Mục lục
Thuốc chống đông thường được kê đơn cho bệnh nhân bị huyết khối, nhất là huyết khối mạch vành. Thuốc chống đông gồm thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu và thuốc kháng vitamin K. Theo đó, vitamin K có thể gây nguy hiểm cho người đang dùng thuốc chống đông. Vì thế, cần cân bằng giữa hàm lượng vitamin K ăn vào và liều lượng thuốc.
1. Vitamin K có thể gây nguy hiểm cho người đang dùng thuốc chống đông
Thuốc chống đông máu gồm thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu, thuốc kháng vitamin K và thuốc chống đông đường uống trực tiếp. Thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu ức chế hình thành cục máu đông bằng cách ức chế hoạt hoá tiểu cầu, ngăn chặn sự kết tập tiểu cầu thông qua ức chế các men và thụ thể. Thuốc kháng vitamin K như Sintrom, Warfarin ức chế quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K.
Vitamin K là một enzym gan đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp các yếu tố đông máu như yếu tố II (prothrombin), các yếu tố VII, IX, X. Vitamin K thuộc nhóm các vitamin hòa tan trong chất béo, rất cần thiết cho quá trình hỗ trợ đông máu và điều chỉnh sự đông máu.
Thuốc chống đông thường được chỉ định cho bệnh nhân đã được chẩn đoán có huyết khối ( ví dụ như huyết khối tĩnh mạch sâu) hoặc có nguy cơ xuất hiện huyết khối, nhất là huyết khối mạch vành, để dự phòng các biến chứng như nhồi máu não, thuyên tắc phổi,... Khi dùng thuốc chống đông, đặc biệt là các thuốc kháng vitamin K chẳng hạn như Sintrom, Warfarin nên lưu ý đến sự tương tác với các thuốc khác và thức ăn, nhất là vitamin K. Nếu đột ngột tăng lượng vitamin K trong chế độ ăn uống có thể làm giảm tác dụng của warfarin và sintrom. Điều này dẫn đến giảm hiệu quả ức chế hình thành cục máu đông, dễ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
2. Cách cân bằng lượng vitamin K với liều lượng thuốc chống đông
Khi dùng thuốc chống đông, cần cân bằng giữa lượng vitamin K ăn vào và liều lượng thuốc. Điều quan trọng là không nên loại bỏ vitamin K ra khỏi khẩu phần ăn vì vitamin K có trong nhiều loại thực phẩm lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng. Bệnh nhân cần duy trì lượng vitamin K nhất định và kiểm tra chức năng đông máu định kỳ.
Các cách giúp kiểm soát lượng vitamin K ăn vào như sau:
2.1. Chú ý đến nhãn thực phẩm để giữ cho lượng vitamin K ăn vào luôn ổn định
Bệnh nhân có thể ăn một lượng vitamin K nhất định mỗi ngày, mỗi tuần hoặc ba lần trong một tuần - miễn duy trì chế độ ăn và tần suất này nhất quán.
Các loại rau xanh như rau bina, bông cải xanh và rau diếp rất giàu vitamin K. Ngoài ra, các loại thực phẩm như kiwi, măng tây và đậu nành cũng là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào. Trong các thức ăn chế biến sẵn, người bệnh nên đọc kỹ thành phần và hàm lượng từng chất.
Có nhiều loại rau củ có chứa hàm lượng vitamin K thấp hơn, bao gồm: cà chua, ớt, cà rốt, súp lơ trắng, dưa leo, khoai tây, khoai lang, bí.
2.2. Cẩn thận với các thực phẩm chức năng, thảo dược và bổ sung omega-3 (EPA / DHA)
Bệnh nhân có thể cần tránh một số thực phẩm chức năng, thảo dược, omega - 3 và cả các loại vitamin tổng hợp để giữ giá trị máu ổn định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc uống kèm để đảm bảo rằng chúng không tương tác với thuốc chống đông máu.
2.3. Uống thuốc chống đông máu một cách nhất quán
Một cách khác để quản lý hiệu quả hoạt động của thuốc chống đông máu là dùng liều lượng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày và hãy đảm bảo lượng vitamin K luôn phù hợp. Kiểm tra chức năng đông máu định kỳ sẽ giúp cho người bệnh biết tác dụng của thuốc chống đông có đạt mục tiêu điều trị với liều hiện tại hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ cân chỉnh liều thuốc và hàm lượng vitamin K ăn vào cho phù hợp.
Nguồn tham khảo: healthline.com, health.clevelandclinic.org
- Sử dụng thuốc kháng vitamin K ở bà mẹ mang thai
- Rung nhĩ và nguy cơ mắc đột quỵ
- Tại sao con người dễ bị bầm tím?