Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Tăng thân nhiệt ác tính trong gây mê là một biến chứng xảy ra khi sử dụng thuốc gây mê để tiến hành gây mê cho phẫu thuật. Tình trạng tối khẩn cấp này gây ra sự đe dọa đến an toàn tính mạng bệnh nhân một cách nghiêm trọng, do đó cần phải được chẩn đoán đúng đắn và điều trị kịp thời.
1. Tổng quan
Tăng thân nhiệt ác tính trong gây mê hay còn được gọi là sốt cao ác tính - một tai biến hoàn toàn do gây mê. Theo định nghĩa, tăng thân nhiệt ác tính (Malignant Hyperthermia) là một bệnh do thuốc gây ra, tác động lên những cá thể có bệnh lý cơ, đặc trưng bởi hiện tượng tăng dị hóa cơ vân.
Nhìn chung, tỷ lệ mắc tăng thân nhiệt ác tính trong gây mê ở Châu Âu là khoảng 1/200.000 đến 1/300.000 trường hợp. Chưa có số liệu thống kê cụ thể ở Việt Nam. Yếu tố dịch tễ học và tác nhân của bệnh bao gồm:
- Di truyền tính trạng trội;
- Phổ biến hơn ở nam giới;
- Hiếm gặp ở trẻ nhũ nhi;
- Giảm khi trên 50 tuổi;
- Tỷ lệ tử vong thấp hơn 50% ở các nước phương Tây;
- Tỷ lệ mắc là 1/15.000 ở trẻ em và 1/50.000 hoặc 1/150.000 ở người lớn.
2. Nguyên nhân
Sốt cao ác tính trong gây mê thường xảy ra đột ngột, dễ gặp ở những người có bệnh lý rối loạn nhiễm sắc thể. Đến nay, đã có 2 gen được xác định và 4 gen khác đang được phân lập. Hai gen được xác định rõ là:
- Ryanodine (RyR1): Là nguyên nhân phổ biến nhất;
- CACNA1S.
Tình trạng sốt cao ác tính thường khởi phát do một số thuốc gây mê như:
- Nhóm gây mê bốc hơi Halogen: Halothane, Isoflurane, Sevorane, Desflurane, Enflurane;
- Thuốc giãn cơ khử cực Succinylcholine (hay còn gọi là suxamethonium): Có thể rút ngắn thời gian tiềm ẩn và dễ khởi phát tăng thân nhiệt ác tính.
Những loại dược phẩm này khi vào cơ thể người có rối loạn nhiễm sắc thể sẽ gây ra sự giải phóng ồ ạt canxi từ các reticulum sarcoplasmique (trong nội bào), dẫn đến phản ứng co cơ dữ dội. Hậu quả của quá trình trên thúc đẩy:
- Phân hủy glycogen;
- Tạo nhiều sản phẩm lactate;
- Tăng kali máu;
- Rối loạn nhịp thất;
- Myoglobine niệu.
3. Biểu hiện lâm sàng
Những cơn sốt cao ác tính trong gây mê thường bắt đầu với các triệu chứng sau:
- Tăng nhịp tim, nhịp thở;
- Tăng CO2;
- Tăng huyết áp;
- Rối loạn nhịp thất do kích thích hệ thần kinh thực vật và gia tăng kali máu;
- Tăng trương lực cơ dữ dội, đầu tiên là co thắt cơ cắn, sau đó đến các nhóm cơ khác;
- Thân nhiệt tăng cao và nhanh, thường tăng từ 1 - 2°C mỗi 5 phút;
- Toan máu;
- Hạ oxy động mạch;
- Hoạt động cơ xương;
- Tiểu Myoglobin.
4. Chẩn đoán
Đối với chẩn đoán sinh học, chỉ chẩn đoán hồi cứu bằng sinh thiết cơ. Ngoài ra cần chẩn đoán phân biệt tăng thân nhiệt ác tính với biểu hiện của các tình trạng bệnh khác như:
- U tủy tuyến thượng thận;
- Cơn bão giáp;
- Sốt do nhiễm trùng;
- Gây mê và/hoặc giảm đau không đủ;
- U tế bào ưa crom ( Pheochromocytoma);
- Hội chứng đáp ứng viêm;
- Bệnh não thiếu oxy;
- Phản vệ;
- Ngộ độc thuốc;
- Những bệnh lý về cơ khác, đặc biệt là rối loạn dưỡng cơ.
5. Xử trí sốt cao ác tính
5.1. Giai đoạn cấp
- Báo động cho nhiều cán bộ y tế khác đến giúp đỡ;
- Dừng ngay lập tức các thuốc mê nhóm halogen và suxamethonium. Thay đổi toàn bộ hệ thống thở của máy gây mê, đồng thời tăng thông khí với oxy nguyên chất 10 lít/phút;
- Tiêm tĩnh mạch Dantrolene 2 - 3mg/kg (tối đa 10mg/kg) liên tục cho đến khi kiểm soát được các triệu chứng nhịp tim nhanh, co cơ, tăng CO2 và tăng thân nhiệt;
- Điều trị toan chuyển hóa bằng dung dịch natri bicarbonat NaHCO3 1,4% theo xét nghiệm khí máu. Nếu chưa làm xét nghiệm thì dùng liều 1 - 2 ml/kg;
- Hạ thân nhiệt bằng nhiều phương tiện: Rửa dạ dày, bàng quang, trực tràng bằng dung dịch muối 0.9% làm lạnh, lau mát hoặc sử dụng đệm trao đổi nhiệt. Tiếp tục theo dõi nhiệt độ thực quản nhằm đề phòng hạ thân nhiệt thứ phát cho đến khi đạt 38°C;
- Điều trị rối loạn nhịp tim bằng cách kiểm soát toan máu và tăng kali máu. Nếu vẫn còn thì dùng các thuốc chống loạn nhịp. Tuy nhiên không dùng thuốc ức chế canxi vì sẽ làm nặng hơn và gây ngừng tim;
- Theo dõi nồng độ CO2 trong khí thở ra, làm xét nghiệm khí máu, điện giải đồ, chức năng đông máu và chức năng thận;
- Điều trị tăng kali máu bằng cách tăng thông khí, kiềm hóa máu, truyền tĩnh mạch dung dịch insulin trong Glucose. Có thể dùng Calci Clorid 2 - 5 mg/kg nếu tăng kali máu nghiêm trọng;
- Duy trì lượng nước tiểu 2ml/kg/giờ. Đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm và động mạch để theo dõi huyết động. Truyền nhiều dịch và sử dụng lợi tiểu nhằm đề phòng suy thận.
5.2. Giai đoạn sau cơn
- Người bệnh được theo dõi tại phòng hồi sức sau mổ với chế độ đặc biệt nhằm đề phòng tái phát cơn sốt cao ác tính sau điều trị;
- Duy trì Dantrolene 1mg/kg mỗi 6 giờ trong suốt 1 - 2 ngày tiếp theo. Sau đó nếu bệnh nhân có thể uống được thì dùng liều tương tự trong vòng 24 giờ. Nếu cần thiết có thể kéo dài hơn;
- Theo dõi khí máu, men tim, điện giải đồ, chức năng đông máu, thân nhiệt, myoglobine máu và niệu mỗi 6 giờ cho đến khi ổn định. Đặc biệt, nhiệt độ trung tâm phải được theo dõi liên tục tới khi ổn định về mức bình thường;
- Thông báo cho thân nhân gia đình về bệnh lý tăng thân nhiệt ác tính trong gây mê. Dặn dò bệnh nhân phải khai báo thông tin này cho các bác sĩ gây mê biết nếu phải tiến hành những phẫu thuật khác sau này.
6. Tiên lượng và đề phòng
Nhìn chung, nếu điều trị hồi sức tốt, đầy đủ phương tiện, thì tiên lượng tử vong do tăng thân nhiệt ác tính là 5 - 10%.
Do tai biến này thường xảy ra đột ngột trên những bệnh nhân mang gen bất thường nên rất khó đề phòng. Khi khám bệnh, bác sĩ cần phải khai thác kỹ tiền sử của bệnh nhân và những người trong gia đình. Đồng thời cơ sở y tế thực hiện gây mê cũng phải có đủ thuốc và phương tiện để điều trị nếu tai biến xuất hiện. Cụ thể, tất cả các cơ sở sử dụng thuốc mê hơi cần phải có dantrolene sẵn và thiết lập chiến lược xử trí tại chỗ.
Tóm lại, sốt cao ác tính là một rối loạn gen liên quan đến thuốc, tỷ lệ mắc khá nhỏ. Bệnh không có biểu hiện đặc trưng, vì vậy rất cần chẩn đoán phân biệt, loại trừ. Tăng thân nhiệt ác tính trong gây mê có thể chữa khỏi và tỷ lệ tử vong thấp nếu chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa đảm nhận chức năng thăm khám, điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý. Theo đó để nâng cao quy trình thăm khám sức khỏe, cấp cứu và phẫu thuật điều trị, Vinmec đã và đang sử dụng các thiết bị Y tế gây mê hiện đại cùng các loại thuốc gây mê phù hợp với thể trạng người bệnh, tránh tối đa được biến chứng nguy hiểm trong quá trình gây mê.
- Tăng thân nhiệt ác tính: Nhận diện và điều trị
- Phương pháp da kề da hạ sốt thực sự có ý nghĩa?
- Theo dõi nhiệt độ của trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh