Mục lục
Tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim đang ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Người mắc bệnh tim mạch cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu bị nhiễm Covid-19.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Chu Hoàng Vân - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
1. Rối loạn nhịp tim có nên tiêm vắc-xin Covid-19?
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Chu Hoàng Vân, hiện KHÔNG có chống chỉ định tuyệt đối khi tiêm vắc-xin Covid-19, hơn nữa những người có bệnh lý nền này nếu không tiêm vắc-xin mà bị nhiễm Covid-19 thì sẽ rất nặng, nặng hơn những người khác.
Người bệnh có điều kiện đủ để tiêm vắc-xin chống Covid-19 được an toàn là:
- Bệnh tim mạch phải trong giai đoạn dùng thuốc ổn định (không cấp tính).
- Chỉ tiêm vắc-xin trong điều kiện ở cơ sở bệnh viện (có điều kiện cấp cứu , hồi sức).
- Đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu. Cần cung cấp cho Bác sĩ biết chỉ số INR gần nhất (chỉ số đo thời gian đông máu), loại thuốc chống đông đang dùng, nếu trong phạm vi cho phép từ # 2-2.5), bệnh nhân nên duy trì thuốc chống đang dùng hàng ngày khi tiêm. Đảm bảo mũi tiêm bắp sâu và chú ý băng tại chỗ tiêm cẩn thận hơn.
- Nên mang theo thuốc huyết áp đang dùng và có thể bổ sung theo tư vấn của bác sĩ, liên quan đến con số tăng của huyết áp và mạch tại thời điểm tiêm và nên được theo dõi sau tiêm chặt chẽ trước khi về.
- KHÔNG có tiền sử sốc phản vệ dị ứng với thuốc trước đây (nếu có cần khám tư vấn bs chuyên khoa dị ứng trước tiêm )
Các vắc-xin hiện được chấp thuận sử dụng không chứa virus sống. Do đó, không có nguy cơ gây nhiễm trùng cho những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, kể cả bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch có thể làm giảm tác dụng của vắc-xin. Do đó, trước khi tiêm, người bệnh cần cung cấp tất cả loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ có chỉ định và khuyến cáo phù hợp, an toàn.
2. Tăng huyết áp có được tiêm vắc-xin Covid-19?
Theo PGS Chu Hoàng Vân, bệnh nhân tăng huyết áp cũng như các bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch mạn tính khác có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng thậm chí tử vong cao hơn khi mắc Covid-19. Vì vậy đây là nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm chủng sớm để ngăn ngừa xuất hiện các biến cố nặng đó.
Cần lưu ý: Trong thời gian tiêm chủng (trước và sau tiêm) vẫn tiếp tục duy trì thuốc huyết áp, không được dừng thuốc.
Hiện tại, không có khuyến cáo huyết áp là bao nhiêu thì có thể tiêm vắc-xin Covid-19. Không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất khi tiêm chủng, trước khi tiêm, huyết áp nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).
Khi huyết áp quá cao (kể cả tiêm hay không tiêm vắc-xin) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch/ đột quỵ. Ngoài ra, huyết áp cao gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá một số phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản vệ sau tiêm vắc-xin. Các trường hợp dù đã tối ưu điều trị tăng huyết áp nhưng huyết áp vẫn cao thì cần được tiêm ở các cơ sở y tế có khả năng theo dõi, xử trí hồi sức tốt.
- Tin Covid ngày 05/6: Trẻ em dưới 15 tuổi thực hiện cách ly tại nhà
- Khó thở kèm đau tức ngực sau khi tiêm vacxin Covi-19 có sao không?
- Tiêm vắc-xin Covid-19 cách tiêm vắc-xin HPV bao lâu?