Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Chung Thị Mộng Thuý -Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Táo bón là một trong những vấn đề bố mẹ cần quan tâm đến con trẻ. Trong đó 1/3 trường hợp táo bón của trẻ cần sư can thiệp của bác sĩ nhi.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh có thể là do trẻ không được bú đủ lượng sữa, thiếu nước hoặc mẹ chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức không phù hợp đường hóa của trẻ, hoặc dị ứng sữa... Một số dị tật đường tiêu hóa cũng gây táo bón cho trẻ. Do đó, để khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ 2 tháng tuổi cần tìm nguyên nhân để giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt hơn.
1. Táo bón ở trẻ sơ sinh 2 tháng là như thế nào?
Trẻ sơ sinh bú mẹ thường đi ngoài dễ, trong tháng trẻ đi nhiều lần, ra tháng số lần đi ngoài giảm, phân đặc hơn. Khi 2 tháng tuổi, trẻ bú sữa mẹ có tần suất đại tiện là 1 - 2 lần/ngày, phân có dạng mềm, nát, có màu hoa cải, mùi chua. Ở trẻ bú sữa công thức, tần suất đại tiện có thể ít hơn, phân có dạng rắn và mùi thối hơn.
Táo bón ở trẻ sơ sinh là khi tình trạng trẻ đi ngoài ít hơn 3 lần /tuần , với phân có dạng khô, cứng, trẻ đi khó khăn, trẻ phải rặn nhiều hoặc trẻ đau đớn thậm chí từ chối mỗi khi đi vệ sinh.
2. Nguyên nhân gây táo báo ở trẻ sơ sinh
Phần lớn trẻ bú sữa mẹ đầy đủ sẽ ít bị táo bón hơn bú sữa công thức do sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn. Tuy nhiên, táo bón ở trẻ sơ sinh bú mẹ vẫn có thể xảy ra, nguyên nhân chính đó là trẻ bú ít, bú không đủ lượng sữa cơ thể cần, dẫn đến cơ thể tang tái hấp thu nước gây thiếu nước. Trong 1 số trường hợp chế độ ăn của mẹ quá kiêng khem, ít chất xơ có thể gây bón cho trẻ.
Các trường hợp còn lại, trẻ bú sữa công thức dễ gặp phải tình trạng táo bón hơn. Ngoài các nguyên nhân nêu trên, trẻ bị táo bón có thể là do trẻ mắc các bệnh lý gây táo bón hoặc trẻ đang dùng thuốc gây tác dụng phụ. Chế độ dinh dưỡng của mẹ cũng ảnh hưởng đến việc đi ngoài của trẻ.
3. Cách khắc phục chứng táo bón ở trẻ sơ sinh
Để khắc phục chứng táo bón ở trẻ sơ sinh, có thể áp dụng các cách sau:
- Tăng lượng nước cho cơ thể trẻ bằng cách tăng cường cho bé bú sữa mẹ. Sữa mẹ dễ tiêu hóa nên nếu trẻ bú đủ sẽ vừa giúp bổ sung lượng nước vừa giúp hệ tiêu hóa hoạt động thuận lợi hơn. Nếu mẹ ít sữa thì có thể cho trẻ bú nhiều lần. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây để bài tiết qua sữa mẹ tốt hơn.
- Nếu táo bón ở trẻ sơ sinh bú sữa công thức, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần pha sữa theo đúng hướng dẫn, tránh pha đặc có thể gây táo bón ở trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý trong việc lựa chọn loại sữa công thức phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ.
- Massage giúp kích thích nhu động ruột, giúp trẻ đại tiện dễ dàng hơn bằng cách nhẹ nhàng xoa bụng trẻ theo chiều kim đồng hồ, hoặc thực hiện động tác đạp xe chân của trẻ.
- Khi táo bón ở trẻ sơ sinh gây khó khăn trong việc đại tiện, khiến trẻ rặn và không đi được, cha mẹ có thể dùng que bông mềm có tẩm dầu thực vật hoặc mật ong để kích thích vùng hậu môn của trẻ, giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn tuy nhiện việc kích thích này không nên thực hiện nhiều lần.
Trong trường hợp đã áp dụng các cách trên nhưng không khắc phục được chứng táo bón, hoặc theo dõi thấy trẻ không tăng cân, hay có dấu hiệu bất thường như chướng bụng, nôn ói, biếng bú, quấy khóc, sốt... cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời.
Táo bón ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi có thể xảy ra ở cả trẻ bú mẹ và bú sữa công thức. Có một số cách giúp khắc phục tình trạng táo bón của trẻ. Tuy nhiên, nếu áp dụng nhưng thấy không hiệu quả, cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và có cách xử trí phù hợp, kịp thời.
Khoa nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chính là địa chỉ được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn để thăm khám và điều trị các bệnh lý thường gặp ở trẻ như: táo bón, Viêm tai giữa, sốt nhiễm khuẩn, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm chuyên môn sẽ giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
- Cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon sâu giấc
- Dấu hiệu cảnh báo viêm màng não ở trẻ sơ sinh
- Cách xử lý trào ngược dạ dày ở trẻ em