khoai lang...), sau đó mới tập cho bé ăn thêm thịt và rau xanh.
Nếu tập cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy thì cần chú trọng đến chế độ ăn uống cân bằng. Người lớn cần nhiều chất xơ hơn chất béo để tiêu hóa thức ăn phức tạp nhanh hơn, trong khi trẻ nhỏ cần nhiều chất béo hơn chất xơ. Quá nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống sẽ ngăn cản sự hấp thụ chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác cần thiết trong giai đoạn này. Giai đoạn đầu khi bắt đầu tập cho bé ăn dặm với thức ăn rắn, bạn nên lựa chọn các loại rau củ nghiền hoặc xay nhuyễn như cà rốt, bí đỏ, khoai tây, khoai lang...; trái cây xay nhuyễn như táo hấp, lê hấp, chuối nghiền; các loại ngũ cốc chọn loại không có chứa gluten. Sau đó có thể bắt đầu với các loại thịt, thức ăn dạng viên, thanh...
Việc lựa chọn phương pháp ăn dặm nào cho trẻ là tùy thuộc hoàn toàn vào điều kiện của mỗi gia đình cũng như nhu cầu của mẹ và bé. Không có nguyên tắc là mẹ phải bắt đầu từ thực phẩm nào. Mẹ chỉ cần nhớ là nên bắt đầu bằng loại thức ăn ít có khả năng gây dị ứng và gần giống với loại sữa trẻ đang dùng nhất. Ví dụ như nếu bé đã quen với vị của sữa mẹ thì hãy thử bắt đầu bằng cách nghiền chuối chín trộn với một chút sữa mẹ cho trẻ ăn. Nếu bé quen với vị ngọt hơn của sữa công thức, bạn có thể bắt đầu bằng loại quả có vị nhạt như quả bơ. Tuy nhiên, khẩu vị và nhu cầu của các bé rất khác nhau, vì vậy mẹ cần thử nghiệm để tìm ra phương án thích hợp nhất cho bé yêu của mình.
2. Tập cho bé ăn dặm như thế nào?
2.1. Bắt đầu như thế nào?
Trước khi bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cho con chơi với thìa nhựa để thử phản ứng của bé. Nếu trẻ có thể tự đưa thìa vào miệng chính xác thì việc tập luyện có thể bắt đầu. Lựa chọn thời điểm cả mẹ và bé đều cảm thấy thoải mái để bắt đầu tập ăn dặm.
Đặt bé ngồi ngay ngắn để tránh bị sặc, nên dùng ghế ăn dặm để tập cho con thói quen ngồi vào ghế là bắt đầu bữa ăn. Dùng thìa nhựa an toàn để xúc thức ăn cho bé. Mẹ nên lựa chọn loại thìa nhựa nông, có viền tròn và nhẵn, nếu có thể chọn loại thìa nhựa báo nóng càng tốt. Loại thìa này không bị nóng quá hoặc lạnh quá như các thìa kim loại và không gây tiếng ồn lớn khi rơi hay va đập. Cần cho bé làm quen với một bữa ăn chuẩn mực, đó là ngồi thẳng, ăn thức ăn được đút bằng thìa, nghỉ giữa các lần đút và ngừng khi đã no. Những việc làm này sẽ tạo cho bé một thói quen ăn uống lành mạnh suốt cuộc đời.
Khởi đầu bữa ăn bằng 1/2 thìa cà phê thức ăn hoặc ít hơn. Trong khi cho bé ăn dặm, hãy trò chuyện với trẻ. Một vài lần đầu, bé có thể sẽ bối rối, nhăn nhó, đẩy thức ăn quanh miệng hay nhè hết ra. Đó chỉ là những phản ứng bình thường. Để việc tập cho bé ăn dặm lần đầu tiên bớt khó khăn, bạn có thể cho con bú một ít sữa mẹ hoặc sữa công thức trước khi cho trẻ ăn thức ăn đặc.
Một trong những vấn đề khiến nhiều bà mẹ trẻ không khỏi băn khoăn đó là nên tập ăn dặm cho trẻ vào thời điểm nào trong ngày, buổi sáng hay buổi chiều? Về nguyên tắc, để việc ăn dặm không trở thành “cuộc chiến”, mẹ nên chọn thời điểm bé vui vẻ nhất trong ngày và có biểu hiện muốn ăn. Trẻ bú sữa mẹ thường hào hứng ăn hơn vào cuối ngày, khi nguồn sữa mẹ kém dồi dào. Còn trẻ được nuôi bằng sữa công thức lại thường hay đói nhất vào buổi sáng, sau khoảng thời gian dài ngủ đêm.
Khi mẹ muốn cho con ăn món mới, nên bắt đầu vào buổi sáng vì nếu bé có phản ứng dị ứng với thức ăn thì tới sẽ dễ dàng xử lý hơn và vào khoảng thời gian chiều tối các hiện tượng rối loạn tiêu hóa cũng chấm dứt. Bắt đầu một món ăn mới vào buổi tối đồng nghĩa với việc mẹ có nguy cơ phải thức trắng đêm vì con.
Thông thường, trẻ có thể tiến 2 bước rồi lại lùi 1 bước, điều này có nghĩa là ngày hôm nay bé có thể ăn vài thìa cà phê bột ngon lành, nhưng sang ngày hôm sau bé lại chỉ chịu ăn 1 thìa hoặc thậm chí không ăn. Hôm nay bé có thể vồ vập với món bột thịt, nhưng ngày mai lại nhất định không chịu ăn đúng món đó. Đấy cũng là chuyện hết sức bình thường.
2.2. Quan sát phản ứng của trẻ
Sau lần thử đầu tiên, nếu bé tỏ ra háo hức, há miệng và vui vẻ tiếp nhận đồ ăn thì bạn có thể yên tâm là bé đã sẵn sàng. Trái lại, nếu bé ngậm chặt miệng, nhăn mặt, ngoảnh mặt đi hoặc phì thức ăn ra thì đó là biểu hiện trẻ chưa sẵn sàng và mẹ không nên ép con. Việc cả mẹ và con đều cảm thấy vui vẻ trong bữa ăn quan trọng hơn rất nhiều việc phải thực hiện đúng lịch trình ăn cố định.
Nếu lần đầu chưa thành công, mẹ đừng nản chí, hãy kiên trì thử lại. Thông thường phải sau từ 6-10 lần trẻ mới chấp nhận thức ăn mới và khả năng này tăng lên đáng kể sau 12-15 lần thử. Có những bé há miệng to để đón thìa bột mới nhưng không biết cách ngậm miệng lại và cứ thế để bột trào ra ngoài. Mẹ hãy cho bé thêm thời gian để học cách ngậm miệng khi dùng lưỡi di chuyển thức ăn từ trước ra sau. Bột bị đẩy ra ngoài cũng có thể là dấu hiệu cho thấy phản xạ đẩy lưỡi của trẻ chưa hết, khiến trẻ không thể đưa thức ăn ra sau miệng và nuốt được. Nếu sau vài lần thử mà trẻ vẫn há miệng và không thể nuốt thức ăn thì nên chờ thêm 1 hay 2 tuần rồi mới thử lại.
Trường hợp bé nhất định không chịu ăn bằng thìa, mẹ có thể thử dùng ngón tay của mình để xúc thức ăn cho bé. Ngón tay mẹ mềm mại có thể được bé tiếp nhận dễ dàng hơn. Nhưng chú ý rửa sạch tay trước khi cho bé ăn. Dùng ngón tay xúc một chút bột, yêu cầu bé há to miệng và đặt đầu ngón tay của bạn lên môi của bé. Cho bé mút đầu ngón tay này. Tiếp tục dùng đầu ngón tay xúc một chút thức ăn, lần này bạn cần đặt đầu ngón tay của mình vào đầu lưỡi của trẻ (nơi có các nhú cảm nhận vị ngọt). Nếu bé nuốt hay ít nhất là không phì thức ăn ra thì bạn hãy tiếp tục đưa thức ăn vào giữa lưỡi của bé. Một số trẻ có thể chấp nhận đồ ăn dặm theo cách đặc biệt này.
Xét về cấu trúc giải phẫu, các nhú vị giác cảm nhận vị ngọt nằm ở ngay đầu lưỡi, nhú cảm nhận vị mặn nằm ở hai bên lưỡi, nhú cảm nhận vị đắng nằm ở phía cuống lưỡi, còn ở phần giữa lưỡi các nhú vị giác thường trung tính hơn. Vì vậy, khi cho bé tập ăn thực phẩm mới, nên đưa món ngọt vào đầu lưỡi của trẻ. Với các món ít ngọt hơn (rau chẳng hạn) nên đưa vào phần giữa lưỡi để làm tăng cơ hội bé nuốt vào chứ không nhè đồ ăn ra.
3. Những mẹo giúp bạn cho trẻ tập làm quen với thực ăn
- Bắt đầu khi trẻ được 6 tháng
6 tháng là thời điểm tốt cho sức khỏe của bé để bắt đầu hành trình ăn dặm. Cả về thể chất, vận động và tinh thần.
- Bắt đầu với thực phẩm lành mạnh
Trước đây, nhiều bậc cha mẹ cho trẻ ăn ngũ cốc là thức ăn đầu tiên, nhưng đây là một khuyến nghị lỗi thời. Thay vào đó, hãy bắt đầu với bất kỳ loại trái cây hoặc rau củ nào bạn thích. Bí đỏ, khoai lang, đậu Hà Lan, quả bơ và quả chuối đều là những lựa chọn tốt vì chúng có thể dễ dàng được trộn thành một hỗn hợp nhuyễn mịn.
- Độ lỏng hợp lý
Vì đây là lần đầu tiên con bạn ăn thứ gì đó không phải là sữa, nên chắc chắn món ăn đầu tiên bạn cung cấp cho trẻ phải ở độ lỏng vừa phải. Bạn nên thực hiện cách trộn hỗn hợp nhuyễn mịn với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi bé đã dần quen, bạn có thể từ từ cho bé ăn những loại thức ăn đặc hơn, có kết cấu hơn.
- Bắt đầu với một lần ăn mỗi ngày
Những tháng đầu tiên tập ăn đặc là việc cho bé làm quen với mùi vị, kết cấu mới và thói quen ăn thức ăn khác ngoài sữa. Vì vậy, bạn nên bắt đầu từ từ, với một cữ ăn mỗi ngày, vào thời điểm con bạn có tâm trạng tốt và hơi đói. Một giờ hoặc lâu hơn sau khi cho con bú/ bú bình hoặc khi con bạn vui vẻ và nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình
Gần như tất cả calo và chất dinh dưỡng của con bạn sẽ vẫn đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức, vì vậy đừng giảm bớt việc cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình. Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là thức ăn bổ dưỡng nhất cho con bạn và thức ăn đặc sẽ không trở thành phần lớn trong chế độ ăn của bé cho đến 1 tuổi hoặc thậm chí muộn hơn.
- Đừng lo lắng nếu bé không thích thứ gì đó
Bạn có thể cảm thấy lo lắng nếu bé từ chối bông cải xanh, nhưng không cần thiết. Có thể mất 10 lần tiếp xúc với một loại thức ăn trở lên để trẻ bắt đầu thích món đó, vì vậy hãy tiếp tục cho trẻ ăn những thức ăn mà trẻ không yêu thích ngay lập tức, thậm chí có thể trộn lẫn với những thức ăn khác mà trẻ thích. Nếu bạn kiên trì, hầu hết các bé cuối cùng sẽ thích hầu hết các loại thức ăn.
- Chọn thực phẩm hữu cơ bất cứ khi nào có thể
Mua thực phẩm hữu cơ là một trong những cách để hạn chế việc bé tiếp xúc với thuốc trừ sâu độc hại, khó phân hủy (cũng như kháng sinh, hormone tăng trưởng nhân tạo và GMO - không loại nào được phép sản xuất thực phẩm hữu cơ). Thực phẩm hữu cơ là thực phẩm tinh khiết nhất, tốt cho sức khỏe nhất mà bạn có thể cung cấp cho con mình, hỗ trợ canh tác hữu cơ cũng giúp đảm bảo một hệ thống thực phẩm an toàn hơn cho các thế hệ tương lai. Hoặc mẹ có thể tự tay trồng rau cho con ăn.
- Nếm thức ăn của bé
Vì trẻ sơ sinh chỉ là phiên bản nhỏ của người lớn, chúng có khả năng thích những gì bạn thích! Thức ăn dành cho trẻ em sẽ không có đường hoặc muối, nhưng hương vị của thức ăn vẫn phải ngon và có mùi thơm đối với bạn. Nếu điều gì đó không hấp dẫn bạn, rất có thể nó cũng sẽ không hấp dẫn bé.
- Hãy linh hoạt
Trẻ sơ sinh có thể thỉnh thoảng thưởng thức một loại thức ăn mà không phải thức ăn khác hoặc ăn nhiều trong một ngày chứ không phải ngày khác - điều này cũng đúng đối với người lớn. Khi bé mọc răng hoặc ốm, bé có thể không muốn ăn thức ăn đặc trong vài ngày (điều này không sao, miễn là bé vẫn tiếp tục bú mẹ hoặc bú bình). Thay vì tuân theo một lịch trình cho ăn nghiêm ngặt, hãy linh hoạt để đáp ứng những nhu cầu và tâm trạng thay đổi của bé.
- Tạo không khí vui vẻ khi ăn
Một trong những mục tiêu của việc cho ăn đặc là giúp bé trải nghiệm thức ăn một cách tích cực, để bé phát triển mối quan hệ tốt với thức ăn và thích ăn nhiều loại thức ăn lành mạnh trong suốt cuộc đời.
Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Trẻ sinh non có nên ăn dặm muộn hơn trẻ sinh đủ ngày tháng?
- Thời điểm nào nên cho trẻ sinh non ăn dặm?
- Hướng dẫn đầy đủ về ăn dặm theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia