Mục lục
Nhiều cha mẹ đau đầu vì việc con bắt đầu thường xuyên bị ốm, gặp các vấn đề sức khỏe sau 6 tháng tuổi. Đó có thể là do sức đề kháng của các bé dần suy yếu. Liệu cha mẹ đã thực sự để ý đến vấn đề này, làm thế nào để trẻ có được sức đề kháng vững vàng?
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BS Trung tâm Nhi - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
1. Tìm hiểu về hệ miễn dịch cơ thể trẻ nhỏ
Sức đề kháng của trẻ có được nhờ từ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Có thể chia thành 2 loại: miễn dịch thụ động và miễn dịch chủ động:
- Miễn dịch chủ động là trạng thái thái miễn dịch của cơ thể do chính cơ thể sinh ra khi tiếp xúc với kháng nguyên. Trong đó, miễn dịch chủ động tự nhiên là khi cơ thể tình cờ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và tự có đáp ứng miễn dịch với tác nhân đó. Và miễn dịch chủ động nhân tạo có được khi kháng nguyên được chủ động đưa vào cơ thể, như cơ chế tạo miễn dịch khi tiêm vắc xin
- Miễn dịch thụ động là trạng thái miễn dịch của cơ thể nhờ kháng thể được chuyển từ ngoài vào cơ thể, mà điển hình là kháng thể mẹ truyền cho trẻ trong quá trình mang thai và qua sữa mẹ. Tuy nhiên miễn dịch này suy yếu rất nhanh sau 6 tháng tuổi.
Sức đề kháng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của các bé, là “hàng rào chắn” chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây bệnh như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,...bảo vệ cơ thể non nớt của trẻ.
Chính vì vậy, nếu sức đề kháng suy yếu trẻ sẽ dễ mắc bệnh hơn, cơ thể chậm phục hồi sau ốm hơn....ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển bình thường của trẻ.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng sức đề kháng của trẻ bị suy giảm?
Trên thực tế, sức đề kháng của trẻ suy giảm từ tháng thứ 6 sau sinh. Đây là một trong những lý do khiến trẻ hay ốm sau 6 tháng tuổi. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến đề kháng của trẻ dễ suy giảm từ 6 tháng tuổi và làm thế nào để tăng cường đề kháng cho trẻ?
- Thứ nhất, như đã đề cập ở trên, khi mới chào đời, cơ thể trẻ được bảo vệ bởi hệ thống kháng thể truyền từ mẹ sang con qua nhau thai và sữa mẹ. Tuy nhiên lượng kháng thể này suy giảm rất nhanh sau 6 tháng trong khi đó cơ thể trẻ chưa đủ cứng cáp để tự bảo vệ mình. Vì thế, trẻ rất dễ mắc bệnh, hay ốm vặt dai dẳng trong giai đoạn này. Để nâng cao đề kháng của trẻ ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu, bé nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục duy trì đến hết 24 tháng, kể cả khi trẻ đã bắt đầu ăn dặm. Sữa mẹ không chỉ cung cấp đủ dưỡng chất để bé phát triển mà còn là nguồn cung kháng thể dồi dào, bao gồm kháng thể IgG(I giê giê), IgA(I giê A), lysozyme (li sô zim), lactoferrin (lắc tô phơ rin) ,... giúp trẻ chống lại tác nhân gây bệnh.
- Thứ hai: do sự gia tăng tiếp xúc với môi trường của trẻ. Từ 6 tháng tuổi trẻ bắt đầu ăn dặm, lẫy, bò, đi đứng, chạy nhảy, cho đồ chơi vào miệng... đây chính là cơ hội để các virus, vi khuẩn tấn công vào cơ thể trẻ. Chính vì vậy, bố mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé và môi trường mà trẻ thường xuyên tiếp xúc để giúp ngăn chặn sự tấn công của các vi khuẩn gây bệnh từ đó hệ miễn dịch cũng khỏe mạnh hơn.
- Thứ ba, chế độ ăn dặm của trẻ không cân đối các nhóm chất từ đó có thể dẫn đến nguy cơ mắc suy dinh dưỡng, thiếu hoặc thừa chất, sức đề kháng theo đó cũng suy yếu đi. Trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi trẻ bắt đầu quá trình ăn dặm. Để tăng sức đề kháng cũng như giúp bé phát triển toàn diện, chế độ ăn của trẻ cần có sự cân đối giữa các nhóm chất, được bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, vitamin C,... giúp cải thiện vị giác, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng, khắc phục tình trạng ốm vặt. Các bậc phụ huynh có thể bổ sung các dưỡng chất cho trẻ qua chế độ ăn hoặc các sản phẩm chức năng. Cho dù bằng con đường nào, cha mẹ cũng cần có sự kiên trì và nên được bác sĩ tư vấn để đạt được kết quả tích cực, tránh bổ sung thừa, bổ sung không hiệu quả.
- Thứ tư, trẻ không được tiêm phòng đầy đủ. Nhiều khi bố mẹ quá bận rộn với công việc thường bỏ quên lịch tiêm phòng của các bé. Tiêm ngừa không đủ mũi, tiêm trễ lịch sẽ khiến các kháng thể trong vắc xin không phát huy đầy đủ khả năng bảo vệ trẻ, bản thân trẻ mất đi một lớp phòng vệ khỏi các loại virus gây bệnh.
Vì vậy, bố mẹ cần cho trẻ tiêm đầy đủ vắc xin và đúng lịch để bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh lây nhiễm nguy hiểm như: sởi, viêm gan, quai bị, thủy đậu, viêm não Nhật Bản,...
Cũng theo các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
- Thiếu vitamin B1 ở trẻ em dễ gây chán ăn
- Tips khắc phục tình trạng hay ốm vặt ở trẻ
- Trẻ ốm vặt bố mẹ phải làm sao?