Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Trẻ thiếu kẽm có thể đóng một vai trò trong căn nguyên của chứng chán ăn. Các triệu chứng trẻ biếng ăn và thiếu kẽm đôi khi tương tự nhau, ví dụ như sụt cân, chán ăn, buồn nôn, chậm tăng trưởng so với tuổi và tổn thương da, nhiễm trùng tái đi tái lại. Do đó, nhận biết được tình trạng thiếu kẽm gây biếng ăn và can thiệp kịp thời thì sẽ giúp cải thiện chứng chán ăn ở trẻ.
1. Tại sao trẻ thiếu kẽm lại biếng ăn?
Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể gây chậm tăng trưởng và phát triển ở trẻ em. Chậm tăng trưởng có nhiều tác động xấu, như các vấn đề về nhận thức và miễn dịch. Suy dinh dưỡng có các nguyên nhân khác nhau, bao gồm yếu tố kinh tế xã hội, thiếu kiến thức về nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em và nhiều gia đình không có thông tin đầy đủ cũng như lo ngại đúng mức về việc trẻ biếng ăn.
Chế độ ăn thiếu cân đối hoặc đơn điệu và thiếu vi chất dinh dưỡng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ăn uống không đủ thành phần cho trẻ. Một số vi chất dinh dưỡng có vai trò chính trong vấn đề kích thích vị giác cho trẻ là kẽm cùng với sắt và magie. Sự giảm cảm giác thèm ăn là dấu hiệu đầu tiên có thể nhìn thấy được của tình trạng thiếu kẽm và nó xảy ra trước bất kỳ triệu chứng nào khác liên quan.
Mặc dù trẻ biếng ăn phần lớn là do nguyên nhân hành vi nhưng ở những trẻ khác có thể do các yếu tố khác nhau như thiếu vi chất dinh dưỡng, cụ thể là trẻ thiếu kẽm, thiếu máu và nhiễm trùng. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt và kẽm rất phổ biến. Do đó, đã có rất nhiều báo cáo trên khắp thế giới về tác động của việc bổ sung kẽm nhằm cải thiện sự thèm ăn và tốc độ tăng trưởng cho đối tượng là trẻ em.
2. Làm thế nào để cải thiện tình trạng thiếu kẽm gây biếng ăn ở trẻ?
Thiếu kẽm từ lâu đã được chứng minh là có thể dẫn đến chậm phát triển. Kẽm là một khoáng chất vi lượng cần thiết cho sức khỏe và sự hình thành não bộ của trẻ. Trẻ nhỏ nên được bổ sung kẽm hàng ngày từ các nguồn thực phẩm bổ dưỡng. Đồng thời, đừng cho trẻ uống thuốc bổ sung kẽm mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Bên cạnh đó, cha mẹ hay các nhà chăm sóc cần có kiến thức nhu cầu tiêu thụ hàng ngày về kẽm ở trẻ nhỏ. Cụ thể là lượng kẽm mà trẻ cần tùy thuộc vào độ tuổi, nhưng trẻ hoàn toàn có thể nhận được tất cả những gì trẻ cần bằng cách ăn uống lành mạnh và cân bằng. Cho tới nay, các viện dinh dưỡng vẫn chưa thống nhất lượng kẽm khuyến nghị hàng ngày cho trẻ dưới 7 tháng tuổi, nhưng sau 7 tháng cho đến khi trẻ được 4 tuổi, trẻ nên bổ sung 3 miligam kẽm mỗi ngày. Trong độ tuổi từ 4 đến 8, trẻ em cần 5 miligam kẽm mỗi ngày và từ 9 đến 13 tuổi, trẻ em cần 8 miligam kẽm. Thiếu niên nữ và nam trong độ tuổi từ 14 đến 18 lần lượt cần 9 miligam và 11 miligam kẽm mỗi ngày.
Nguồn kẽm tốt nhất cung cấp cho trẻ nên là từ các loại thực phẩm quen thuộc hàng ngày. Trong đó, thịt bò, thịt lợn, thịt gà và cá là những nguồn thực phẩm cung cấp kẽm hàng đầu. Một khẩu phần thịt bò nướng gần 100 gam cung cấp 7 miligam kẽm và cùng một lượng thịt lợn cung cấp 2,9 miligam; thịt gà là 2,4 miligam. Một khẩu phần 100 gam cua hoàng đế Alaska cung cấp 6,5 miligam kẽm và cùng một lượng tôm hùm chứa 3,4 miligam. Một hộp sữa chua 250ml có 1,7 miligam kẽm và 30 gam hạt điều cung cấp 1,6 miligam. Một lát pho mát Thụy Sĩ, một cốc sữa hoặc một gói bột yến mạch ăn liền cung cấp khoảng 1 miligam kẽm.
Như vậy, tùy thuộc vào nhu cầu ăn uống cụ thể của từng trẻ, việc cho trẻ ăn thịt thường xuyên là một trong những cách đơn giản nhất để tăng lượng khoáng chất thiết yếu này. Cha mẹ có thể cho trẻ ăn một hộp sữa chua với các loại hạt thái nhỏ để có một bữa ăn nhẹ hấp dẫn và giàu chất kẽm. Một cách đơn giản hơn để cung cấp kẽm trong các buổi đi chơi ngoài trời là cho trẻ uống thêm một hộp sữa bên cạnh bữa ăn thông thường để tăng cường lượng kẽm cần thiết cho trẻ.
Chính vì hầu hết trẻ em không cần bổ sung kẽm ngoài chế độ ăn hằng ngày, việc tự ý cho trẻ uống thuốc bổ chứa kẽm có thể gây ngộ độc. Các tác dụng phụ của thừa kẽm bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau đầu. Hơn nữa, tình trạng dư thừa kẽm cũng có thể khiến cơ thể trẻ không thể sử dụng sắt đúng cách và dẫn đến giảm lượng đồng.
Vì thế, trong các trường hợp trẻ đang mắc bệnh lý không thể dung nạp đủ lượng thức ăn theo nhu cầu hay trẻ quá kén ăn, cha mẹ nên xem xét bổ sung kẽm dưới dạng vitamin tổng hợp để giúp hoàn thiện gai vị giác, tăng miễn dịch đường ruột, kích thích tiêu hóa và vị giác, chuyển hóa thức ăn, đảm bảo khả năng phát triển toàn diện một cách tốt nhất cho trẻ.
Tóm lại, kẽm là một chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho nhiều chức năng sinh lý trong cơ thể. Tình trạng thiếu kẽm gây biếng ăn ở trẻ nhỏ đã được khẳng định qua các nghiên cứu quan sát cũng như mô hình động vật. Tuy nhiên, khi đảm bảo được một chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng các thành phần, khả năng cung cấp kẽm theo nhu cầu của trẻ vẫn có thể đáp ứng được. Đồng thời, việc bổ sung kẽm bằng các sản phẩm tổng hợp vẫn có thể xem xét, tốt nhất là tuân theo hướng dẫn về liều lượng nhằm tránh dư thừa kẽm quá mức gây nguy hại cho trẻ.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website (vinmec.com) và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng khi cần tư vấn nhé.
- Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu kẽm
- Uống kẽm và canxi cùng lúc được không?
- Tác hại của việc tự ý bổ sung kẽm cho trẻ